| Hotline: 0983.970.780

Ào ào lợn ta sang Tàu

Thứ Sáu 10/12/2010 , 14:15 (GMT+7)

Trong vòng hai tháng trở lại đây, cửa khẩu Móng Cái ngày ngày trung chuyển hàng trăm tấn lợn "vượt biên" sang Trung Quốc. Theo thống kê của trạm, mỗi ngày có khoảng 40-50 xe tải chở lợn từ các nơi về tập kết tại Móng Cái rồi tuồn qua Trung Quốc. Mỗi xe ít nhất 10 tấn lợn, tổng cộng gần 500 tấn theo các đường tiểu ngạch vượt biên.

Trong vòng hai tháng trở lại đây, cửa khẩu Móng Cái ngày ngày trung chuyển hàng trăm tấn lợn "vượt biên" sang Trung Quốc. 

Thâm nhập “bến lợn” 

Trước khi tìm hiểu về thực trạng lợn ào ạt “vượt biên” sang Trung Quốc trong thời gian gần đây, chúng tôi đã ghé Trạm Kiểm dịch động vật Móng Cái, Quảng Ninh. Trạm trưởng Nguyễn Minh Cường hết thở dài lại lắc đầu bởi con đường trước cửa trạm ngày ngày xe tải chở lợn chạy ùn ùn nhưng cán bộ cơ quan đành nhìn nhau bất lực. Theo thống kê của trạm, mỗi ngày có khoảng 40-50 xe tải chở lợn từ các nơi về tập kết tại Móng Cái rồi tuồn qua Trung Quốc. Mỗi xe ít nhất 10 tấn lợn, tổng cộng gần 500 tấn theo các đường tiểu ngạch vượt biên.  

“Gần như đã thành lệ rồi. Mấy năm nay cứ dịp gần cuối năm là lợn lại ào ào xuất khẩu. Tất cả đều đi theo đường tiểu ngạch và hầu như chẳng cơ quan nào kiểm soát”. Gần chục năm công tác ở trạm này ông Cường quen với thực trạng lợn “vượt biên” đến nỗi giờ chỉ cần nhìn vào biển số xe là có thể biết được lợn “ra đi” từ tỉnh nào. Khoảng thời gian nào trong năm lên cơn sốt ông cũng đọc vanh vách. Nhiều nhất là Bình Định, Thái Bình, Hưng Yên… Ngày nào cũng có hàng chục chuyến xe của các tỉnh này đến nhập lợn tại các điểm thu gom.   

Mỗi ngày có hàng trăm xe tải lớn chở lợn về Móng Cái để “vượt biên

Con đường từ TP Móng Cái vào một điểm tập kết lợn ở bờ sông Ka Long, những hàng xe tải nối đuôi dài dằng dặc. Cuối con đường ấy là “bến lợn” nằm cạnh sông Ka Long mà bờ bên kia đã là đất Trung Quốc. Người dân địa phương và các thương lái gọi điểm tập kết này là “bến lợn” nhưng thực chất chỉ là một bãi đất hoang làm điểm đỗ cho các xe tải. “Trước đây điểm tập kết lợn trước khi xuất khẩu nằm ở Lục Lầm, nhưng từ khi có qui định cấm xuất khẩu lợn thịt “đường đường chính chính” qua cửa khẩu thì các lái lợn “quy hoạch” bãi sông này thành điểm trung chuyển. Từ độ hai tháng nay, bến lợn lúc nào cũng đông nghịt người”- Hùng, một lái lợn ở tít tận Bình Định giải thích.

Tất cả số lợn khắp nơi đổ về đều được gom vào bến này rồi sau đó theo các con đường tiểu ngạch tuồn sang Trung Quốc. Cả một khúc sông Ka Long nhốn nháo bởi tiếng lợn kêu ầm ĩ xen lẫn tiếng xuồng máy đưa lợn vượt biên. Thấy tôi đưa máy ảnh lên bấm, không ít người trong đám hỗn loạn ấy chỉ trỏ rồi lớn tiếng đe dọa. 

Cũng theo lời Hùng thì việc lợn "vượt biên" ào ạt trong khoảng thời gian này là do giá cả các thương lái ở Trung Quốc thu mua khá cao. “Năm nào cũng vậy, cứ cuối năm là bên Trung Quốc gom hàng thực phẩm dự trữ. Đợt này giá đồng nhân dân tệ lại tăng vọt nên giá lợn càng nóng hơn. Nếu với giá cả hiện tại thì “chiến dịch xuất khẩu” khả năng còn kéo dài đến hết năm”. Có một điều lạ so với những năm trước là lợn xuất khẩu năm nay chủ yếu là lợn thịt với khối lượng lớn. 

Nếu trước đây mặt hàng được ưa chuộng chủ yếu là lợn sữa, lợn choai nguyên con hoặc đông lạnh nhưng trong thời gian này phần lớn là lợn loại từ 80 – 120kg/con. Chỉ tính riêng số lợn thịt này thì mỗi ngày lượng xuất khẩu có thể lên tới 5.500 – 6.000 con, tăng gấp ba lần so với trước đây. Ông Cường giải thích rằng: “Đây là thời điểm giá lợn phía Trung Quốc cao hơn nhiều so với Việt Nam nên việc lên cơn sốt lợn ồ ạt đổ về Móng Cái cũng là điều dễ hiểu”.

Phải thừa nhận một điều là nghề “lái lợn” đi Trung Quốc đang ở thời điểm quá thịnh vượng. Cánh lái đường xa như Hùng có khi cả tuần mới được một chuyến, nhưng ở những vùng lân cận, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng Bắc bộ thì số lợn “xuất khẩu” hầu như không kiểm soát nổi. Mỗi ngày xe tải có biển từ những khu vực này chở lợn ngùn ngụt.  Nếu đứng một đêm ở quốc lộ từ TP Hạ Long đi Móng Cái thống kê thì xe tải nhiều nhất vẫn là vận chuyển lợn đi Trung Quốc.

Để tuồn số lợn này qua bên kia biên giới thì tất cả các công đoạn hầu như đều “danh chính ngôn thuận” khi gặp rất ít cơ quan kiểm soát và trên thực tế trái nguyên tắc. Tất cả đều được giải thích do lợi nhuận quá cao. Cũng vì lợi nhuận cao như thế nên không biết từ bao giờ, “lái lợn” trở thành một trong những nghề thu nhập cao nhất ở vùng biên Móng Cái. Chỉ cần nhập lợn tại Móng Cái rồi tuồn sang Trung Quốc, một chuyến khoảng 10 tấn có khi các thương lái đút túi hàng chục triệu đồng nhờ giá lợn “vênh” giữa hai bên.   

Lợn được tập trung tại bến rồi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc

Những địa phương dọc theo quốc lộ 18 nở rộ các dịch vụ ăn theo như rửa xe chở lợn, tắm lợn. Mỗi ngày hàng trăm xe tải lợn đi qua nên các dịch vụ này cũng sống khỏe. Còn các thương lái, dù đã chịu hàng chục khoản phí như thế thì vẫn đút túi hàng chục triệu đồng mỗi chuyến buôn. 

Nhiều lo ngại 

Có một điều lạ là hầu như ai cũng biết việc xuất khẩu lợn theo đường tiểu ngạch vượt biên sang Trung Quốc vào thời điểm cuối năm là trái với quy định, vi phạm nguyên tắc nhưng dường như đang bị “lờ đi”. Trách nhiệm chính thuộc về Quản lý thị trường, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh nhưng việc lợn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hầu như không gặp sự can thiệp nào từ các lực lượng này. 

Trong khi lợn ào ào đi Trung Quốc thì cũng ở Móng Cái, gà lậu cũng ồ ạt tuồn từ bên kia biên giới về. Ông Cường tính rằng 90 km đường biên từ huyện Tiên Yên đến TP Móng Cái, đêm đêm gà lậu rầm rập theo đường tiểu ngạch tràn về. Ước tính mỗi ngày cũng hàng chục tấn gà “đột nhập” qua các đường biên tràn vào rồi theo xe đi tiêu thụ. Tuyệt nhiên không có ai kiểm soát hay xử lý gì cả. Và tất nhiên số gà lậu cũng không thể biết có bệnh tật gì không.

Giải thích thực trạng trên đã có những luồng thông tin trái chiều. Người thì cho rằng lợn xuất khẩu dù có theo đường tiểu ngạch, khó kiểm soát thì ít nhiều cũng có lợi vì như thế sẽ kích thích ngành chăn nuôi. Vì thế việc xuất khẩu lợn "chui" dù bị xem là trái nguyên tắc nhưng vẫn được ngấm ngầm bật đèn xanh. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến lo ngại việc xuất khẩu ồ ạt lợn sang Trung Quốc như thế sẽ gây khan hiếm lợn thịt, nhất là vào thời điểm giáp tết khi mà nước ta đang trên đà khôi phục tổng đàn sau những cơn “bão tai xanh”. 

Trong một cuộc họp mới đây của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã đề cập đến vấn đề “lợn ồ ạt xuất khẩu”. Có người lo ngại dù ngành chăn nuôi trong nước tăng bình quân 7-8%/năm song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp vẫn đang phải nhập khẩu thịt. Đến thời điểm này, Việt Nam đã nhập khẩu 60.000 tấn thịt lợn và gia cầm. Từ nay tới cuối năm 2010, sẽ phải nhập thêm 20.000 tấn. Bộ đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu lợn qua biên giới nhưng như chính lời ông Nguyễn Minh Cường thì việc kiểm soát gần như là điều không thể.

“Lợn cứ “đi” ồ ạt thế thì nảy sinh nhiều bất cập lắm. Về cung cầu thế nào thì không biết nhưng tình hình kiểm dịch rất khó khăn vì lực lượng quá mỏng. Theo quy định của Bộ NN-PTNT thì các địa phương phải có các trạm kiểm dịch đầu mối. Tuy nhiên tỉnh Quảng Ninh chưa làm được điều này”- ông Cường lo ngại.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm