| Hotline: 0983.970.780

Âu sầu vì "đầu cơ nghiệp"

Thứ Tư 06/10/2010 , 11:02 (GMT+7)

Sự kiện một con trâu hoang vừa tấn công làm 8 người dân ở TP Đông Hà bị thương đã gióng lên hồi chuông báo động cần phải có giải pháp để dẹp nạn trâu hoang đang tung hoành lâu nay.

Sự kiện một con trâu hoang ở vùng rừng miền tây huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, vừa tấn công làm 8 người dân ở TP Đông Hà bị thương đã gióng lên hồi chuông báo động cần phải có giải pháp để dẹp nạn trâu hoang đang tung hoành lâu nay.

Vấn nạn trâu điên 

Tìm về phường 4 của TP Đông Hà, tôi gặp các nạn nhân vừa thoát khỏi nạn tấn công của con trâu hoang. Anh Nguyễn Văn Bình, người đang bị thương do trâu tấn công, trên nét mặt vẫn chưa hết kinh hoàng. Anh Bình vẫn chưa đi làm được, đang ở nhà nghỉ ngơi.

Anh Bình kể sáng 5/9, nhóm của anh có 8 người vào rừng Khe Lấp ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ thả lưới bắt cá. Mọi người đang mải mê đánh cá thì bất ngờ có một con trâu đực rất lớn, dáng dấp rất hung hãn, đôi sừng đen, dài và to, mò xuống suối uống nước. Vừa nhìn thấy bà con liền hiểu rằng đó là con trâu không bình thường mà họ đã nghe tiếng nó từng tấn công làm nhiều người trọng thương.

Song khi chưa kịp phòng vệ thì con trâu đã ào ào lao thẳng húc túi bụi vào số người đang đánh cá. Con trâu hoang dùng đôi sừng múc người anh Bình nhổm hẳn lên rồi dùng sừng húc xuyên bắp chân trái của anh. Vừa la lên thất thanh vừa nhìn sang người đối diện anh Bình thấy anh Nguyễn Đức Sĩ bị trâu húc thủng bắp tay trái, rồi dùng đôi sừng hất văng xa hàng chục mét, máu me chảy đầy người.

Sáu người còn lại trong đoàn bỏ chạy, nhưng vẫn không thoát, bị con trâu hoang rượt theo húc tới tấp. May mà con trâu bỏ đi nửa chừng nên số người bị thương nhẹ đã quay trở lại cõng hai anh Bình và Sĩ vào Trạm xá Quân y của Sư đoàn 968 cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương nặng nên trạm phải chuyển các anh về cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

Đến thăm bà con nông dân bị nạn, ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND phường 4, TP Đông Hà cho biết, phường có hơn 900 hộ dân với gần 4.500 nhân khẩu, hộ nghèo chiếm hơn 11 %. Điều kiện làm ăn sinh sống của những hộ nghèo ở đây là sản xuất nông nghiệp, song diện tích đất đai quá ít, vỏn vẹn 20ha. Nên phần lớn người dân phải kiếm sống bằng nhiều nghề, từ bốc vác, phụ hồ đến thả lưới bắt cá ở trong rừng. Họ thường tìm đến các vùng rừng trên địa bàn huyện Cam Lộ để mưu sinh. Song đây là địa bàn thường xảy ra nhiều vụ trâu hoang tấn công người lao động nên rất nguy hiểm đến tính mạng cho bà con .

Không chỉ nông dân ở phường 4, nhiều nông dân lao động nghèo ở các vùng đồi núi huyện Cam Lộ, Triệu Phong và Gio Linh sợ nhất là nhưng lần gặp trâu hoang hung dữ. Anh Nguyễn Cương ở xã Hải Thái kể có lần đi giữ rẫy cao su vùng giáp ranh với xã Cam Tuyền, huỵện Cam Lộ, anh gặp một con trâu đực đang đứng chặn phía trước, cách chỗ anh khoảng 500 mét. Nghĩ bụng không việc gì nên anh cứ ung dung bước tới gần nó, con trâu khịt mũi, mắt đỏ hoe, khua cặp sừng nhọn hoắt đánh tan các bụi cây bên cạnh. Vung gậy thị uy, xua đuổi chẳng những con trâu không sợ mà còn lao đến tấn công, anh bỏ chạy.

Khi trâu đuổi kịp thì vừa lúc anh bị sập xuống một cái hầm được bộ đội trước đây đào làm công sự, khi ấy anh mới biết mình thoát chết. Con trâu khựng lại trên miệng hầm, sùi bọt mép, dùng cặp sừng cày xới quanh miệng hầm nhưng bất lực vì không thể làm gì hơn. Kể từ đó mỗi lần lên giữ rẫy anh Cương không bai giờ dám đi một mình nữa. Anh nói ở vùng miền núi gò đồi này ngày xưa bà con mình sợ nhất là hỗ xuống núi, giờ hỗ không còn nên sợ nhất là trâu hoang tung hoành.

Cũng trong nỗi ám ảnh về trâu hoang tấn công, ở xã Cam Hiếu, mới đây một thanh niên cùng bố vợ vào rừng tìm trâu, đã bị trâu hoang húc trọng thương, phải nằm cấp cứu, điều trị dài ngày ở Bệnh viện Trung ương Huế. Nhưng xót xa nhất là cái chết của chị Nguyễn Thị Huế ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền. Một lần chị vào rừng thăm trâu, gặp con trâu dữ không biết của nhà nào thả rông, đột nhiên xông đến tấn công. Gia đình chỉ biết điều đó khi một số người dân báo tin gặp xác chị trong rừng, tay vẫn cầm cây gậy. Có lẽ khi đối mặt với con trâu, chị vẫn dùng cây gậy ấy ra lệnh nó như mối quan hệ giữa người và trâu từ ngàn đời là vậy.

Giữ trâu bằng...Nghị quyết

Tại các xã trung du, miền núi huyện Cam Lộ đang có tình trạng chăn nuôi trâu bò theo cách thả rông ngoài rừng. Do thả hoang quá lâu ngày nên những con trâu đực khi đến tuổi trưởng thành mà không được “dạy dỗ” nên chúng đi hoang. Giải thích tình trạng thả trâu đi hoang, anh Trần Đình ở xã Cam Tuyền, chua xót: “Xã có diện tích đất tự nhiên gần 10.000 hécta, nhưng đất canh tác chỉ chiếm chưa đến 1%. Khi đất đai canh tác ít, con người lại như vắt kiệt nó để nuôi mình thì những con trâu bị đẩy vào rừng thả hoang, không chuồng trại, không người chăn giữ, tự tìm thức ăn, tự tìm chỗ ngủ, khó kiểm soát dịch bệnh, sống thì tốt, chết thì thôi, nhiều con trong số đó lâu ngày thành trâu hoang đi tấn công lại thân chủ của nó”.

Chuyện thả trâu hoang gây hại nhiều hơn lợi đã “nóng” đến nỗi huyện Cam Lộ đã đưa vấn đề này vào Nghị quyết và quyết định lập ra một dự án cải tạo và phát triển lại đàn trâu bò với ba nội dung: quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung (thay đổi hình thức thả rong), xây dựng chuồng trại tập trung và nâng cao chất lượng đàn trâu bò.
Riêng xã Cam Tuyền đã có gần 1.500 con trâu của bà con nông dân đang thả rông trong những cánh rừng phía tây, vùng đất rộng lớn giáp với các xã miền núi của huyện Gio Linh, cách nơi ở của người dân Cam Tuyền đến mấy chục km. Vài tháng các chủ trâu mới có một lần luồn rừng thăm trâu, mặc sức ccho trời. Anh Trần Văn Quyết ở thôn Tân Hiệp kể rằng mình vay 3 triệu đồng mua 1 con trâu cái và thả vào rừng. Thả trâu xong xem như bỏ quên trong rừng. Hơn sáu năm quên... trâu nay anh đã có bầy trâu 5 con, trong đó có 3 con trâu cái, 2 trâu đực... Ở xã Cam Tuyền rất nhiều người nuôi trâu kiểu tự do như gia đình anh Quyết.

Người xưa có câu nói: “Lạc đường theo đuôi chó, lạc cửa ngõ theo đuôi trâu”. Song câu nói ấy giờ không còn phù hợp với hoàn cảnh nuôi trâu ở các xã Cam Tuyền, xã Cam Chính, Cam Thành... Nhiều gia đình ở xã này đã tốn biết bao công sức vào rừng tìm trâu của mình đã thả, họ tìm đến đỏ mắt không thấy trâu đâu. May mắn gặp được trâu thì khi đến gần nó lại bỏ chạy, không biết tự lúc nào vì bị thả quá lâu con trâu không còn nhận ra chủ của mình. Không ít gia đình ở vùng này bị mất cả đàn trâu đến 20 con vì chúng đi hoang. Từng đàn trâu hoang cứ đi từ vùng này sang vùng khác, hết tàn phá hoa màu của nông dân thì quay sang tấn công người.

Ông Lê Văn Lực, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Cam Lộ, thừa nhận: “Trình độ chăn nuôi trâu bò theo hình thức thả rông của người dân vùng này là không thể phù hợp. Trâu bò thả rông không chỉ tấn công người mà còn phá hoại không biết bao nhiêu diện tích hoa màu, cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.