| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 12/08/2016 , 10:45 (GMT+7)

10:45 - 12/08/2016

Ăn, chơi sau nửa đêm

Mỗi khi đến Thái Lan, ngồi giữa không gian nhộn nhịp của những con phố đêm Bangkok hay Pattaya, tôi lại hơi chạnh lòng khi nghĩ về những phố đêm ở Hà Nội.

Tôi nhớ có lần mời một số người bạn từ TP HCM đi ăn đêm. Cuộc nhậu đang vui thì có tiếng loa “đề nghị hàng chị Thúy tắt đèn, dọn dẹp”. Hóa ra đã quá 12h. Đến vòng sau thì những dân phòng nhảy từ xe bán tải xuống thu hết ghế. Loa vẫn phát. Khách hàng lục tục ra về. Không về cũng chẳng được. Chiếc loa pin trong tay anh cảnh sát trật tự liên tục phát ra những cảnh báo. Chị chủ quán nháo nhác dọn hàng. Nhiều đĩa thức ăn mới vơi một nửa. Lần đó tôi nhớ nhất, bởi quá ái ngại với những người bạn từ xa. Còn chuyện đang đưa miếng ăn lên miệng mà phải nháo nhác chạy, là chuyện cơm bữa với những người ăn đêm ở thủ đô. 


Nhà báo Trần Anh Tú

Làm báo, tôi thường xuyên phải rời cơ quan lúc nửa đêm về sáng, và thường xuyên phải “ăn trong sợ hãi”. Có lần, chủ quán thấy công an từ xa, cuống cuồng khoá kín cửa lại, xe tôi để ngoài, đứng bên trong sợ chết điếng mà không biết làm thế nào.

Thế nên, không chỉ tôi vui mừng khi người đứng đầu chính quyền Thủ đô, ông Nguyễn Đức Chung tuyên bố trong Hội nghị “Diên Hồng” về du lịch vừa tổ chức ở Hội An rằng, Hà Nội sẽ bỏ “giờ giới nghiêm” đối với các điểm vui chơi.

Theo số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2016, khách quốc tế đến Hà Nội đạt trên một triệu lượt người, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách nội địa đến Hà Nội cũng tăng nhanh, đạt gần 4,6 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, với tổng lượng khách đến Hà Nội đạt hơn 5,6 triệu lượt người, doanh thu từ du lịch của thành phố đạt trên 16.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Một bộ phận không nhỏ trong số mấy triệu du khách đó luôn có nhu cầu đi chơi đêm, ngắm Hà Nội về đêm và tất nhiên là ăn uống. Những vị khách chi tiêu nhiều nhất, lại đến từ một múi giờ khác. Vậy nên việc dỡ bỏ lệnh cấm vui chơi sau “giờ giới nghiêm” là điều đáng lẽ Hà Nội phải làm từ lâu. Một thành phố vì hòa bình mà lại cấm người dân vui chơi sau nửa đêm thì có vẻ phản tác dụng. Hơn nữa ngành du lịch sẽ thêm doanh thu từ những vị khách vi vu sau thời điểm đó.

Trước ý tưởng của ông chủ tịch, đã có những ý kiến băn khoăn. Người ta viện ra rằng nhiều hàng quán tại Hà Nội nằm xen giữa những khu dân cư. Tiếng “dzô dzô” cả đêm có lẽ là điều mà cư dân nơi đó không muốn và không thể chịu đựng nổi. Cũng có ý kiến liên hệ giữa các tụ điểm ăn chơi đêm và tình hình an ninh trật tự. Tất nhiên trước một sự thay đổi bao giờ cũng có những ngại ngần hợp lý. Vào tháng 6 năm nay, Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP HCM đã phát biểu rằng án giết người trong 6 tháng đầu năm tăng 5 vụ (10,2%), 70%-80% số vụ giết người là do ăn nhậu. “Lãnh đạo Công an TP sẽ nghiên cứu, tham mưu hạn chế loại hình kinh doanh quán nhậu ban đêm để ngăn ngừa tội phạm”, Đại tá Tài nhấn mạnh.

Thế nhưng, đó không phải là lý do để hạn chế quyền kinh doanh của người dân, quyền hưởng thụ của công dân. “Không quản được thì cấm” là phương thức quản lý cũ kỹ và không phù hợp với thời đại mới. Các vi phạm về trật tự công cộng, như làm ồn tại khu dân cư đã được quy định trong Nghị định 167/2013. Các thiết chế phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh xã hội cũng đã được quy định đầy đủ bằng rất nhiều văn bản. Các cơ quan chức năng và người dân có trách nhiệm thực hiện nó ngày cũng như đêm, không phân biệt đối tượng nào, cá nhân, hộ gia đình hay hàng quán. Nếu nói rằng vì có chỗ vui chơi ban đêm mà phát sinh thêm nguy cơ, thì rõ là tư duy “không quản được thì cấm”.

Đã đến lúc Hà Nội dỡ bỏ “giờ giới nghiêm” và đặt những barrie trong lòng người kinh doanh. Chính những người kinh doanh sẽ phải tự điều chỉnh để chiều lòng khách cũng như phục tùng những quy định pháp luật. Bởi vì tư duy “không quản được thì cấm” chưa bao giờ giúp xã hội phát triển.