| Hotline: 0983.970.780

Ăn nhanh, đi chậm, nói lớn, hay cười

Thứ Bảy 22/09/2018 , 14:50 (GMT+7)

Người mình ăn nhanh là có lý do. Cả ngàn đời chứ đâu có ít. Gốc rễ là văn hóa lúa nước, tiểu nông, nông dân toàn thể.

Đa số đều dậy sớm, đàn bà còn dậy sớm hơn, trẻ con được dậy trễ nhất, vừa hừng đông. Ra đồng, ra rẫy, ra vườn, ra nương, con cái phụ giúp cha mẹ rồi mới đến trường. Ăn qua quýt, ngồi xổm quanh cái mâm hoặc cái nồi, chỉ năm ba phút, xong. Ăn trưa cũng qua quấy như vậy cho đến khi ăn tối, gia đình quây quần bên mâm bên bàn nhưng trẻ con thường được dạy, không được nói khi nhai! Sau này đô thị hình thành, kẻ chợ, phố đông, cuộc sống thong dong đôi chút. Bữa ăn được chú ý, tươm tất nhưng ăn chậm, ăn trong tao nhã chuyện trò vẫn chưa thành thói quen.

mu-gt-7140247191
Ảnh minh họa

Người mình đi chậm. Chân không dài, đi chân không hoặc đi dép lẹp quẹp, khó đi nhanh. Và vừa đi vừa cắm cúi, trừ trẻ em hay nhảy chân sáo vì vô lo. Nhìn một người đàn ông vác cái cày, cái bừa, hay cầm cái roi đi sau “con trâu là đầu cơ nghiệp”, có nhanh gì cũng không nhanh hơn con trâu được. Nhìn người phụ nữ cầm cái liềm đi ra đồng xem, tất bật và cắm cúi nhưng vẫn đi như đếm cỏ, đếm nỗi niềm trong lòng mình. Con cái họ thành cư dân đô thị, ngày xưa đi học áo dài guốc cao, yểu điệu thục nữ mới đúng con nhà lành, đi làm cũng khoan thai cắp ô cắp túi. Sau này thì phóng xe đạp xe máy và ngồi ô tô, đi bộ thành chuyện bắt buộc, không phải để rèn luyện. Đàn ông càng ít đi bộ, vì còn ngồi lê bia bọt, cà phê, cờ tướng, đi bộ phải đổi giày, lười đã quen.

Người mình nói lớn. Đúng quá rồi. Nông dân và gốc gác làng quê mà không nói to mới là lạ. Không gian làng, đám tiệc ở nơi nhà cửa thoáng, nói nhỏ không vui, nói nhỏ không nghe thấu. Không gian vắng lặng nên tiếng người cần cất lên ồn ào cho đỡ vắng. Người Nghệ Tĩnh chịu đựng gió Lào, giò ù ù như thế, phải gào lên mới nghe thấy nhau. Người miền Đông đất đai bạt ngàn, rừng cao su rừng lá thấp, kêu toáng loáng còn chưa nghe thấy huống hồ nhỏ giọng? Người miền Tây sông nước mênh mang, điệu lý câu hò trải dài, gặp nhau bỗ bã ăn to nói lớn cho đã cái đói con người! Gốc gác ấy lên thành thị với con, không hạ vô-lim được, bị con nhắc hoài, nhà chung tường khuya khoắt cứ nghe giọng ba má oang oang hàng xóm bực mình. Nhưng con cái họ ở chợ hay ở công sở cũng đâu đã thói quen nói nhỏ, nói thầm, nói đủ nghe?

Người mình hay cười. Đặc điểm này phổ biến, từ Bắc chí Nam. Văn hóa nho giáo bén trong máu, chào nhau nụ cười. Có chuyện bực bội trong nhà nhưng bỗng dưng gặp người ngoài, phải tươi kẻo người ta biết thóp. Đàn ông có nhiều dịp để cười, thù tạc, nói tục, chém gió. Đàn bà con gái rúc rích đủ thứ chuyện với nhau, thứ mà đàn ông không thể biết.

Trẻ không biết tươi cười khi chào hỏi là đứa trẻ thiếu văn hóa, thậm chí là trẻ hư. Nụ cười vì vậy thường trực trong văn hóa sống và giao tiếp. Và chiến tranh liên miên bất tận, cười cho qua, vừa thoát chết đã bật cười, tức cười quá sao mình vừa chạy đứt cả nút áo, gần sút cả lưng quần mà mình vẫn sống? Cười mãi, như cây sầu đâu trong héo ngoài tươi.

Chiến tranh đi qua, cười để chữa lành, cười để vượt nghèo và khi đã kha khá, cười vì đang vui, thực sự vui mà. Mãi rồi, nụ cười thành chuyện tự nhiên của nét môi, của nếp môi. Đi đám tang, gặp nhau cũng chằm bặp vai, cũng chành cười, quen rồi. Ngồi giữa đám tang y rằng là đàn ông sẽ lớn tiếng chém gió và chỗ đàn bà con gái thế nào cũng có tiếng cười.

Người ở xứ công nghiệp xem bữa ăn, nhất là bữa tối thành thời gian trịnh trọng, ăn chậm, nhai khẽ, ngồi lâu để ngồi được với nhau, bên nhau, trong khung cảnh ấm cúng sau một ngày. Và họ biết rằng nhai chậm rất tốt cho sức khỏe. Người của họ đi bộ rất giỏi và đi nhanh, vì đã hàng ngàn năm như vậy: giá lạnh đi bộ thì ấm, đi ra phương tiện công cộng đều xa, đi bộ như một trình tự của một ngày. Đi chơi, dù ngồi ô tô đi nữa, cũng phải đi bộ khá xa từ chỗ gửi đến chỗ cần đến. Và vỉa hè đẹp, công viên rộng, thả chân cho sướng bước chân cho dào dạt tâm hồn. Cuộc sống nơi đất rộng người thưa và đô thị hàng mấy trăm năm rèn họ thói quen nhìn vào bên trong mình, suy ngẫm, đọc sách, thả hồn… vì vậy mà không hay nói chuyện vô bổ hoặc nói chuyện to ở nơi công cộng. Còn nữa, họ khó bật cười nếu không có việc đáng cười, đa số văn hóa nhà thờ, trang nghiêm, tĩnh lặng, họ dùng nét cười đồng hành đúng với câu chữ sẽ bật ra, không giỏi xã giao, thớ lợ.

Ăn nhanh, đi chậm, nói lớn, hay cười là đặc điểm của dân ta mà các bạn quốc tế tổng kết đấy các bạn ạ. Chúng ta thấy thú vị nhưng không có nghĩa là không nên điều chỉnh, nhé.

(Kiến thức gia đình số 38)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?