| Hotline: 0983.970.780

Ấn tượng hồ tiêu

Thứ Ba 21/08/2012 , 13:40 (GMT+7)

Những năm gần đây, ngành hồ tiêu Việt Nam luôn đạt được những con số hết sức khả quan về năng suất, chất lượng sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu.

Những năm gần đây, ngành hồ tiêu Việt Nam luôn đạt được những con số hết sức khả quan về năng suất, chất lượng sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, uy tín về sản phẩm hồ tiêu ngày càng được nâng cao trên thị trường quốc tế; người trồng tiêu cũng luôn thường trực những nụ cười rạng rỡ…

NĂNG SUẤT, SẢN LƯỢNG CAO

Trong 39 nước SX hồ tiêu trên thế giới thì VN là một trong 4 nước có diện tích hồ tiêu lớn nhất: Sau Ấn Độ (195,9 nghìn ha), Indonesia (103,9 nghìn ha) và trước Malaysia (13,5 nghìn ha). Năm 2011, diện tích hồ tiêu Việt Nam đạt 55,8 nghìn ha (trong đó Bắc Trung bộ khoảng 3,4 nghìn ha), duyên hải Nam Trung bộ khoảng 1,4 nghìn ha, Tây Nguyên 22,6 nghìn ha, ĐBSCL 0,6 nghìn ha và Đông Nam bộ lớn nhất với 27,7 nghìn ha). Tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất nước là Bình Phước (10 nghìn ha), sau đó là đến Đồng Nai và Đăk Nông (mỗi tỉnh 8 nghìn ha).

Ở nhiều vùng trồng tiêu của nước ta, thiên nhiên đã biệt đãi cho điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng hết sức phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây tiêu. Theo đó, năng suất và sản lượng hồ tiêu VN luôn là một sự ngưỡng vọng cho hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trồng hồ tiêu trên thế giới.

Một số “ông trùm” hồ tiêu thế giới như Thái Lan, năng suất đạt 32,1 tạ/ha (cao hơn 286,8% so với năng suất hồ tiêu thế giới), Malaysia 22 tạ/ha (cao hơn 165% so với năng suất hồ tiêu thế giới). Ấn Độ là nước có diện tích hồ tiêu lớn nhất thế giới (195,9 nghìn ha), nhưng năng suất chỉ đạt… 2,6 tạ/ha/vụ, bằng 31% so với năng suất hồ tiêu thế giới.

Còn ở VN, Tây Nguyên là nơi có năng suất hồ tiêu cao nhất nước với 31,3 tạ/ha; trong đó tại tỉnh Gia Lai, năng suất đạt 45,2 tạ/ha, cao hơn 82,3% năng suất bình quân cả nước. Nhìn chung, những địa phương và hộ trồng tiêu ở VN đạt hiệu quả kinh tế cao, phần lớn tập trung ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có sự đầu tư và ứng dụng các TBKT vào SX, chế biến.

Với diện tích chỉ chiếm khoảng 9% diện tích hồ tiêu thế giới, tuy nhiên sản lượng hồ tiêu VN đạt khoảng 30% sản lượng hồ tiêu toàn thế giới. Năm 2011, sản lượng hồ tiêu của ta đạt 112 nghìn tấn, trong khi các nước có diện tích hồ tiêu lớn như Ấn Độ sản lượng chỉ đạt 51 nghìn tấn, Indonesia 56 nghìn tấn (hai nước trên, sản lượng chỉ đạt 27% sản lượng hồ tiêu toàn thế giới).

Ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước một số vườn tiêu cho năng suất rất cao (từ 5-7 tấn/ha/vụ). Cá biệt có hộ đạt trên 10 tấn/ha/vụ ở những vườn tiêu đã trồng và khai thác từ 9-10 năm. Điển hình một số hộ trồng tiêu ở nước ta đạt năng suất cao như hộ ông Nguyễn Văn Quéo (Gia Lai) có diện tích 9 ha, năng suất đạt 10 tấn/ha, hộ ông Đinh Văn Hướng (Bình Phước) trồng 3 ha, năng suất 8,5 tấn/ha, hộ ông Võ Văn Khuân (Đăk Nông) trồng 12 ha, năng suất 8 tấn/ha…

LÀM CHỦ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

Bên cạnh năng suất và sản lượng hồ tiêu ở VN luôn đạt cao, giá hồ tiêu cũng đã đạt mức kỷ lục. Có thời điểm, giá tiêu đen nội địa đã lên đến 152-153 nghìn đ/kg, tiêu trắng lên đến 200 nghìn đ/kg. Giá tiêu năm 2011 và đầu năm 2012 đã đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm và luôn giữ ở mức cao, bám sát mặt bằng giá thế giới ở mọi thời điểm. Theo đó, thu nhập của người SXKD, nhất là những hộ, những DN tích trữ hàng từ đầu vụ và bán ở thời điểm giá cao đã đạt lợi nhuận “khủng”.

Điều đáng nói là đến nay, các lực lượng đông đảo bà con trồng tiêu, thương lái, đại lý mua bán tiêu ở các địa phương đã làm chủ lượng tiêu hàng hóa bán ra, điều phối thị trường, bình ổn giá cả, do đó ít bị lệ thuộc và chi phối từ các nhà xuất khẩu trong nước và quốc tế. Điều này đã bước đầu tạo ra môi trường lưu thông buôn bán mới, sự chuyển biến mới trong lịch sử phát triển SX, lưu thông của ngành hồ tiêu VN.

7 tháng đầu năm 2012, tình hình lưu thông mua bán, giá tiêu trong nước có biến động nhẹ. Nhưng nhìn chung nhiều bà con trồng tiêu, thương lái, đại lý, DN cung ứng đã làm chủ tình hình, bình tĩnh không bán tháo khi giá tăng hoặc giảm; chủ động điều phối thị trường, bình ổn giá cả và ít bị lệ thuộc, chi phối bởi các nhà đầu cơ xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế. Trong 7 tháng đầu năm 2012, số lượng xuất khẩu hồ tiêu VN đạt khoảng 80 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu 7 tháng đầu năm 2012 đạt 546 triệu USD (so với cùng kỳ năm trước, giảm 3,2% về lượng, nhưng giá trị vẫn tăng 20,3%).

Đánh giá mới nhất về thực trạng XK hồ tiêu ở Việt Nam cho thấy: Hiện nay, sản lượng tiêu XK của nước ta chiếm khoảng 50% sản lượng tiêu XK toàn cầu, trên 95% sản lượng tiêu SX được dành cho XK. Chất lượng hồ tiêu XK ngày càng được cải thiện. Hiện tiêu chất lượng cao chiếm khoảng 30%, tiêu trắng 10-15% sản lượng tiêu XK. Thị trường XK từ 30 nước và vùng lãnh thổ năm 2002, đến nay hồ tiêu VN đã có mặt trên 80 nước và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như EU và Hoa Kỳ.

NHỮNG CẢNH BÁO ĐÁNG QUAN TÂM

Tình hình khả quan của ngành hồ tiêu VN đã mang đến nguồn thu nhập rất cao cho người trồng tiêu. Theo đó, diện tích tiêu ở một số địa phương đã không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng tiêu ở ta chủ yếu vẫn là tự phát, thiếu sự định hướng mang tầm khoa học và chiến lược.

Nhiều vườn tiêu mới được trồng vào những nơi có điều kiện môi trường sinh thái, đất đai chưa phù hợp; việc đầu tư thâm canh, áp dụng TBKT vào SX còn hạn chế; sâu bệnh phát sinh gây hại ngày càng tăng dẫn đến năng suất khoảng 10 năm gần đây vẫn không tăng.

Việc mở rộng diện tích trồng tiêu thiếu định hướng cũng đã làm phá vỡ cơ cấu cây trồng trong từng vùng. Ở nhiều địa phương- nhất là một số tỉnh Tây Nguyên, bà con đã không thương tiếc khi đốn hạ hàng loạt vườn cà phê để trồng tiêu. Thậm chí ai không có cà phê để phá bỏ, lấy đất trồng tiêu thì… phá rừng để trồng tiêu.

Bên cạnh việc ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu thì chất lượng hạt tiêu cũng rất đáng được quan tâm. Tuy chất lượng tiêu hạt của VN không ngừng tăng, song ở một số nơi, sau thu hoạch bà con vẫn còn thực hiện phơi sấy bằng phương pháp thủ công: Phơi trên nền xi măng, sân gạch, vải bạt, thậm chí còn phơi trên sân đất. Điều này đã làm giảm chất lượng sản phẩm, hạt tiêu khô không đều, khi chế biến tiêu sọ bị dập vỡ tỷ lệ cao, chất lượng tiêu đen khi cất trữ ít giữ được mùi vị, tổn thất tiêu sau thu hoạch chiếm 9-10%...

Khắc phục được những hạn chế trên, nhất định sản phẩm hồ tiêu VN sẽ ngày càng được củng cố trên thị trường quốc tế vốn dĩ rất khó tính này.

Không phát triển ồ ạt, đại trà

Tại hội nghị “Đánh giá hiện trạng tình hình SX hồ tiêu năm 2011 và định hướng phát triển” vừa được tổ chức ở Gia Lai, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định: “Hồ tiêu là mặt hàng XK có giá trị cao, các địa phương cần lựa chọn cơ cấu giống, chế độ canh tác hợp lý, gắn liền với phát triển KT-XH ở nông thôn. Cần phát huy tối đa lợi thế so sánh giữa các tỉnh để hình thành các vùng chuyên canh tập trung có quy mô thích hợp. Gắn chế biến với vùng nguyên liệu, đồng thời phát triển mạnh các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo sản lượng cao nhất. Duy trì diện tích đang có, không phát triển ồ ạt, đại trà…”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất