| Hotline: 0983.970.780

Ăn uống tránh sỏi mật

Thứ Hai 23/12/2013 , 10:14 (GMT+7)

Ăn nhiều rau, hoa quả, ăn cân đối khẩu phần, không nên ăn một loại thức ăn nhiều quá, cũng không nên quá kiêng khem. Khi bị bệnh sỏi mật cần đi khám và điều trị kịp thời.

Sỏi mật là một bệnh của đường tiêu hóa do có sỏi trong đường mật, có thể phát sinh ở các ống dẫn mật trong gan, ở ống mật chủ hoặc ở túi mật, bởi sự xuất hiện sỏi cholesterol hoặc sỏi sắc tố mật.

Bệnh sỏi mật có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn ở tuổi 20-50, càng nhiều tuổi càng dễ bị sỏi mật. Bệnh gặp ở phụ nữ cao hơn gấp 4-6 lần so với nam giới. Sỏi mật y học cổ truyền gọi là chứng thạch đởm. Đông y cho rằng, thạch đởm là do can uất khí trệ, ăn uống không điều độ hoặc do ngoại cảm thấp nhiệt mà thành bệnh. 

Đông y có bài thuốc trị sỏi mật: Quả sung khô 50g, nhân trần 10g, hoa actisô 10g, lá vọng cách 10g, diệp hạ châu  8g, râu ngô 8g, kê nội kim (màng mề gà) 10g, nghệ vàng 12g, bạch truật 12g, đảng sâm 20g, thổ phục linh  10g, cam thảo 8g. Sắc với 5 bát nước, thêm vào 5 lát gừng tươi, đun còn 2 bát, chắt ra. Đun thêm 2 lần, mỗi lần lấy 1 bát. Trộn chung cả 3 lần, cô lại còn 2 bát, chia đều uống trong ngày.

Uống liên tục 25 - 30 thang, sau đó kiểm tra lại sỏi mật bằng siêu âm. Nếu đã hết sỏi, nghỉ một tháng lại uống thêm 5 thang để củng cố kết quả. Bài thuốc trên có 3 tác dụng chính là làm tan sỏi (chủ yếu là quả sung, kê nội kim và nghệ vàng), lợi mật, tống sỏi ra ngoài (chủ yếu là râu ngô, nhân trần, diệp hạ châu, vọng cách và ý dĩ), bổ can, kiện tỳ để nâng chức năng gan giúp không hình thành sỏi mới (chủ yếu là nhân trần, actisô, bạch truật...).

- Lời khuyên của thầy thuốc

Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt có ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh sỏi mật. Muốn không bị sỏi mật cần hạn chế ăn thức ăn có hàm lượng cholesterol cao, các chất béo động vật, hạn chế đẻ nhiều, năng vận động để không bị béo phì, chữa các bệnh có nguy cơ sỏi mật, tránh giảm cân quá nhanh, tránh nhịn đói triền miên, chữa kịp thời các bệnh nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa...

Ăn nhiều rau, hoa quả, ăn cân đối khẩu phần, không nên ăn một loại thức ăn nhiều quá, cũng không nên quá kiêng khem. Khi bị bệnh sỏi mật cần đi khám và điều trị kịp thời.

- Ăn uống đối với người bị sỏi mật

Ăn giảm mỡ: Ăn ít thực phẩm chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, trứng...; ăn tăng đạm như thịt, cá, sữa, hạt đậu các loại... để tăng tạo tế bào gan đã bị tổn thương, chống thoái hóa mỡ tế bào gan.

Ăn thức ăn giàu đường bột: Thức ăn này dễ tiêu lại không ảnh hưởng đến mật, có nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt, tránh táo bón.

 Ăn thức ăn giàu vitamin C và nhóm B như rau, hoa quả tươi. Tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng đạm, đường, mỡ ở người bị sỏi mật tốt nhất nên là 1/5/0,5 (ở người trưởng thành bình thường là 1/5/0,75).

- Thức ăn nên dùng:

Nước quả, hoa quả tươi các loại, rau tươi, bánh kẹo ít trứng bơ, các loại thịt cá nạc như thịt lợn thăn, thịt bò, cá quả, cá chép, các loại đậu đỗ như đậu tương, đậu xanh, đậu đen. Ngoài ra, nên dùng một số thức ăn lợi mật như nghệ, lá chanh, lá vọng cách, lá đinh lăng và các thức kích thích túi mật co bóp nhẹ nhàng như bơ, dầu ôliu, dầu vừng, mỡ gà vịt.

 Hạn chế dùng: Trà, cà phê, cacao, chocolate; thịt cá có nhiều mỡ, dầu cọ, dầu dừa, phủ tạng động vật. Hạn chế ăn lòng đỏ trứng. Ngoài ra, cần phải kiêng rượu, bia, thuốc lá. Hạn chế ăn gia vị đậm đặc, mỡ động vật. Tránh ăn quá no và tránh để quá đói. Lao động và vận động vừa sức. Tránh lo lắng, suy nghĩ, mất ngủ và tránh cáu giận.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bình luận mới nhất