| Hotline: 0983.970.780

Ao làng sinh ốm, hồn làng liêu xiêu

Thứ Tư 06/04/2016 , 13:10 (GMT+7)

Tôi không biết ao làng quê tôi có từ bao giờ, càng không thể biết được đó là cái ao tự nhiên hay nhân tạo. Là cái ao nhưng ở đây nó không được dùng để chứa nước, nói làm gì đến chuyện nuôi cá tôm.

Ao là sinh khí, là hồn cốt của làng. Ao làng bị vấy bẩn thì cũng đồng nghĩa với yếu tố phong thuỷ không còn, kéo theo sinh khí và hồn cốt của làng cũng bị triệt tiêu.

Tôi không biết ao làng quê tôi có từ bao giờ, càng không thể biết được đó là cái ao tự nhiên hay nhân tạo. Là cái ao nhưng ở đây nó không được dùng để chứa nước, nói làm gì đến chuyện nuôi cá tôm. Còn việc dùng ao để làm cảnh trang trí, giải trí thì có lẽ là một điều xa xỉ.

Các cụ cao niên trong làng thì bảo rằng ao làng tôi có từ rất lâu rồi. Ao từng gắn bó với bao kiếp người quê tôi. Người từ làng đi xa, lấy cái ao làm cột tiêu để trở về.

Đấy là lúc nước ao làng hãy còn đầy và "trong như mắt mèo", đứng trên bờ có thể nhìn thấu đáy. Người quê tôi mỗi sáng mỗi chiều còn ra ao khoả nước, tắm táp, giặt giũ...

Đấy là lúc đang trưa, xế chiều làm đồng về ngang, người quê cứ phải ghé ao làng mà nghiêng cái nón múc nước rửa mặt, sửa tóc, soi gương. Quanh cầu ao, những câu chuyện kể của các chị, các mẹ còn xôn xao, rôm rả.

Ngày ấy, vào mỗi mùa nắng người quê gánh nước ao làng về đổ cho đầy cái chum. Mùa nước lụt người quê lỉnh kỉnh những nơm, chài, vó, lưới... đi đánh tôm, đánh cá trên ao.

Cái ao thân thuộc, đầy gió, đầy trăng còn là nơi hẹn hò của biết bao trai gái thôn quê. Có những chuyện tình đơm hoa kết trái, và cả những chuyện tình trái ngang, xa xót bên ao làng.

Thế mà giờ đây đất, rác, cây cỏ dại đã san bằng tất cả, ao làng biến thành một chân ruộng hoang, phế tàn. Quanh ao không hề có một bóng cây, có chăng chỉ là những bụi dứa dại mọc lủ lấp, rối rắm. Khó ai có thể tưởng tượng được rằng đã có một thời đó là một... cái ao.

Ao làng như một vật thể vô hồn, không sức sống, người ta lãng quên nó, bỏ mặc nó ngay trước mắt. Có người còn "té nước theo mưa", họ chẳng ngần ngại quẳng từng bọc lớn, bọc nhỏ rác xuống ao.

08-44-56_nh-1
Một góc ao làng

Ngày mưa lớn, xác động vật như lợn, gà, chó, chuột… trôi lềnh bềnh trong ao, mùi hôi thối tanh tưởi bốc lên nồng nặc. Người ta vẫn mặc nhiên đi qua, đi lại, bịt mũi, bịt miệng rảo chân như chạy trốn khỏi ao làng!

Thiết nghĩ bất kì một công trình nào dù lớn hay nhỏ, dù ở nó chứa đựng mục đích gì đi chăng nữa, trước khi để đạt đến tiêu chuẩn của cái đẹp thì nó cũng phải sạch cái đã.

Đối với ao làng việc nạo vét, tu bổ đâu phải là một việc làm quá khó, quá tốn kém nhất là so với số tiền triệu, tiền tỉ đang được bỏ ra một cách hào phóng trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Vậy mà bao nhiêu năm nay người ta vẫn phải chứng kiến một vật thể chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần cũng như môi sinh quan trọng như vậy của làng bị hủy hoại trong sự bất lực.

Bao giờ dòng nước ngọt lành sẽ chảy về với ao? Bao giờ cây súng, cây sen sẽ bén rễ trên tầng phù sa mỡ màu mà nở hoa ngan ngát? Bao giờ các cụ già được dừng chân bên ghế đá quanh ao sau mỗi buổi tập dưỡng sinh? Bao giờ các em nhỏ được thoả sức vẫy vùng trên dòng nước mát trong?

Cho đến bao giờ?

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất