| Hotline: 0983.970.780

AVG đã trả lại cho MobiFone hơn 4.500 tỷ đồng

Thứ Năm 03/05/2018 , 06:55 (GMT+7)

Trong báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ mới đây, Tổng Cty Viễn thông MobiFone cho biết, tính đến ngày 17/4/2018, tổng số tiền MobiFone đã nhận được từ đại diện cổ đông chuyển nhượng AVG là 4.533.579.383.300 đồng (hơn 4.500 tỷ đồng).

Trước đó, vào tháng 3/2018, Bộ TTTT có các văn bản chấp thuận việc chấm dứt hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Ngày 28/3/2018, MobiFone và Đại diện cổ đông chuyển nhượng đã ký Thỏa thuận nguyên tắc tự nguyện hủy bỏ, chấm dứt Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần số 2512/2015/MobiFone – AVG.

MobiFone đã nhận lại hơn 4.500 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Theo Thỏa thuận nguyên tắc về việc tự nguyện hủy bỏ, chấm dứt Thỏa thuận chuyển nhượng số 2512, ngày 28/3/2018, ông Cao Duy Hải (Tổng Giám đốc Tổng Cty Viễn thông MobiFone) và ông Phạm Nhật Vũ (đại diện các cổ đông chuyển nhượng cổ phần của Cty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu) đã ký trên tinh thần tự nguyện, thiện chí và vì lợi ích chung của mỗi bên. Thỏa thuận này có các điều khoản như MobiFone sẽ trả toàn bộ cổ phần (344.660.000 cổ phần) và các cổ đông sẽ trả toàn bộ số tiền đã được thanh toán (8.445.324.611.000 đồng).

Lộ trình hoàn trả tiền, ở lần thứ nhất là đặt cọc. Để thể hiện thiện chí, cổ đông AVG đã chuyển trước 450 tỷ đồng theo đề nghị của MobiFone và tiếp tục chuyển cho tới khi đủ 30% tổng giá trị hoàn trả (hơn 2.500 tỷ đồng) trong vòng 10 ngày. Lần thứ hai, cổ đông AVG phải trả đủ 100% tổng giá trị hoàn trả số tiền 8.445.324.611.000 đồng trong vòng tối đa 90 ngày kể từ thời điểm ký Thỏa thuận nguyên tắc. Lần thứ ba, trong vòng 5 ngày, cổ đông AVG thanh toán cho MobiFone các chi phí khác (nếu còn).

Ngày 20/4/2018, báo cáo thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ, MobiFone cho biết, đối với công tác thu hồi số tiền mà MobiFone đã thanh toán trong việc mua 95% cổ phần AVG, ngày 15/3/2018, đại diện cổ đông chuyển nhượng của AVG đã chuyển số tiền 450 tỷ đồng vào tài khoản của MobiFone tại Viettinbank.

Ngày 28/3/2018, Đại diện cổ đông chuyển nhượng đã chuyển số tiền 2.083.597.383.300 đồng (gần 2.100 tỷ đồng). Ngày 16 và 17/4 đại diện cổ đông chuyển nhượng tiếp tục chuyển vào tài khoản của MobiFone tại Viettinbank 2 lần, mỗi lần 1.000 tỷ đồng.

Do công ty TNHH Giải pháp tích hợp công nghệ cao (IHTS), một trong những cổ đông bán cổ phần AVG cho MobiFone đã giải thể nên ông Phạm Nhật Vũ cam kết sẽ thay công ty này thực hiện ký hợp đồng/thỏa thuận để trả lại tiền và nhận lại cổ phần.

Như vậy, tính đến ngày 17/4/2018, tổng số tiền MobiFone đã nhận được từ đại diện cổ đông chuyển nhượng là 4.533.579.383.300 đồng (hơn 4.500 tỷ đồng). Ngày 20/3/2018, MobiFone đã thực hiện nộp số tiền thuế TNDN 1,3 tỷ đồng vào Ngân sách nhà nước theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Liên quan đến những sai phạm trong thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) đã tiến hành tiếp nhận toàn bộ hồ sơ từ Thanh tra Chính phủ. Chỉ đạo cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 27/4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra vụ việc này vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Theo Ban Bí thư, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Bí thư đề nghị các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm