| Hotline: 0983.970.780

ARF-20 và EAS-3 nhấn mạnh đảm bảo an ninh biển

Thứ Tư 03/07/2013 , 09:20 (GMT+7)

Các bộ trưởng dự các hội nghị ARF-20 và EAS-3 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việcđảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh biển ở khu vực.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh (hàng đầu, thứ 2, từ trái sang) tại hội nghị ARF 20

Ngày 2/7, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 20 (ARF-20) và Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á lần thứ 3 (EAS-3).

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tham dự các hội nghị này.

Tại Hội nghị ARF-20, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển, đánh giá cao vai trò và những đóng góp của ARF về các mục tiêu này, với tư cách là diễn đàn chính để đối thoại và hợp tác trong vấn đề chính trị-an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các bộ trưởng hoan nghênh việc triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động Hà Nội về Thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF đến 2020, trong đó có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực, xây dựng lòng tin như hợp tác ứng phó với thiên tai, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố, an ninh, an toàn hàng hải, an ninh mạng…

Trong bối cảnh khu vực vẫn có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh, ARF cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực của khu vực cũng như luật pháp quốc tế, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; đồng thời phát huy vai trò của các công cụ hợp tác chính trị-an ninh ở khu vực như Hiệp ước TAC, SEANWFZ, Tuyên bố DOC và các cơ chế ARF, ADMM+.

Trên cơ sở đó, sắp tới, ARF cần thực hiện tốt các chương trình công tác đã đề ra, thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, từng bước triển khai các hoạt động ngoại giao phòng ngừa phù hợp với các Nguyên tắc và Khái niệm của ARF và Kế hoạch Công tác về Ngoại giao phòng ngừa.

Các bộ trưởng cũng đã trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, Biển Đông.

Các bộ trưởng đã dành nhiều thời gian trao đổi về những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông; nhấn mạnh các bên liên quan cần giải quyết hoà bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước luật biển Liên hợp quốc; hoan nghênh Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, khuyến khích các bên trao đổi ý kiến và cách tiếp cận các vấn đề nhằm tăng cường lòng tin, hợp tác để giải quyết rủi ro trên Biển Đông.

Các nước hoan nghênh nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và hướng tới sớm có Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC); hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành tham vấn chính thức để hướng tới sớm đạt COC.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS lần thứ 3, các bộ trưởng đã tập trung kiểm điểm tình hình hợp tác EAS trong thời gian qua, đề xuất định hướng và các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, đồng thời trao đổi và thảo luận các vấn đề mang tính chiến lược đối với khu vực.

Các bộ trưởng chia sẻ tầm quan trọng và đề cao giá trị của EAS là Diễn đàn của các nhà lãnh đạo, với ASEAN đóng vai trò chủ đạo, đối thoại về các vấn đề chiến lược, trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh, kinh tế thương mại đến hợp tác phát triển và ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Các bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hiệu quả và tích cực trong các lĩnh vực ưu tiên gồm tài chính, năng lượng, giáo dục, bệnh dịch, quản lý thiên tai và kết nối ASEAN; đồng thời, nhấn mạnh cần tăng cường thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực thông qua đẩy nhanh tiến độ để hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2015.

Các bộ trưởng đánh giá cao tầm quan trọng của triển khai kết nối, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ ASEAN triển khai các dự án trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), hướng tới kết nối khu vực Đông Á cũng như kết nối Đông Á với các khu vực khác.

Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như ứng phó với các thách thức, an ninh lương thực, phòng chống dịch bệnh.., hoan nghênh Tuyên bố Sáng kiến Phát triển Đông Á của Trung quốc, đề xuất tăng cường bảo đảm an ninh lương thực, quản lý đánh bắt cá bền vững và bảo vệ môi trường biển của Brunei, hoan nghênh Hội nghị lần thứ nhất Liên minh chống Sốt rét sẽ được tổ chức nhân dịp Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 8 tại Brunei tháng 10/2013 do Thủ tướng Australia và Thủ tướng Việt Nam đồng chủ trì.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh biển ở khu vực, trong đó có Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển Liên hợp quốc 1982; hoan nghênh các nỗ lực khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác biển, bao gồm chống cướp biển, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, môi trường và an ninh biển, kết nối biển...

Phát biểu tại Hội nghị ARF-20, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh nhân dịp kỷ niệm 20 năm ARF, ARF cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là diễn đàn chính trị-an ninh hàng đầu khu vực đóng góp nhiều hơn nữa cho hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực.

Trước những thay đổi của tình hành an ninh khu vực và thế giới, ARF một mặt tiếp tục tập trung tăng cường xây dựng lòng tin nhưng mặt khác cũng cần thúc đẩy hơn nữa năng lực ngoại giao phòng ngừa, ủng hộ nâng cao vai trò của các quan chức quốc phòng, cũng như vai trò của Nhóm các Nhân vật nổi tiếng và Chuyên gia (EEP) và mối liên kết giữa ARF với Kênh II; tăng cường phối hợp giữa ARF với cơ chế ADMM+; nâng cao năng lực của Bộ phận ARF thuộc Ban Thư ký ASEAN.

Tại Hội nghị EAS, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định cần đảm bảo EAS tiếp tục là diễn đàn của các nhà lãnh đạo để đối thoại và định hướng hợp tác về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, trên cơ sở các mục tiêu, nguyên tắc và thể thức của EAS, đã được xác định trong các văn kiện cơ bản, trong đó có Tuyên bố Hà Nội năm 2010. Bộ trưởng chia sẻ quan điểm cần tăng cường vai trò của EAS trong việc xây dựng các qui tắc và khuôn khổ khu vực nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Đông Á.

Bộ trưởng nhấn mạnh bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả 6 lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Đông Á, cần thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại khu vực hướng tới thiết lập Khu vực Mậu dịch tự do Đông Á và Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức chung như quản lý thiên tai, an ninh và an toàn hàng hải, chống khủng bố, và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Về Biển Đông, trong trao đổi tại các hội nghị, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã khẳng định hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải là mối quan tâm chung và là lợi ích của khu vực cũng như của các nước. ASEAN và các nước cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đóng góp vào các mục tiêu chung này, nhất là khi khu vực có những diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng đề cao Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, và nhấn mạnh các nguyên tắc về xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên hợp quốc 1982, trong đó có các quy định của Công ước về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; thực hiện đầy đủ DOC và sớm đạt được COC.

Bộ trưởng cũng hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc nhất trí tổ chức tham vấn chính thức về COC tại cấp SOM vào tháng 9/2013, mong rằng điều này sẽ tạo điều kiện để hai bên sớm đi vào thương lượng thực chất và đạt được COC. Bộ trưởng cũng đề nghị các nước bàn và xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực về ngăn ngừa sự cố ở biển, tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền đi biển gặp nạn trong đó có việc giúp đỡ nhân đạo đối với ngư dân.

Chiều cùng ngày, bên lề các Hội nghị ARF và EAS, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và trao đổi một số vấn đề song phương và các vấn đề khu vực và quóc tế mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên vui mừng ghi nhận những tiến triển tích cực trong quan hệ Việt Nam-Mỹ thời gian vừa qua và cùng nhau trao đổi ý kiến về một số biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn ông John Kerry trên cương vị ngoại trưởng sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

(Vietnam+)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm