| Hotline: 0983.970.780

Anh chẹt em

Thứ Hai 24/02/2014 , 12:20 (GMT+7)

Nhà ông Phái hiện có bốn người con. Anh cả trong năm anh chị em, đã hy sinh từ hồi Tết Mậu Thân sáu tám, vẫn chưa biết phần mộ ở đâu...

Đây không phải là chuyện trong “Tam Quốc”. Anh Tào Phi – con cả Tào Tháo – bắt chẹt mấy cậu em khi bố vừa chết, trong đó ngang ngạnh nhất có anh Tào Thực, vốn nổi tiếng có tài văn thơ.

Đây là câu chuyện của thời nay. Chuyện như sau:

Nhà ông Phái hiện có bốn người con. Anh cả trong năm anh chị em, đã hy sinh từ hồi Tết Mậu Thân sáu tám, vẫn chưa biết phần mộ ở đâu. Còn bốn anh chị em, thì chỉ có ông anh cả (sau ông anh liệt sĩ) là ông Thức ở quê.

Ba người còn lại, đã lưu tán từ mấy chục năm trước. Anh thứ hai, anh Thực, vào tận Lâm Đồng lập nghiệp, lấy vợ sinh con. Cô Yên lấy chồng, theo chồng về vùng biển Nghĩa Hưng – Nam Định. Còn anh út, anh Thự, lên miền núi Sơn La sinh sống, lấy vợ người dân tộc, nay cũng gần như người bản địa rồi.

Lại nói về ông Thức, có nghề cơ khí nông nghiệp, nên vẫn trụ lại ở quê và kiếm ăn cũng kha khá. Ở quê may mắn là còn có khu đất cha ông để lại, cái thời bao cấp, cũng chỉ nhà gianh vách đất. Bây giờ nhờ vườn đất rộng, ông Phái chia cho cậu cả một miếng xây nhà.

Còn miếng liền kề, hai ông bà vẫn giữ ngôi nhà cấp bốn, chỉ nâng cấp cái mái lợp ngói ta, nhưng vững chãi, rộng rãi. Ông dành hẳn một gian làm ban thờ, quanh năm hương khói. Ông tính cái khoản riêng này, khi ông bà “hai năm mươi” sẽ chia đều cho các con.

Nhưng sự tính ấy, mới chỉ là tính miệng, rồi trong lúc vẫn khỏe mạnh, đi lại còn nhanh nhẹn lắm, thì ông bỗng đột ngột ra đi ở tuổi tám hai. Sự ra đi đột ngột của người thầy, khiến cho việc đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng của mấy người con gặp trắc trở. Chỉ có bà Yên, ông Thự về kịp. Còn ông Thực thì điện thoại ra.

Dịp bốn chín ngày của thầy, ông Thức triệu tập đông đủ các em. Bây giờ chính là vai trò cầm chịch của ông anh cả.

Trước hết ông nói về bà Yên. Hơn mười năm nay, dù khoảng cách giữa gia đình bà với quê hơn trăm cây số, nhưng chưa một lần vợ chồng bà về thăm thầy, u. Chỉ đến dịp sắp Tết Nguyên đán, mới cho thằng con giai mang quà về biếu ông bà ngoại. Chấm hết.

Đành rằng mấy năm nay ông chồng bà Yên mắc bệnh hiểm nghèo, nằm một chỗ, bà phải vừa chăm chồng vừa kiếm tiền thuốc thang cho chồng. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì bà Yên cũng không thể bỏ mặc ông bà ngoại, phó thác cho ông anh cả.

Rồi ông nói đến ông Thự. Dẫu ở miền núi, nhưng đường sá bây giờ đâu như ngày xưa? Xe pháo lúc nào chả sẵn? Thế mà năm thì mười họa mới về thăm ông bà. Kiếm cho ông thang thuốc ngâm rượu, coi như hết trách nhiệm.

Nhưng tội nặng nhất, là ông Thực. Người ta nói “nghĩa tử là nghĩa tận”, vậy mà ngày thầy chết, cũng chỉ điện ra, không về. Vì sao mà không về kịp? Vướng chuyện làm ăn, hay tiếc tiền không dám đi máy bay? Con người ta, tận ở trời Tây trời Mỹ, nghe tin bố mẹ qua đời, cũng còn về kịp. Lý do lý trấu cái gì?

Vốn là những người coi trọng tôn ty trật tự, nên mấy ông em, cô em ngồi im chịu trận.

Hết bài ca kể tội, ông Thức mới quay sang việc thừa kế tài sản. Ông lập cập đứng dậy, lôi từ trên mái ngói xuống một đoạn tre đã ố vàng. Một đầu được nút bằng lá chuối khô. Ông mở nút, rút ra một tờ giấy cỡ A4 cuộn tròn. Mọi người trố mắt ra nhìn. Ấy là cái mà ông Thức bảo rằng, bản di chúc của thầy để lại.

Bản di chúc nói rằng, phần đất (có ngôi nhà cấp bốn, có ban thờ) sẽ giao cho ông Thức toàn quyền sở hữu, sau khi thầy, u qua đời. Như vậy có thể hiểu, vợ cụ Phái sẽ vẫn ở ngôi nhà này, cho đến khi quy tiên. Nhưng cuối cùng thì ông Thức sẽ là chủ nhân của mảnh đất, ngôi nhà ấy. Điều này hoàn toàn khác hẳn với lời “di chúc miệng” mà đã có lần cụ Phái hé lộ.

Trước việc chứng kiến một bức di chúc gây sốc, mấy người em xúm vào xem tờ di chúc. Chữ, thì rõ ràng của ông Thức viết. Còn chữ ký, không biết là của cụ Phái, hay ai đã “nhái” chữ ký của cụ? Bản di chúc không có người làm chứng. Mà cụ Phái minh mẫn cho đến lúc qua đời, sao không tự viết, lại phải để ông Thức viết hộ?

“Nào! Ai có ý kiến gì không? Và tôi sẽ căn cứ vào sự quan tâm, săn sóc của các chú các cô với thầy nhiều ít, mà tính điểm”. “Còn tính điểm cái gì nữa, khi bác đã sở hữu toàn bộ đất, nhà của cụ rồi!”. Ông Thự lẩm bẩm. Lại có tiếng bà Yên thở dài. Ông Thực không nói gì, nhưng thái độ bất mãn ra mặt.

“Anh em về để tưởng nhớ thầy, sao cứ quay mặt đi với nhau thế? Ông Thức à, ông là anh cả, ông không cầm chịch, không làm gương cho các em, thì ông nói được ai? Tôi chẳng còn sống được bao lâu, mà anh em các ông các bà như thế này, tôi buồn lắm!”. Cụ Phái bỗng đột ngột bước ra, lên tiếng.

“Ơ hay!” Ông Thức đứng bật dậy: “Bản di chúc rành rành. Đây là ý nguyện của thầy. Tôi bịa ra chắc? Mà u vẫn ở đây. Tôi sẽ chăm sóc cho u đến lúc…đến lúc…Ơ hay! Các cô các cậu có ở quê đâu? Đều yên bề gia thất. Có ai ngó ngàng gì khi thầy, u đau ốm. Tôi nói có đúng không nào?”.

“Bác cả ạ! – Ông Thực bỗng cao giọng – Bác đã nói vậy, thì anh em cũng biết vậy. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này, của nả của thầy, u để lại, nó là cái lộc. Lộc đất, lộc giời. Chả ai hưởng được một mình. Bởi vì hưởng một mình, thì tự mắc họa vào thân thôi”.

“Ông bảo ai hưởng lợi? Tôi nói có sách, mách có chứng. Ai thắc mắc, đi mà kiện. Tôi thách đấy!”

Ông Thức hùng hùng hổ hổ, tay chém gió. Nhưng sau câu nói của ông, chả ai phản ứng gì, thì chính ông như cũng thấy mình không phải.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất