| Hotline: 0983.970.780

'Ăn nên làm ra' nhờ chuột đồng

Thứ Năm 27/08/2015 , 08:15 (GMT+7)

Nghề săn bắt chuột đồng ở các huyện biên giới An Giang và Đồng Tháp bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên, nhất là khi lũ về.

Thời điểm này chuột mập, thịt thơm ngon hơn bất cứ thời điểm nào trong năm. Chuột đồng có quanh năm ở miền Tây nhưng cao điểm là sau khi thu hoạch lúa. Đây cũng là thời điểm “ăn nên làm ra” của những người chuyên làm nghề săn chuột.

Hiện nay, người dân bắt chuột bằng nhiều cách khác nhau nhưng phổ biến nhất là bẫy rập vì được nhiều. Chỉ với dụng cụ đơn giản, một chiếc xuồng nhỏ, vài trăm cái bẫy rập và thùng ướp nước đá, người dân có thể hành nghề, mang lại thu nhập khá.

Về đầu nguồn biên giới xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) có hàng chục hộ sống bằng nghề bẫy rập chuột đồng. Thịt chuột hiện nay đang có giá cao, tiêu thụ ổn định, chuột sống giá 40.000 - 45.000đ/kg, còn chuột làm sẵn (lột da) 65.000 – 70.000đ/kg, có lúc cao điểm tăng lên 80.000 - 100.000đ/kg, luôn hút hàng.

Nghề săn bắt chuột giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khi mùa lũ về và tạo thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra nó còn góp phần bảo vệ mùa màng cho người trồng lúa và hoa màu. Bình quân một hộ dân có khoảng 100 - 200 cái bẫy rập, 1 ngày đêm có thể thu nhập trên 300.000đ.

Anh Trần Văn Bình, ở xã Thường Thới Hậu A chuyên sống bằng nghề bẫy rập chuột cho biết: Hiện nay dân chủ yếu đặt bẫy chuột ở các cánh đồng Campuchia, sáng 7 - 8 giờ bắt đầu đi, 2-3 giờ chiều thì tiến hành đặt bẫy, đến 8 giờ tối thì thăm bẫy và đến 4 giờ sáng hôm sau tiến hành gom chuột về bán cho thương lái. Nghề này tuy cực nhưng cũng cho thu nhập khá, ổn định cuộc sống gia đình.


Anh Trần Văn Bình, ở xã Thường Thới Hậu A có 200 cái rập chuột mỗi đêm thu nhập trên 300.000 đồng

Khi con nước bắt đầu vào ruộng, những cánh đồng chìm trong biển nước, chuột leo lên những khu gò cao, nơi có nhiều bụi cỏ để trú ngụ. Người dân chỉ cần theo đó đặt bẫy rập chuột theo hướng đón đầu, không cần mồi nhử. Chuột sẽ đi theo lối mòn và chui đầu vào bẫy.

Anh Cao Văn Kê, ở ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A có hơn 4 năm trong nghề bẫy rập chia sẻ: Bẫy rập chuột cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phải xem những nơi có dấu chân chuột đi qua thì đặt. Khi đi đặt bẫy săn chuột phải mang theo thùng đá để khi chuột chết vì sập bẫy sẽ làm thịt, ướp lạnh ngay tại chỗ. Kết thúc một đêm vất vả và mệt mỏi, bình quân mỗi người bắt được 10 - 15kg chuột/đêm, may mắn có thể lên đến 20 - 30kg.

Nhiều năm gần đây, nghề bẫy chuột đồng không còn là nghề “tay trái” của nhiều hộ dân mà nó đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình.

Ông Phạm Văn Hoàng, ngụ ở xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: “Nghề săn bắt chuột đồng có từ khá lâu. Ban đầu, người dân bắt chuột sau khi thi hoạch lúa bằng cách ví cù, sau này nhiều người thích ăn nên thịt chuột trở thành đặt sản”.

Ở huyện Châu Phú (An Giang) hình thành chợ chuột Phù Dật thuộc xã Bình Long, được xem là chợ chuột lớn nhất miền Tây. Nơi đây là điểm tập kết tiêu thụ chuột đồng trong nước và cả chuột từ Campuchia mang sang bán. Chợ chuột nơi đây mua bán sôi động nhất từ 5 - 9 giờ sáng, mỗi ngày có từ 5-10 tấn chuột được thu mua làm thịt để tiêu thụ cho các nhà hàng và quán nhậu ở các tỉnh miền Tây, TP.HCM.

Anh Lê Văn Thiên, chủ cơ sở thu mua chuột đồng ở xã Bình Long, cho biết: Mùa này thương lái thu gom chuột đồng ở khắp nơi đều chở về đây bán, bình quân mỗi ngày anh mua gần 1 tấn chuột đồng. Sau khi chặt đầu, đuôi và lột da còn khoảng 750-800kg, anh xuất bán.

Chợ chuột Phù Dật nằm gọn ở ấp Bình Chiến, trong ấp có khoảng 600 hộ thì có trên 200 hộ sống bằng nghề săn bắt, làm thuê và kinh doanh chuột.


Thu mua chuột từ các hộ dân tại An Giang

Nhờ cái chợ này mà hàng trăm lao động có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Chuột ở chợ Phù Dật thu mua bao nhiêu cũng không đủ đáp ứng theo các đơn đặt hàng, nhất là nhà hàng và quán nhậu.

Bà Cao Thị Thúy Hằng, người làm công lột da chuột ở chợ Phù Dật cho biết: Vào mùa chuột rộ bình quân mỗi ngày bà lột da, móc ngũ tạng, chặt đầu, chặt đuôi, chân…, từ 50-70 kg, chủ trả tiền công gần 100.000đ.

“Nhiều người nhìn thấy chuột là khiếp sợ nhưng với người dân nơi đây, chuột đã trở thành con vật, món ăn quá quen thuộc. Đây cũng là món nhậu không thể thiếu trong thực đơn tại các nhà hàng lớn trong khu vực” bà Hằng nói.

Giờ đây, thịt chuột đồng đã được bày bán thường xuyên ở chợ từ nông thôn đến thành thị. Những mâm chuột trắng ngần luôn mời gọi người dân. Chị Bùi Thị Thu Nguyệt, tiểu thương tại chợ thị xã Hồng Ngự cho biết: Từ sáng sớm đã có nhiều người mua chuột, đặc biệt dịp này chuột nhiều và ngon. Loại lớn thì 3-4 con/kg, loại nhỏ khoảng 10-12 con/kg, giá từ 50.000 - 60.000đ/kg. Tuy giá cao nhưng vẫn luôn hút hàng vào những ngày cuối tuần.

Nghề săn chuột đồng mùa lũ ở các xã biên giới huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã giúp giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho những lao động nhàn rỗi và giúp ổn định cuộc sống.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất