Theo đó, bà Aung San Suu Kyi hôm nay đã bị cáo buộc nhận hối lộ số lượng lớn tiền mặt và vàng, và phải đối mặt với án tù 15 năm nếu bị kết tội.
Ngoài ra, nhân vật có ảnh hưởng lớn tại quốc gia Đông Nam Á còn phải đối mặt với sáu cáo buộc khác liên quan đến nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm và kích động dân chúng gây bất ổn.
Trước đó, cựu Cố vấn Nhà nước Myanmar đã bị bắt giữ vào ngày 1 tháng 2 khi nổ ra đảo chính đưa chính quyền về tay quân đội. Kể từ đó đến nay, bà Suu Kyi hầu như rất ít khi được nhìn thấy, ngoài những phiên hầu tòa ngắn ngủi.
Trong một thông cáo báo chí của hội đồng quân sự đưa ra hôm thứ Năm cho biết, bà Suu Kyi đã nhận tổng cộng 600.000 USD tiền hối lộ cùng bảy miếng vàng. Nhà chức trách Myanmar cũng cáo buộc chính phủ dân sự trước đây - Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) - đã để thất thoát một số tiền đáng kể trong các giao dịch đất đai. Ngoài bà Suu Kyi, một số cựu quan chức khác cũng phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và nhận hối lộ tương tự.
Trước đó, cáo buộc nghiêm trọng nhất chống lại bà Suu Kyi là cáo buộc bà vi phạm đạo luật bí mật chính thức – mức án có khung hình phạt lên đến 14 năm tù.
Quân đội Myanmar đã lên nắm quyền hồi đầu tháng 2 với cáo buộc gian lận bầu cử. Tuy nhiên giới quan sát bầu cử độc lập nói rằng, cuộc bầu cử phần lớn diễn ra tự do và công bằng, và các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi đã bị chỉ trích là mang động cơ chính trị.
Cuộc đảo chính hồi tháng 2 đã gây ra các cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước và quân đội Myanmar đã tổ chức nhiều cuộc trấn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Các cuộc đụng độ đã làm hơn 800 người thiệt mạng và chính quyền quân sự đã bắt giữ gần 5.000 người cho đến nay.