| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng CNC trong SXNN là bức thiết

Thứ Sáu 19/08/2011 , 10:58 (GMT+7)

NNVN vừa có loạt bài phản ánh những thành tựu của chương trình nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng. Vậy với ĐBSCL- vựa nông sản lớn nhất nước thì như thế nào? PV NNVN đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Lê Văn Hòa, Q. Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường ĐH Cần Thơ.

Ông Hòa cho biết: Ngoài việc dân số tăng, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp còn do tốc độ đô thị hóa ở nhiều nơi tăng khá nhanh. Mặt khác, khi đô thị (và các khu công nghiệp) phát triển thì giá trị đất đai trở nên đắt đỏ quá mức. Chính vì vậy cần phải chuyển đổi phương thức sản xuất mới có hiệu quả hơn. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) không lệ thuộc nhiều vào quỹ đất; nhiều mô hình cho thấy tiết kiệm không gian, kể cả đất, nước, phân bón, thuốc phòng trừ dịch hại…, nên sản phẩm luôn có năng suất cao, đạt chất lượng tốt, vì môi trường canh tác đã được kiểm soát chặt chẽ.

 Tuy nhiên, vấn đề trở ngại trong việc đẩy mạnh ứng dụng NNCNC đó là, đa số các nước sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là những nước phát triển, có nền KH-KT khá cao (Âu châu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Singapore…). Mặt khác, chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng sản xuất NNCNC tương đối lớn và đòi hỏi người vận hành phải có trình độ KH-KT nhất định (tức là phải được đào tạo cơ bản) nên giá thành không hề thấp.

Là một trong những cái nôi nghiên cứu KH-KT ở khu vực ĐBSCL, đơn vị của ông đã tiếp nhận hoặc nghiên cứu được những thành tựu nào trên lĩnh vực này để phục vụ nông nghiệp?

 Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, có một bộ phận trước đây là Khoa Trồng Trọt đã bắt đầu nghiên cứu ứng dụng trên lĩnh vực này từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Một vài thành tựu có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp như:

(1). Ứng dụng chất điều hòa sinh trưởng thực vật trong nhân giống vô tính và vi nhân giống cây trồng; cải thiện năng suất, phẩm chất và kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch của một số nông sản phẩm tươi sống đặc sản trong vùng.

(2). Chọn tạo giống cây trồng sạch bệnh, điển hình là đã phục tráng thành công giống khóm Queen sạch bệnh héo khô đầu lá cho vùng sản xuất khóm nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang. Bước đầu chọn tạo giống lúa có phẩm chất tốt (mềm cơm, dẻo, thơm, protein cao), chống chịu một số yếu tố bất lợi của môi trường (sâu bệnh gây hại chính, hạn, mặn…).

(3). Sản xuất một số chế phẩm vi sinh, pheromone…ứng dụng trong phòng trừ sinh học.

 (4). Phổ biến ứng dụng nhiều mô hình canh tác tiên tiến trên nhiều loại rau ăn lá và rau ăn trái ở vùng ĐBSCL; tư vấn kỹ thuật và chuyển giao quy trình công nghệ cho nhiều cá nhân và cơ quan/đơn vị áp dụng mô hình sản xuất thủy canh trên nhiều đối tượng khác nhau.

Một trong những khâu quan trọng của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là chọn tạo ra nguồn cây con giống tốt, mạnh khỏe, đồng loạt và sinh trưởng đồng đều. Công nghệ nuôi cấy mô và tế bào thực vật đã giải quyết được vấn đề này. Kỹ thuật trồng cây trong nhà lưới hay nhà nylon, với sự hỗ trợ của các công cụ tưới tiêu, bón phân hợp lý, phòng trừ sinh học…; áp dụng các phương pháp thủy canh phù hợp cũng đã được thử nghiệm thành công (tuy còn ở quy mô phòng thí nghiệm). Chúng tôi bước đầu nghiên cứu áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên các đối tượng rau và hoa có triển vọng phát triển trong vùng.

Hiện nay, ở ĐBSCL có những nơi nào, lĩnh vực nào đã bắt đầu áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, thưa ông?

Hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhiều tỉnh/thành trong vùng ĐBSCL đều có chủ trương và quy hoạch các khu nông nghiệp công nghệ cao cho địa phương mình. Tuy nhiên, phần lớn các nơi còn dừng lại ở bước quy hoạch chứ chưa triển khai thực hiện cụ thể. Một vài mô hình đã và đang xây dựng phát triển như Cty CP Nông trại sinh thái (Ecofarm) ở Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng đây là một doanh nghiệp chứ không phải mô hình thuần túy của nông dân. 

Sơ bộ có thể thấy, bước đầu lĩnh vực rau và hoa dễ áp dụng thành công sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay một số nơi đã tự phát triển hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị (như ở Vĩnh Long), nếu hướng theo nông nghiệp công nghệ cao sẽ có hiệu quả hơn.

Việc đưa các thành tựu này xuống nông dân thực hiện khó khăn và tốn kém như thế nào?

Như chúng ta đã biết, NNCNC là áp dụng tiến bộ KH-KT hiện đại để vận hành và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Do đó đòi hỏi phải có sự đầu tư vốn ban đầu tương đối lớn, có sự tổ chức quản lý tốt trong vận hành các quy trình sản xuất; sản phẩm làm ra phải có nơi sơ chế bảo quản và phân phối tiêu thụ…

Có thể nói làm nông nghiệp theo kiểu công nghiệp, người nông dân phải có tay nghề phù hợp (được đào tạo căn bản). Vì vậy theo tôi, ở ĐBSCL, bước đầu nên xây dựng những mô hình thí điểm với quy mô nhỏ khoảng vài ha trở lại, khi đạt được thành công nhất định sẽ phát triển lớn hơn (phạm vi 50-100 ha). TP HCM và Lâm Đồng là đã có nhiều mô hình sản xuất theo hướng NNCNC thành công. Chúng ta cũng cần tổ chức cho nông dân và cả cán bộ quản lý tham quan để học tập kinh nghiệm.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.