| Hotline: 0983.970.780

Áp lực sinh con trai và bị ông bà ép như... ép mía

Thứ Ba 09/06/2020 , 09:58 (GMT+7)

Lấy nhau hai năm, chúng cháu có một đứa con gái như thiên thần. Bây giờ lại là áp lực sinh nữa đây cô, con trai, phải có con trai chứ.

Cô kính mến!

Như mọi đôi của thế kỷ 21 toàn cầu hóa, cuộc sống số hóa, chúng cháu yêu nhau 7 năm dài khi đi du học từ lớp 11 cho đến sau đó, anh ấy cao học còn cháu, bằng kế toán Mỹ.

Bố mẹ hai bên đều ít con nên chúng cháu về nước. Chạy việc đến khổ cô ạ, vì mình không thể đi mua chỗ, nhưng như thế có nghĩa là chỗ làm không vừa ý, thu nhập nghe thật là buồn cười với số tiền mình được gia đình đầu tư cho ăn học.

Thôi, hai bên không ai nghèo đến mức con cái phải nuôi bố mẹ. Công việc thôi thì kệ đi, nước lên thuyền sẽ lên. Vấn đề là cưới hỏi và sinh con đẻ cái. Sợ để quá ba mươi thì thành ra hai đứa này bộ chán nhau hay sao mà quên cưới, thì cưới vậy.

Không cần ăn hỏi nữa, cưới văn minh, bố mẹ làm quá các con sẽ đăng ký chứ không cưới nữa nhé. Đến khổ, con cái sống thử với nhau tận bên Tây về đến bên này mà còn lặn vặn bao nhiêu là thủ tục.

Rồi cũng xong, hai bên nhập một, tiền nong đủ thiếu chúng mày tự đi mà lo nhé. Phải đấu với hai ông hai bà rồi lời ra tiếng vào của hai bên, chúng cháu gói ghém, khách khứa văn minh, trăng mật nội địa (thực ra thì đã còn chỗ nào chưa đi đâu cô).

Một căn hộ hai bên góp mua cho. Sinh con hai năm sau đó, một đứa con gái như thiên thần nhé. Bây giờ lại là áp lực sinh nữa đây cô, con trai, phải có con trai chứ.

Bố mẹ cháu ép như ép mía, bố mẹ không nghĩ là nếu con gái nữa thì sao? Vâng, bên chồng cháu cũng nghĩ nếu con gái nữa thì sao? Mẹ cháu khăng khăng, khi ấy, người ta sẽ không trách cứ nói xa nói gần chi nữa, hai con gái, số của nhà nội nó gãy con trai.

Chồng cháu cũng không muốn cháu sinh thêm. Nuôi con bây giờ quá khổ, tốn kém, nặng nhọc. Rồi nó sẽ lớn lên như các cháu, chối bỏ nền giáo dục nước nhà, chạy đi, bố mẹ khóc ra nước mắt vì tiền, kiệt sức, hết cả dự trữ, không còn hào hứng sống.

Thôi nhé, cô nhỉ, đẻ nữa để làm gì, đúng không cô?

----------------------

Cháu thân mến!

Lá thư rất cá tính, hiện đại. Cách sống của các cháu bây giờ không có khoảng cách với các bạn trẻ Âu Mỹ.

Đúng, cuộc sống số, toàn cầu hóa, con người học hành, trải nghiệm, âu lo, áp lực giống hệt nhau. Và sống trước, kết hôn muộn, chần chừ sinh con, cố ý giữ độc lập tối đa với gia tộc của hai bên vợ chồng…

Bố mẹ Việt Nam dù có thể là trí thức vẫn không hiểu rằng, nhân loại đã đông lên như cá ở trong ao rồi. Nhìn Trung Quốc và Ấn Độ đi. Tính ra mật độ dân số trên km2, Việt Nam mình còn đất chật người đông hơn Trung Hoa ấy chứ.

Nghĩ toàn cục và sẽ thấy sinh ra con người cho đủ suất để làm gì? Ai cũng nghĩ như mình thì mấy lúc, trái đất có còn chỗ nữa đâu. Cô nhất trí quan niệm ấy, có con để cho biết tình mẫu tử tình phụ tử, để sống một cách nhân văn, bình thường. Thế thôi.

Ở cảnh các cháu, gia đình trung lưu, có nhà để ở, có công việc để làm người xã hội và có con để vui sống rồi. Coi như các cháu đã có tất cả còn thong dong hay không, do mình thiết kế cho con mình nó sẽ học hành ra sao?

Vì sự học quá nặng nhọc nên mới tính toán cẩn thận. Cô có những người bạn ở Pháp, ở Canada, cũng xuất thân bình dân, lấy chồng nước ngoài, đẻ con có nhà nước lo, thế là đẻ đến ba con. Nhưng nên nhớ rằng lên đại học là mình lo chứ không nhà nước lo nữa. Rồi thì sau đó nó vào đời ra sao, đó mới là câu hỏi của người có học dành cho các con của mình.

Vấn đề các cháu cần vượt qua là chính mình. Vì sao là mình chứ không phải bố mẹ, bàn thờ nhà nội đứa bé và các thứ khác. Cuối thế kỷ 20 người Việt mình đối diện với bi kịch mà cô chỉ gọi là bước ngoặt, ấy là rất nhiều nhà đứt gãy người ôm bàn thờ.

Con gái thì sao? Vậy thì phải rời Khổng giáo, hủ Nho đi, nếu lấy thờ cúng tổ tiên ông bà làm triết lý thì nên thay đổi “con nào cũng con”, đời mình con nó lo, đời nó, con nó lo, hết sinh sản thì vô vi, vô chùa, cát bụi, thiên nhiên, vĩnh hằng.

Vậy đó, cuộc sống của chính mình, ai nói gì cũng không nghe. Sinh ra một con người, ngoài chuyện nuôi đến lúc học hành đủ để có công việc và cưới hỏi xong, cầm chắc 30 năm dài. Đã có 30 năm để lo cho đứa con đang có, thì không ai ép mình được nữa, trừ mình thích và thích, thế thôi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất