| Hotline: 0983.970.780

Bà bầu khốn đốn vì nước bẩn

Thứ Sáu 01/11/2019 , 12:00 (GMT+7)

Vất vả chen lấn giữa đám đông lố nhố xách bình nước ở sảnh chờ thang máy, anh Công mới tìm được lối ra đường để gọi taxi. Trời tháng 10 nhanh tối, tựa như sắc màu trước mắt Công lúc này.

Một phụ nữ ngoài 60 tuổi tay xách hai bình nước lên nhà sử dụng.


Chậm trễ

Là con một, gia đình lại ở quê, ngày anh Công, 35 tuổi, sống trọ chung cư HH Linh Đàm cưới vợ, cả nhà đều hoan hỉ và giục vợ chồng sớm có con. Hơn nửa năm sau, Thủy – vợ anh Công – mang thai. Cuộc sống gia đình ngỡ như một trang mới.

Tuy nhiên, mọi chuyện không toàn màu hồng với gia đình anh. Mang thai được hai tháng, chị Thủy, 32 tuổi bị dọa sẩy và phải nghỉ ở nhà. Bác sĩ chẩn đoán là do mang thai lần đầu, lại tuổi cao, nên nội tiết trong người chị không đủ dưỡng thai. Chị Thủy ở nhà hơn hai tháng, đến tháng thứ năm mang bầu mới dám đi làm trở lại. Hàng ngày anh Công đưa đi đón về. Khi bầu tháng thứ 5, mọi chuyện vừa tạm ổn thì bất ngờ khác lại ập tới.

“Khoảng 3 tuần, tôi đưa vợ đi khám một lần. Con đầu nên vợ chồng ít kinh nghiệm”, anh Công kể. “Hồi đầu tháng 10, bác sĩ ở phòng khám gần nhà (Linh Đàm) nói em bé chậm lớn. Khối lượng tăng không đáng kể. Lẽ ra ở tháng thứ 6, bé phải nặng từ 1,1kg đến 1,2kg, thì bé nhà tôi mới được gần 1kg. Vợ chồng rất lo lắng”.

Hai anh chị định đến khoảng giữa tháng 10/2019 thì sẽ đến viện Bạch Mai xét nghiệm và tìm phác đồ điều trị. Nhưng khi chưa đến ngày hẹn khám, nước ở khu HH Linh Đàm bị nhiễm dầu. “Tôi vẫn nhớ như in. Hôm đó là sáng 11/10, tôi dậy sớm và nấu đồ ăn nhưng thấy mùi nước máy khác lạ, giống như mùi nhựa cháy xen lẫn khí clo. Cẩn thận, tôi không dám lấy nước máy ở vòi nấu nướng và xuống nhà mua nước bình. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ là có thể nhà máy nước mới làm sạch đợt nước mới nên không chú tâm lắm”, anh Công nói tiếp.

Trong hai ngày kế tiếp, anh Công không nhận được bất cứ thông báo nào từ Ban quản lý tòa nhà cũng như Tổ dân phố. Do công việc làm hoàn toàn trong giờ hành chính và phải đưa đón vợ, anh Công trở về nhà thường vào lúc 7h tối. Anh nói, có sang nhà hàng xóm hỏi tình hình nhưng chỉ nhận được câu trả lời qua quít là nước có thể bị nhiễm bẩn. Trên đường lên nhà, anh thấy có nhiều người mua bình nước lên nhà để sử dụng thay nước máy.

Phải đến ngày 14/10, những thông tin đầu tiên về việc nước của Nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm dầu, do một chiếc xe tải đổ ra tại Hòa Bình mới được công bố trên báo chí. “Tôi nghe tin ấy mà rụng rời chân tay. Trước đó, không biết vợ chồng tôi đã sử dụng bao nhiêu nước bẩn. Vợ tôi thì đang bầu bí, không biết có vấn đề gì không”, anh Công tâm sự.

Tối 15/10, anh Công tức tốc về nhà và hối vợ lên ngay viện Bạch Mai thăm khám. Việc sử dụng nước bẩn với phụ nữ mang thai có thể dẫn tới nhiều hệ lụy như sinh non, thiếu cân… Chị Thủy nằm trong nhóm có nguy cơ này. Nhìn anh Công vất vả chen lấn gọi taxi, chị than: “Tại sao chính quyền lại chậm trễ thông báo như vậy?”

Cảnh xếp hàng lấy nước sạch của người dân HH Linh Đàm


May mắn

Một tay xách đồ đạc lỉnh kỉnh, với tâm lý sẵn sàng nhập viện, một tay dắt vợ vào thẳng phòng cấp cứu, anh Công lo lắng như thể chính mình đang bước qua lằn ranh sinh tử. Người xưa thường nói, “chửa là cửa mả” – ngụ ý việc sinh đẻ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, anh Công giờ mới thấm khi thấy vợ vài ngày nay than mệt mỏi, da bị ngứa và có dấu hiệu phù nề.

Chị Thủy được hướng dẫn làm một loạt xét nghiệm sinh hóa, trong đó có lấy máu, nước tiểu, trước khi được đi siêu âm. Dựa vào hình ảnh trên máy, bé nhà anh chị ở sát mức nguy hiểm về cân nặng và có thể bị chậm phát triển bẩm sinh. “Bác sĩ nói là cần theo dõi và xét nghiệm thêm để biết chính xác đó là bệnh lý, sinh lý, hay là tác động từ bên ngoài. Tôi cũng có nói là gia đình tôi đã sử dụng nước bị nhiễm bẩn từ khoảng một tuần nay, và nhờ bệnh viện thăm khám kỹ càng để cho kết quả chính xác”.

Trao đổi vấn đề với bác sĩ Hoàng Công Khanh, Khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai, vấn đề của chị Thủy là triệu chứng thường gặp của bà bầu khi mang thai ở tuổi ngoài 30. “Nội tiết suy giảm khiến quá trình trao đổi chất giữa bé và mẹ ở tuổi ngoài 30 bị giảm sút”, bác sĩ Khanh nói.

“Ở trường hợp của chị Thủy, chị mắc thêm một vấn đề là xuất hiện nhiều hồ huyết ở bánh nhau, ngăn em bé nhận dinh dưỡng từ mẹ. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến em bé của gia đình chị chậm phát triển so với những bé cùng tháng tuổi”. Khi được hỏi về ảnh hưởng của nước nhiễm bẩn tới bà mẹ trong quá trình mang thai, bác sĩ Khanh nói phải xét nghiệm cụ thể và theo dõi để kết luận chính xác. Dù vậy, bác sĩ cũng không loại trừ khả năng này.

Những tuần chăm chị Thủy trên viện, anh Công xin nghỉ phép và nhờ mẹ vợ lên thay phiên coi sóc. Chị Thủy phải khám tổng thể, xét nghiệm nhiều loại như hấp thu đường huyết, mỡ máu… Các bác sĩ cũng bỏ ngỏ khả năng phải chọc ối để lấy mẫu xét nghiệm, nếu những chỉ số của chị ở mức nguy cơ.

“Khi cầm một loạt kết quả và được bác sĩ kết luận là việc con chậm phát triển không phải bệnh lý, tôi mới yên tâm. Lẽ ra, tôi không lo lắng đến vậy nếu nguồn nước không bị ô nhiễm, bởi chỉ cần theo dõi kỹ hơn bình thường là đủ”, anh Công tâm sự.

Ngày trở về căn nhà đang thuê ở khu HH Linh Đàm vào cuối tháng 10, anh Công chị Thủy đọc được trên bảng tin dưới sảnh rằng nước vừa được cấp mới từ sông Đuống, thay vì sông Đà. Hai anh chị cười khổ và nói: “Giá mà khi nước bẩn họ thông báo nhanh như này, chúng tôi đã đỡ vất vả biết bao”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm