| Hotline: 0983.970.780

Ấn tượng nông nghiệp đô thị

Thứ Năm 19/02/2015 , 06:20 (GMT+7)

TP.HCM là một trong những địa phương đã sớm bắt tay vào tái cơ cấu nông nghiệp. 

Đặc biệt, với đặc thù là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, tốc độ đô thị hóa luôn diễn ra khá mạnh mẽ, từ hơn 10 năm nay, TP đã định hướng chuyển dần từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị.

Từ những sức ép lớn

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, SX nông nghiệp ở ngoại thành TP.HCM đã bắt đầu cảm nhận được những khó khăn từ ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Người người bán đất, nhà nhà bán đất, đã tạo ra một tâm lý chung là người ta không còn mặn mà với SX nông nghiệp.

Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến trong nhiều năm liền, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp thành phố chỉ ở mức rất thấp (từ 1996 - 2000 tăng trưởng bình quân chỉ đạt 1,1%/năm).

Trong khi đó, SX nông nghiệp truyền thống trên địa bàn thành phố cũng ngày càng tỏ ra kém hiệu quả, nhất là khi so với các tỉnh ĐBSCL. Chẳng hạn, với cây trồng chiếm diện tích lớn nhất khi ấy là cây lúa, năng suất lại thua xa so với các tỉnh ĐBSCL và cả các tỉnh ở những khu vực khác.

Như ở vùng nước lợ là các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, mỗi năm chỉ SX được vỏn vẹn 1 vụ lúa, năng suất trên dưới 1 tấn/ha. Ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh, năng suất có cao hơn nhưng cũng chỉ đạt chừng 2 - 3 tấn/ha, bằng phân nửa so với cây lúa ở ĐBSCL.

Trước sự bế tắc của SX nông nghiệp theo lối cũ, TP.HCM đã quyết tâm bắt tay vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Với cây lúa, dù đang là cây trồng phổ biến nhất và nông dân có kinh nghiệm SX nhất, nhưng do năng suất và hiệu quả kinh tế quá thấp, thành phố quyết định phải thay thế dần bằng những cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cần Giờ và Nhà Bè là vùng nước lợ, gần biển, được khuyến khích đầu tư nuôi tôm sú.

Bước sang thế kỷ 21, TP.HCM càng quyết tâm hơn trong tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ SX nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị. Năm 2001, TP đưa ra chương trình “2 cây, 2 con” là con tôm sú, con bò sữa, cây rau an toàn và cây dứa Cayen. Đây đều là những loại cây, con có thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường gần 10 triệu dân của thành phố.

Trong những cây, con nói trên, con bò sữa đã có quá trình phát triển ổn định nhiều năm trước đó và có đầu ra thuận lợi nhất do được các công ty thu mua hết. Khi được tiếp sức thêm bởi Chương trình “2 cây, 2 con”, bò sữa ở TP.HCM đã phát triển khá mạnh từ năm 2001 đến nay.

Đến hết năm 2014, đàn bò sữa TP đã ở mức xấp xỉ 100 ngàn con, chiếm khoảng 50% tổng đàn bò sữa cả nước. Con tôm tuy có những lúc thăng, lúc trầm, nhưng đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế nông nghiệp ở Cần Giờ và Nhà Bè.

Bằng chứng là trước đây, khi 2 huyện này chỉ biết trồng lúa, hằng năm TP vẫn thường phải trợ cấp lương thực cho nhiều xã của các huyện vào những thời điểm giáp hạt. Còn từ khi 2 huyện tiến hành chuyển lúa sang tôm, TP đã không còn phải trợ cấp nữa.

Cây rau an toàn cho đến nay vẫn đang phát triển ổn định và ngày càng mở rộng về diện tích, với nhiều hộ, nhiều HTX tham gia từ SX đến tiêu thụ. Duy chỉ có cây dứa Cayen là không thành công khi đưa ra SX đại trà ở các hộ nông dân. Nguyên nhân chính là ở vấn đề kỹ thuật.

Bên cạnh “2 cây, 2 con” nói trên, trong thập niên đầu của thế kỷ 21, TP.HCM cũng đã đưa ra nhiều chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác phù hợp với nông nghiệp đô thị, như hoa - cây kiểng, cá cảnh, cá sấu… Những cây trồng, vật nuôi này đều có sự phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Từ những thành công ấy, năm 2011, TP.HCM đã xây dựng hẳn một chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn trong giai đoạn 2011-2015, tập trung vào những cây con chủ lực, phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu thụ của TP như bò sữa, rau an toàn, cá cảnh, hoa - cây kiểng, cá sấu…

Mục tiêu đặt ra đến năm 2015 là 2.100 ha hoa - cây kiểng, trên 100 triệu con cá cảnh, 190 ngàn con cá sấu, trên 15 ngàn ha gieo trồng rau, trên 10 ngàn tấn tôm, duy trì đàn bò sữa 83.000 con…

Đi kèm kế hoạch trên là những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, nhất là về tín dụng. Năm 2013, TP đã ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP, giai đoạn 2011-2013, trong đó có nhiều ưu đãi hấp dẫn về mặt tín dụng cho doanh nghiệp, nông dân.

Chẳng hạn, tổ chức, cá nhân đầu tư SX hoa lan, cây kiểng, cá cảnh hoặc nuôi trồng thủy sản khai thác hiệu quả nguồn nước kênh Đông, sẽ được ngân sách TP hỗ trợ 80% lãi suất tín dụng.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa, một số sản phẩm nông nghiệp đô thị cũng đã có đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của TP, cho dù giá trị XK mà nó mang lại chưa thể so sánh được với các sản phẩm công nghiệp.
Năm 2013, TP đã XK được gần 10 triệu con cá cảnh. Mỗi năm, giá trị XK cá cảnh của TP đang đạt khoảng 4 - 5 triệu USD. Ngoài ra các DN, cơ sở nuôi cá sấu trên địa bàn TP cũng XK gần 9.000 con cá sấu sống.
Chưa hết, các DN còn XK tại chỗ cho du khách nước ngoài được nhiều sản phẩm chế tác từ da cá sấu như túi xách, dây nịt...

Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ bản; mua máy móc phục vụ SX nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, sơ chế, chế biến nông sản, SX nông nghiệp tốt, SX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, SX giống, được hỗ trợ 100% lãi suất vay.

Hiệu quả thiết thực

Có thể nói nhờ mạnh dạn cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, ngành nông nghiệp TP.HCM không chỉ đã thoát ra khỏi tình trạng bế tắc, tăng trưởng quá thấp, mà còn luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao so với mức tăng trưởng chung của nông nghiệp cả nước trong hơn 10 năm qua.

Chẳng hạn, trong giai đoạn 2011-2013, giá trị SX nông nghiệp của TP tăng bình quân 6,1%/năm. Năm 2013, giá trị SX trên mỗi ha đã đạt bình quân 282 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so năm 2009 (139 triệu đ/ha).

Diện tích lúa kém hiệu quả trên địa bàn TP được giảm mạnh qua từng năm để nhường chỗ cho các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn (từ 2011-2013, mỗi năm diện tích lúa giảm bình quân 9%).

Nông nghiệp đô thị đã góp phần đáng kể trong việc làm đổi thay diện mạo khu vực ngoại thành, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Đại đa số các mô hình nông nghiệp đô thị đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với SX nông nghiệp truyền thống trước đây.

Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, năm 2013, diện tích trồng rau cho doanh thu bình quân 700 triệu đ/ha/năm (lợi nhuận 400 triệu đ/ha/năm), hoa lan 2 tỷ đ/ha/năm (lợi nhuận 900 triệu đ/ha/năm), bò sữa quy mô 20 con cho doanh thu 800 triệu đ/năm, tôm sú cho doanh thu 450 triệu đ/ha, cá cảnh cho lợi nhuận 20 - 60 triệu đ/năm (quy mô 30 - 40 m2)…

Nhiều vùng chuyên canh SX các sản phẩm nông nghiệp đô thị đã hình thành như vùng nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi với tổng đàn trên 60 ngàn con; vùng chuyên canh rau tập chung tại các xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung (huyện Củ Chi); xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Qui Đức (huyện Bình Chánh); xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn).

Các chương trình khuyến nông, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao… của TP.HCM, nhờ tập trung vào phục vụ cho nông nghiệp đô thị, cũng đã góp phần đem lại hiệu quả SX cao cho nông dân và thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.

14-40-30_nh-2-bi-tet-t-mui
Cá cảnh luôn thu hút được sư quan tâm của người dân TP

Trong năm 2013, Trung tâm Công nghệ Sinh học đã triển khai hỗ trợ 8 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong SX hoa, cây kiểng, quy mô 1,2 ha, cho 8 hộ trồng lan Mokara tại xã Bình Chánh (Bình Chánh), Trung Lập Hạ (Củ Chi), Tân Thạnh Đông, Tân Phú Trung (Củ Chi), Xuân Thới Sơn (Hóc Môn). Doanh thu từ hoa lan cắt cành của các mô hình khoảng 1,8 tỷ đ/ha/năm.

Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng 50 mô hình với quy mô 5,11 ha, có 182 hộ tham gia; trong đó, 22 mô hình trình diễn trồng lan Dendrobium (diện tích 1,16 ha), 12 mô hình trình diễn trồng lan Mokara (diện tích 0,55 ha), hiệu quả kinh tế trung bình 900 triệu đến 1 tỷ đ/ha/năm.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.