| Hotline: 0983.970.780

Ăn và nói

Chủ Nhật 09/06/2019 , 09:25 (GMT+7)

Đứa trẻ chừng năm tuổi đã phải ngồi vào bàn ăn cùng với cả nhà. Vì sao phải ngồi cùng mọi người? Là để nó tập ăn.

Một gia đình chú trọng gia phong sẽ dạy đứa bé ấy những gì? Ngồi thẳng lưng. Cầm đũa cho đẹp, không, không cầm thấp và nắm chặt như vậy, cầm cao lên, thong dong. Bưng chén cơm lên và, không cúi mọp trên bàn. Nhai kín, không vừa nhai vừa nói. Nhìn kỹ miếng mình sẽ gắp, không được xộc đũa vô dĩa thức ăn chung để chọn, không được bổ vào miếng ngon nhất rồi gắp trước cho mình. Nào nào, không được húp canh rồn rột.

Hình mang tính minh họa.

Nhớ tém chén cơm, không để các thứ rơi ra bàn. Nhớ, trước khi đứng lên chén phải sạch, không để dư hột cơm nào. Sau đó, thường là một tràng dài nữa về hột lúa, tình đất, vị mồ hôi, để đứa bé nhập tâm vì sao người ta ví hạt gạo là hạt ngọc. Hàng năm trời đứa bé mới thạo nết ăn. Rồi không biết từ khi nào đã phải hiểu “ăn coi nồi ngồi coi hướng”, “có làm mới có ăn”…

Ăn và nói. Vì sao người ta thường đánh giá “cái đứa đó là người biết ăn biết nói”? Hoặc là, cái thằng cái con đó dân trời ơi, ăn với nói! Vì vậy, bài học của người lớn khi đứa bé chưa lớn chỉ quanh quẩn với việc nói. Nói tròn vành rõ chữ. Nhìn thẳng vào người mình muốn họ nghe.

Không được vừa đi vừa trả lời, phải dừng lại và đối diện với người vừa hỏi. Gãy gọn, đầy đủ, lễ phép. Phát âm chuẩn, không được ngọng không được đớt. Không có “ông chời”, không được nói “ăn cơm gồi”, không được nói cơm nếp là “cơm níp”.

Chưa hết. Còn việc đi và việc đứng. Dáng dấp, bước chân. Lề mề, sệt gót, lê dép… là những thứ bị luôn đưa vào tầm uốn nắn. Và rồi, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”.

Chao ơi, la liệt những bài học trui rèn, nhắc nhở, thị phạm, kỷ luật và cả tuyên dương. Khi ấy đứa bé không khỏi cảm thấy ngột ngạt, nhiều giám sát quá, chắc chết. Nhưng khi đến trường, bao giờ nó cũng được thầy cô khen lễ phép, phát âm biểu cảm, chính tả giỏi, đi đứng nói năng đàng hoàng. Tuổi vị thành niên vụt đến, khi ấy đứa bé ấy bỗng thấy mình tự do vì nổi trội, luôn muốn tốt hơn và tốt hơn, muốn lan tỏa những điều mình được rèn rặp với bạn bè và, bắt đầu khát vọng thành đạt, phải thành đạt và phải có ích.

Vào đời. Quan sát nết ăn và cách nói của một con người có thể biết gia đình của người ấy có chú trọng đến khía cạnh nền tảng hay không. Không phải học vấn cao đã có nền tảng văn hóa cao. Học vấn của một thành viên là của riêng người đó nhờ thông minh, ý chí và cả may mắn. Văn hóa của một gia đình như những bậc thềm, xuất phát điểm, được gia cố và tự hào vun đắp để nó cao thêm, bởi nhiều thế hệ. Một thành viên vượt trội không giấu được dấu ấn cho thấy mình từng được sinh ra và nuôi dưỡng bằng những vi lượng tinh thần gì.

Đi và ghi nhận. Đã có thể biết qua phát âm và tính cách, người đó của vùng nào, miệt vườn hay “miệt guộng”, Bến Tre hay Rạch Giá, Hải Phòng hay Thái Bình, Hà Nội xưa hay Hà Nội nhập cư…Mắc một thói quen là nhìn vào áo sống, mồm miệng của những người mang một vị trí nào đó mà hình như nền tảng văn hóa ở họ không tương xứng. Thiếu tươm tất, thiếu chừng mực, thiếu rèn luyện nói năng, phát biểu. Và rất hay phải cau mày, phải giật thót như đang ăn mà nhai phải sạn khi các vị ấy sử dụng thứ tiếng Việt nhếch nhác, kém cỏi, thậm chí ngọng và đớt.

Nhớ mãi một lần, trong một bữa tiệc nhỏ của văn nghệ sĩ thủ đô. Một vị thứ trưởng đến chung vui. Bàn trung tâm, ngồi thu hút, nhưng hơn một lần ông ấy vứt xương gà xuống chân. Không sao quên được hình ảnh đó.

Từ nhỏ đã phải nhớ trên bàn ăn cần có thứ đựng xương. Lớn lên đi vào quán, bàn chưa sạch chưa ngồi, nhìn dưới chân thiếu giỏ rác, sẽ tìm cách để xương trên bàn cho nhân viên dọn dẹp. Thời bao cấp ở các cửa hàng mậu dịch giấy ăn và xương xóc vung vãi nền nhà, người ăn thản nhiên ăn, vứt và nhổ xương xuống chân. Hình như đã từ lâu người ta không chú trọng cốt cách, vì vậy đã hình thành đám đông có thể ăn trên rác, ngồi trên rác để ăn và rồi, bình thản đứng lên, đạp trên rác để hãnh hỗ bước.

Một đám đông đã bị gia đình và nhà trường buông lơi trui rèn. Một đám đông (gồm cả thầy cô) không thèm nói cho đúng và nói cho hay thứ tiếng Việt thiêng liêng. Tình cờ nghe học trò cấp hai cấp ba đùa giỡn với nhau ngoài đường mới biết ngôn ngữ của chúng nó đã thực sự hãi hùng.

Trong khi đó, cách hớt váng ưu tiên thành phần nhiều thập kỷ đã sinh ra một lớp viên chức và quan chức “ăn không nên đọi nói không nên lời”, hoặc nói cong nói queo, nói chầy nói chống ngây ngô. Phát ngôn ở họ hay có vấn đề. (Ở bài này không đề cập đến chuyện ăn vặt, ăn tham và ăn tàn phá hại).

(Kiến thức gia đình số 23)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.