| Hotline: 0983.970.780

Anh thương binh tỷ phú rắn ri voi

Thứ Sáu 13/08/2010 , 09:50 (GMT+7)

Trong khi nhiều người đổ xô vào các ao nuôi tôm sú thì ở giữa vùng chuyên canh tôm sú của Mỹ Xuyên lại có một người làm chuyện ngược đời là nuôi rắn ri voi...

Ở khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng có cựu chiến binh Lê Hùng Minh (thương binh 3/4) thực hiện phong trào xoá đói giảm nghèo theo cách riêng của mình. Trong khi nhiều người đổ xô vào các ao nuôi tôm sú thì ở giữa vùng chuyên canh tôm sú của Mỹ Xuyên lại có một người làm chuyện ngược đời là nuôi rắn ri voi. Sau vài năm thăng trầm, đôi lúc nghiệt ngã, giờ đây mọi người nhìn anh với đôi mắt thán phục, bởi anh là tỷ phú nuôi rắn ri voi xuất khẩu.

Hơn 20 năm trước, anh Minh (Năm Minh) nghèo, đông con, được chính quyền xã Thạnh Phú cấp 2.000m2 đất ruộng, anh rất mừng vì không còn cảnh nay đây mai đó. Cũng như bao gia đình nông dân khác ở Thạnh Phú, có ruộng anh bắt tay ngay vào thực hiện các mô hình lúa - cá; lúa - tôm... nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 1996 khi các tỉnh ĐBSCL rộ lên phong trào nuôi trăn thịt, trăn đẻ, anh đầu tư vay mượn người thân bạn bè nuôi 70 con trăn sinh sản. Có điều lúc những con trăn cái bắt đầu đẻ thì giá trăn thịt đột ngột giảm từ 150.000 đồng/kg xuống còn 20 – 25 ngàn đồng/kg và trăn con từ 100.000 đồng/con rớt xuống còn 5.000 đồng/con, thậm chí cho không cũng chẳng có ai nhận. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm, hỏi vay không bao lâu thành mây khói. Thế là lại trắng tay với một món nợ khổng lồ.

Không nản chí, sau nhiều lần lân la đến các đầu mối mua trăn trước đây quen biết, anh được biết rắn ri voi là một đặc sản có giá cao trên thị trường. Anh nghĩ số lượng rắn ri voi trong môi trường tự nhiên không còn nhiều. Từ suy nghĩ đó, năm 2002 anh Minh thế chấp đất vay chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Thạnh Phú 15 triệu đồng, mượn người thân bạn bè mạnh dạn đầu tư đào ao, xây tường cao 2 mét trên diện tích 1.800 m2 bắt đầu làm cái chuyện chưa ai làm là nuôi rắn ri voi, tận dụng lu, hũ có sẵn trong nhà và đặt thương lái mua 1.200 kg rắn giống (khoảng 7.000 con) về thả. Anh nghĩ có lẽ đây là lần thử thời vận cuối cùng hy vọng con rắn sẽ không bạc đãi. Nhưng đúng là “gian nan thử sức”, do nguồn con giống trôi nổi, chất lượng kém nên chỉ sau hơn một tuần, số rắn lần lượt chết hơn phân nửa. Tình cảnh của anh lúc bấy giờ thật bi đát, tưởng chừng không gượng dậy nổi. Còn nước còn tát, anh đã cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng số rắn còn lại khoảng 2.000 con để tiếp tục gây giống và phát triển. Với vốn kiến thức về y học sẵn có, anh đã mày mò phẫu thuật những xác rắn để tìm hiểu nguyên nhân chúng chết đồng loạt. Cuối cùng anh phát hiện rắn chết là do bị xây xát, thương tích do con người gây ra trong quá trình săn bắt và bảo quản không tốt.

Anh lại ngược xuôi lên xuống Cần Thơ, Vĩnh Long học hỏi kinh nghiệm, xây dựng mô hình hoàn chỉnh hơn phù hợp với môi trường tự nhiên, dưới ao trồng lục bình và ở giữa ao làm một cù lao cho rắn trú ẩn khi lột da. Sau gần một năm quản lý và chăm sóc rắn ri voi phát triển rất nhanh, đến đợt thu hoạch đầu tiên anh xuất bán một phần để trả nợ, chi phí cho thức ăn và còn khoảng 1.000 con khỏe mạnh giữ làm giống cho vụ sau. Vừa nuôi rắn thương phẩm vừa học “đỡ đẻ” cho rắn ri voi, anh Minh nắm được chu kỳ sinh sản của chúng. Rắn ri voi không ấp trứng mà đẻ con, mỗi rắn cái qua mùa đẻ trung bình 20 con giống.

Về bí quyết, anh Minh cởi mở: Trước hết phải có chí, bền bỉ. Yếu tố quan trọng thứ hai là kỹ thuật, con giống bố mẹ phải thật tốt. Ao nuôi phải sạch, trên bờ trồng cây và thả thêm rau, bèo để tạo bóng mát. Theo kinh nghiệm của anh, loài ri voi thở bằng khí trời nên mặt ao cần phải có rau cỏ để tạo môi trường yên tĩnh cho chúng trú thở. Nếu hội đủ các điều kiện trên nhất định sẽ thành công, tỉ lệ rủi ro chỉ còn 5 – 10%.

Nuôi rắn hiện nay là một loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận, thị trường lúc nào cũng khan hiếm. Nhờ vậy mà từ năm 2004 đến nay, năm nào anh cũng thu lãi từ 3 – 5 trăm triệu đồng, năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, mỗi năm anh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên 8 – 10 tấn rắn thịt và hàng chục ngàn rắn giống cho bà con khắp cả nước. Nuôi rắn ri voi, tỷ lệ tiêu thụ khoảng 6 kg thức ăn cho 1kg rắn thương phẩm. Thử làm một con tính nhỏ: Giá 1kg cá biển làm thức ăn cho rắn 6.000đ, cộng thêm con giống 35.000 đồng. Giá bán rắn thịt hiện nay từ 300.000 – 350.000 đồng/kg, nuôi rắn ri voi lãi 4 – 5 lần. Chính sự cần cù chịu khó và gắn bó với nghề mà anh đã biến hai công đất khô cằn thành ao vàng. Hiện anh đã thành lập “Cơ sở nuôi và mua bán động vật hoang dã” và đang xây dựng mở rộng diện tích ao nuôi lên đến 17.000 m2.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm