| Hotline: 0983.970.780

Siêu vũ khí Nga có gì?

Armata T-14 thách thức M1-Abrams

Thứ Hai 11/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Một trong những loại vũ khí mới hoành tráng nhất mà Nga trưng ra dịp này chính là xe tăng đời mới Armata T-14. 

Ngày 9/5, Nga tổ chức một cuộc duyệt binh chào mừng 70 năm chiến thắng phát-xít. Nhưng đối với các chuyên gia quân sự, ngoài ý nghĩa ngoại giao và chính trị, đây là dịp để nước Nga phô trương sức mạnh quân sự với sự ra mắt của một loạt vũ khí mới.

Một trong những loại vũ khí mới hoành tráng nhất mà Nga trưng ra dịp này chính là xe tăng đời mới Armata T-14. Nó được cho là ra đời theo những ý tưởng hoàn toàn mới, chưa có từ trước tới nay về xe tăng. Đây được xem là thách thức đối với dòng xe tăng M1-Abrams chủ lực trong quân đội Mỹ.

Khiến người Mỹ "mở to mắt"

Giới quân sự Mỹ đã và sẽ phải mở to mắt theo dõi dòng tăng mới của “gấu” Nga, bởi chúng có “nguy cơ” chiếm vị trí thượng phong trước dòng tăng nổi tiếng, có vai trò chủ lực của lục quân Mỹ A1-Abrams.

Những chiếc Abrams đã dễ dàng “ăn gỏi” dòng xe tăng T-72 do Liên Xô SX trong chiến tranh Iraq mà cụ thể là chiến dịch Bão táp sa mạc.

Trong biên chế quân đội Nga thời gian qua, hai dòng tăng chủ lự là T-80 và T-90, đều được phát triển dựa trên dòng tăng T-72 nên chưa thực sự có đột phá.

Có vẻ như xe tăng Nga trong một thời gian thua sút xe tăng Mỹ trên chiến trường cho dù đã có quá khứ oai hùng với dòng T-34 huyền thoại trong chiến tranh thế giới thứ hai mà đối với người Nga là cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại. Chiếc T-34 đã đi vào lịch sử như một huyền thoại.

Trong bối cảnh đó, sự ra mắt một dòng tăng được cho là hoàn toàn mới, thách thức vị trí dẫn đầu của xe tăng M1-Abrams thu hút sự chú ý lớn của giới quân sự.

Nhưng Armata T-14 mới ở chỗ nào, có phải thực sự là một dòng tăng hoàn toàn “cách mạng” so với những T-72, T-80 hay T-90 hay không?

Về vấn đề này, tờ National Interest (Mỹ) vừa có bài phân tích về sự xuất hiện của xe tăng Armata T-14.

Theo tạp chí này, trong thế giới phương Tây có hai luồng phản ứng trước sự xuất hiện của dòng tăng Armata T-14, một thiết kế tăng hoàn toàn mới trong thời hậu Xô-viết.

Một loại ý kiến cho rằng các tuyên bố của Nga về tốc độ, tính linh hoạt, sức mạnh hỏa lực và khả năng sống còn của Armata chỉ mang tính tuyên truyền, không có trong thực tế chiến trường.

Loại ý kiến thứ hai thì tỏ ra hoài nghi một quốc gia đang chịu các lệnh cấm vận của phương Tây, nền kinh tế đã đi vào chu kỳ suy thoái thì không thể có đủ nguồn lực quốc gia để xây dựng một chương trình xe tăng hoàn toàn mới.

Trong thực tế, nếu ông Vladimir Putin tiếp tục duy trì kế hoạch tái thiết quân đội dựa trên những điều kiện kinh tế khác xa với dự kiến ban đầu, liệu ông có dám lặp lại những sai lầm mấu chốt vốn được cho là dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô: chi tiêu cho quân sự quá lớn so với quy mô GDP?

Tuy nhiên, có một lý do khác, một lý do gần như không thể cưỡng lại trước việc đầu từ vào nghiên cứu và thiết kế chế tạo của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga: Những nỗ lực SX vũ khí mới còn là quyết tâm của Nga trong việc đảm bảo một vị trí quan trọng trên thị trường vũ khí.

Trong ngắn hạn, hầu như các bạn hàng của Nga đều dùng vũ khí Nga để hạn chế hay ngăn chặn Mỹ và đây cũng là cách người Nga cho thấy sức mạnh cũng như khả năng đối trọng của họ với người Mỹ. 

Nga đã, đang, và với các loại vũ khí mới, sẽ có khả năng cung cấp nhiều loại vũ khí tới nhiều quốc gia đang muốn tăng cường năng lực quốc phòng, và chắc chắn việc này sẽ bị Mỹ chụp cho cái mũ “kho vũ khí của các nhà nước chuyên chế” cho dù phần lớn khách hàng quan trọng nhất của Nga là các quốc gia dân chủ.

Nguồn xuất khẩu quan trọng

Trong thời kỳ hậu Xô-viết, Nga có nhiều lý do để củng cố nền công nghiệp quốc phòng.

Một số năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xếp XK vũ khí cùng với dầu mỏ, khí gas thiên nhiên và năng lượng nguyên tử là các thế mạnh so sánh của nước này trên thị trường quốc tế.

Trong những năm 1990, Nga đã thất bại trong nỗ lực tái thiết ngành công nghiệp quốc phòng, một phần bởi vì Nga, cũng các nước khác thuộc liên bang Xô-viết không thể cạnh tranh về chi phí nhân công cũng như đảm bảo chất lượng, so với những nền công nghiệp quốc phòng hướng đến XK của một số “con hổ châu Á”.

Một phần của chiến lược tái công nghiệp hóa nước Nga, do đó là làm sống dậy ngành công nghiệp quốc phòng và giành lấy lợi thế từ việc nhu cầu thị trường đang gia tăng trong một thế giới to ra đơn cực hơn với các loại vũ khí tinh vi hơn.

Và triết thuyết của vũ khí Nga nằm ở mấy chữ “tốt vừa đủ”. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt những nước có “bất hòa” với Washington, đều nhận thức rõ ràng rằng không có nước nào (may ra trừ Trung Quốc) ngăn chặn được khả năng giành thế thượng phong của một nước Mỹ đầy tự tin trong một cuộc chiến công ước.

Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng, kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, không tồn tại một nguy cơ nào đe dọa nước Mỹ đến độ có thể tạo ra tâm lý sẵn sàng trong công chúng nước này, chấp nhận thương vong và sự hy sinh cao độ.

Mỹ tiếp tục tìm kiếm các lựa chọn chí phí thấp, không có thương vong về người mỗi khi suy tính về các kế hoạch can dự của họ.

Mỹ cũng thường xuyên muốn không chỉ đơn giản là chiếm thế thượng phong mà phải là vượt trội hoàn toàn. Vì vậy, đối với các quốc gia muốn kìm hãm hay ngăn chặn Mỹ, quân đội của họ không thể đảm bảo họ sẽ đánh bại Mỹ, thay vào đó là đảm bảo sự chống can dự, chống tiếp cận từ quân Mỹ.

Tất nhiên vẫn có những rủi ro đối với Nga, như lời Lenin từng nói rằng, nhà tư bản có thể bán những sợi dây sau này treo cổ họ. Và nay Nga bán vũ khí cho cả những quốc gia có thể trong tương lai dùng vũ khí đó chống lại người Nga. (Còn nữa)

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất