| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng cơ giới hóa giảm chi phí, tăng năng suất lạc

Thứ Tư 12/06/2019 , 09:13 (GMT+7)

Mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa sản xuất lạc do Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông phối hợp cùng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ thực hiện tiếp tục gặt hái thành công trên đất Nghệ An.

Sau 2 xã Diễn Thịnh và Nghi Long, mô hình trồng lạc tại xã Nam Cường tiếp tục thắng lớn.

Qua khảo sát, toàn xã Nam Cường (Nam Đàn) có đến 180 ha diện tích trồng lạc. Trước đây số đông nông dân vẫn thường triển khai theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả thu về rất èo uột, thế nhưng từ khi chủ động áp dụng cơ giới hóa (CGH) trên đồng ruộng (làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch) tình hình đã khởi sắc.

Viện trưởng Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ Phạm Văn Linh trực tiếp kiểm tra mô hình.

Giống lạc đưa vào áp dụng là L20, được chọn ra từ tổ hợp lai giữa L08 và TQ6 theo phương pháp phả hệ, thời gian sinh trưởng tại vụ Xuân từ 120-125 ngày, đến vụ Thu Đông rút ngắn xuống 95-100 ngày. L20 cho quả to (165-185g/100 quả), năng suất đạt 45-54 tạ/ha. Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức ngày 7/7/2017.

Thạc sĩ Phạm Duy Trình, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ khuyến cáo, khi tiến hành gieo trồng L20 bà con nông dân phải đặc biệt lưu ý đến tỷ lệ phân bón. Theo đó trên 1ha diện tích cần 15 tấn phân chuồng + 80kg Đạm Ure + 600kg Lân Supe + 200kg Kali Clorua + 500kg vôi bột. Trước khi làm đất lần cuối phải rải đều 70% lượng vôi, đạm urê, lân, kali (hoặc NPK) và phân hữu cơ vi sinh. 30% còn lại bón đều khi kết thúc thời kỳ ra hoa rộ.

Áp dụng CGH giúp giải phóng sức người.

Sau khi lên luống sẽ tiến hành gieo lạc bằng máy MGL-1 đã được đặt cự li hốc cách hốc 20cm. Qua chăm sóc và theo dõi quá trình sinh trưởng, khi nhận thấy lạc đủ độ chín sinh lý thì thu hoạch bằng máy MTL-1000. Đặc điểm của phương tiện này là tiến hành đào dưới tầng củ, do đó hạn chế tối đa việc hao hụt số lượng, nhất là với những diện tích đất khô cứng.

Vụ Xuân 2019 thời tiết trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biến thất thường, giai đoạn sau trồng từ 15 – 35 ngày cây lạc gặp nắng mưa xen kẽ, tạo điều kiện cho bệnh héo xanh phát triển gây hại. Đến thời kỳ đâm tia tạo củ lại đối mặt với nắng nóng, hạn hán suốt nhiều ngày. Dù bị tác động bởi nhiều yếu tố bất thuận, tuy nhiên vẫn đạt kết quả khả quan.

Và tăng cao giá trị kinh tế.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng CGH trong khâu gieo trồng giúp đảm bảo đúng mật độ và độ sâu lấp hạt đồng đều, nhờ đó thời gian từ khi gieo đến mọc 50% rút ngắn và diễn ra tập trung (6 – 8 ngày). Ngược lại, những diện tích ngoài mô hình gieo trồng bằng phương pháp thủ công nên mật độ, độ sâu lấp hạt không đảm bảo, dẫn đến thời gian từ gieo đến mọc 50% kéo dài (8 – 10 ngày).

Qua thống kê, năng suất áp dụng CGH đạt trên 40 tạ/ha, với mô hình đối chứng con số này chỉ quanh quẩn mức 32,5 tạ/ha. Tương tự, lợi nhuận trong mô hình đạt gần 40 triệu đồng/ha, trong khi bên ngoài mô hình giảm phân nửa, chỉ khoảng 20 triệu đồng /ha. Nông dân tham gia mô hình quả quyết, áp dụng CGH kết hợp với biện pháp thâm canh tổng hợp (sử dụng giống mới, phân bón phù hợp, quản lý dinh dưỡng tổng hợp ICM…) làm tăng năng suất, đồng thời giảm thiểu rõ rệt chi phí nhân công (trên 30%).

Hiệu quả dự án đem lại được chính quyền các cấp và đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh hồ hởi đón nhận. 

Từ kết quả có được, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ  và Khuyến nông, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đề nghị tiếp tục xây dựng mở rộng mô hình trong những năm tiếp theo để làm cơ sở khoa học, thực tiễn khuyến cáo người dân tiến tới áp dụng đồng bộ CGH trong tất cả các khâu sản xuất lạc theo hướng tập trung hàng hóa, nhằm tạo ra chuyển biến trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương trong thời gian tới.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất