| Hotline: 0983.970.780

"Ba chàng ngự lâm" trên núi Nà Roòng

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:26 (GMT+7)

Họ là ba anh em trai họ Đinh, lần lượt theo nhau lên núi Nà Roòng, đó là nơi có ba ngọn núi quanh năm mây phủ.

Họ là ba anh em trai họ Đinh, lần lượt theo nhau lên núi Nà Roòng, đó là nơi có ba ngọn núi quanh năm mây phủ. Nơi đây, trước kia rừng thâm u, ánh nắng mặt trời không thể xuyên thủng lớp lớp lá rừng xuống tới mặt đất. Biết bao câu chuyện hãi hùng về núi Nà Roòng, vậy mà ba anh em trai lại rủ nhau lên núi mở trại nuôi bò. Đó là "Ba chàng ngự lâm" đã biến núi Nà Roòng thành núi …bò.

Tiếng Tày "nà roòng" nghĩa là ruộng ở nơi rừng rậm. Núi Nà Roòng là phần kéo dài của dãy núi Voi đổ xuôi về phía Nam bờ sông Chảy, nơi đây có ba đỉnh núi, người dân gọi là "tham nhom". Không phải là đỉnh núi cao nhất khu vực phía Nam sông Chảy, nhưng ba đỉnh núi Nà Roòng quanh năm mây phủ, chỉ những ngày nắng đẹp mới nhìn thấy ba đỉnh núi xanh biếc hiện lên sừng sững giữa trời cao.

Bí thư Đảng bộ xã Động Quan ông Lương Thanh Tập cho biết: Khi còn nhỏ, tôi đã được các cụ kể lại, rừng nơi đây mấy chục năm trước xanh đen, giữa trưa nắng khi bước chân vào rừng chỉ thấy mờ mờ như đang chiều. Cây rừng to bốn năm người ôm cao vài chục mét không đếm xuể, ruộng của người dân mở dưới chân núi Nà Roòng vào mùa hạ lợn rừng kéo nhau ra từng đàn đầm mình dưới ruộng. Hổ, báo, hươu, nai thì thường xuyên gặp, chúng rình rập, đuổi nhau dọc bờ sông Chảy. Có mấy người đi vào rừng chặt cây lạc đường không biết đường về bị thú ăn thịt, người nào thoát chết thì hóa rồ hóa dại… Còn bây giờ dù leo rừng cả ngày, thậm chí cả tuần cũng chả gặp con thú nào. Chúng bị săn bắn ráo riết từ mấy chục năm nay rồi, nhiều loài chạy lên núi Voi ẩn nấp vẫn chẳng thoát.

Đó là khi Lâm trường Lục Yên được thành lập vào năm 1970, người ta lấy việc khai thác tre nứa, gỗ làm chỉ tiêu phấn đấu. Hàng trăm ngàn khối gỗ được khai thác qua mấy chục năm, một vùng rừng rộng lớn cả ngàn ha bị đốn hạ, đến nay việc phá rừng tự nhiên nơi đây đã cơ bản xong. Trong số những công nhân Lâm trường Lục Yên có ba anh em ruột họ Đinh là: Đinh Văn Chắn, Đinh Văn Tài và Đinh Văn Thoại đã tách ra xin lên núi Nà Roòng lập trang trại. Trang trại của ba anh em họ Đinh nằm ở lưng chừng núi Nà Roòng cách quốc lộ 70 gần 2 cây số đường rừng.

Nơi đây Đinh Văn Tài vốn là công nhân khai thác gỗ của Lâm trường Lục Yên đã phát hiện ra, anh kể: Bố mẹ tôi đều là công nhân lâm trường, các cụ nghỉ hưu năm 1983, năm 1986 tôi xin vào làm công nhân trong đội khai thác. Hồi ấy kinh tế khó khăn lắm, gạo mua sổ chả đủ ăn, thấy đất trên núi rộng lại bỏ hoang tôi mới xin lâm trường để lập trang trại. Mới đầu cũng chỉ trồng ngô lúa, sau mỗi vụ đất bị rửa trôi bạc màu, ngô lúa trồng không lên nổi. Tôi mới nghĩ tới việc chăn nuôi, tôi bán con trâu kéo gỗ của gia đình mua được một cặp bò giống đưa lên đây…

Mặc dù trang trại của Đinh Văn Tài chỉ cách nhà gần 3 cây số, nhưng chẳng mấy khi anh về. Suốt ngày anh rong ruổi theo đàn bò khắp núi Nà Roòng, tối cũng không thể bỏ đàn bò mà về được. Mỗi con bò ngày ấy là một tài sản lớn, không sợ thú dữ ăn thịt, nhưng kẻ xấu chỉ dắt đi một con là cũng thiệt hại lắm rồi. Vợ anh là Phạm Thị Hoa một mình ở nhà nuôi con, đứa lớn sau mấy ngày đi ngoài thì mất, đứa thứ hai mới sinh được hơn một tháng bị viêm phổi cấp cũng ra đi. Mất hai đứa con vợ anh trở nên suy sụp, căn bệnh ung thư bùng phát, anh bán gần hết đàn bò để mua thuốc chữa trị cho vợ, nhưng cũng không cứu được. Mất vợ và hai con, Đinh Văn Tài chìm vào nỗi cô đơn khủng khiếp. Bởi ở trên núi chỉ có một mình anh với đàn bò. Đêm xuống chỉ nghe tiếng bò rống và tiếng suối chảy buồn đến nẫu ruột gan. Có lúc anh nghĩ phải bán đàn bò đi, nhưng bán bò đi thì lấy gì mà sống?

Khi đó lâm trường Lục Yên đã giao khoán hết đất rừng, ruộng thì chẳng có một thước. Thế là anh quyết định giữ đàn bò lại, rủ cậu em trai Đinh Văn Thoại lên cùng chăn bò với mình, mới đầu họ ở cùng một lán, sau đó anh dựng cho Thoại một lán ở cạnh rồi đưa cả vợ con lên, đàn bò được chia ra cho người em làm vốn. Thương anh trai lủi thủi một mình trong ngôi nhà trống trải, Thoại về quê tìm vợ cho anh. Thoại nghĩ: Không biết có ai dám lấy anh mình, nhất là chấp nhận lên núi cùng anh chăn bò? Cũng phải nhờ người ướm hỏi, cuối cùng cũng có người chấp nhận.

Vợ Tài bây giờ là người cùng làng, hai gia đình chẳng xa lạ gì nhau, nên hiểu hoàn cảnh của Tài. "Thuyền theo lái, gái theo chồng", cưới hỏi xong chị thu xếp quần áo ngược lên rừng, đêm đầu tiên ở trại bò giữa chốn rừng hoang lạnh, chỉ có tiếng suối chảy ầm ào, thỉnh thoảng nghe tiếng bò mẹ rống lên gọi con càng khiến cho rừng đêm hoang vắng đến rợn người. Vợ Tài đã khóc, nhưng đã chấp nhận lấy anh, thì ở giữa chốn rừng hoang này chị càng yêu thương anh hơn. Bây giờ thì vợ chồng Tài đã ở đây hơn 10 năm rồi, họ sinh được hai cậu con con trai, thằng lớn đã học lớp 6, thằng nhỏ đang học lớp 2. Tài bảo: Tôi vẫn giữ ngôi nhà ở dưới đường, nhưng không để các cháu ở dưới đó, hai cháu cùng ở đây với chúng tôi, không thể tách chúng ra được, buổi sáng tôi đưa các cháu đi học, quay về mới lùa bò lên núi, chiều tôi lại đón các cháu về…

Đinh Văn Chắn lên núi sau hai người em, anh vốn là bộ đội phục viên, sau khi rời quân ngũ anh cũng theo cha mẹ vào làm công nhân lâm trường, mãi tới năm 2002 Chắn mới lên núi Nà Roòng cùng hai em lập trại nuôi bò. Chắn dựng ngôi nhà sàn nho nhỏ phía sau nhà Tài, cả 3 ngôi nhà lợp cọ thấp lè tè mái đã mòn vẹt bám vào lưng núi Nà Roòng như những chiếc lá khô nhúng nước trong mù mịt sương khói. Ba dãy chuồng bò của ba anh em họ Đinh nằm quanh một bãi đất trống. Vào những ngày mưa, bãi đất chả khác gì ruộng bừa, bởi cả trăm con bò giẫm cho nát nhừ. Ai có việc lên trang trại của ba anh em họ Đinh đều phải đi ủng, bởi con đường vào nhà ngập ngụa bùn đất và phân bò. Có lẽ họ đã quen với cái mùi của bò cũng như nước tiểu và phân của chúng, còn ai mới đến chắc không thể nào chịu nổi. Bởi không khí ở đây rất nặng mùi, nhất là những ngày mưa dầm, gió bấc.

Công việc của ba anh họ Đinh ngày nào cũng vậy, buổi sáng họ dậy từ khi trời còn tờ mờ đất, mang cỏ cho lũ bò ăn lót dạ, người nào đưa đón con đi học thì đưa, còn ai ở nhà thì giặt giũ quần áo, sửa sang chuồng trại, cắt cỏ voi chuẩn bị bữa sáng mai cho lũ bò. Trưa ăn cơm xong họ mới lùa bò lên núi, tối mịt mới lùa bò về. Có một điều rất lạ, đàn bò đông cả trăm con, chúng đi ăn chung một đàn, chẳng con nào có sẹo, nhưng chẳng ai nhầm bò của ai, tối về bò nhà ai về chuồng nhà nấy. Trang trại của họ rộng 24 ha, không đủ cỏ cho đàn bò, họ phải lùa đi ăn xa, cách nhà khoảng 3-4 cây số mỗi ngày. Mùa mưa nhiều cỏ họ không phải đi xa, mùa khô ít cỏ họ phải đi cả chục cây số. Thường thì ba anh em cùng đi chăn bò, ai có việc mới để vợ đi. Bởi núi Nà Roòng đều đã có chủ, nếu chẳng may để bò lạc vào nương rẫy, hay rừng nhà ai bị bò giẫm nát một vài cây là dễ sinh chuyện. Đàn bà không thể chạy nhanh được, họ ở nhà cuốc đất trồng ngô, sắn và trồng cỏ voi. Số ngô sắn họ trồng được đều làm thức ăn cho bò về mùa đông giá rét.

Trang trại bò của ba anh em họ Đinh trên núi Nà Roòng được coi là lớn nhất tỉnh Yên Bái, mỗi năm họ cung cấp cho thị trường khoảng 40-50 con bò, trong đó số bò sinh sản chiếm gần một nửa. Cũng từ trang trại bò của "Ba chàng ngự lâm" họ Đinh, xã Động Quan gần chục năm qua đàn bò đã phát triển rất nhanh, trở thành xã có số lượng bò lớn nhất huyện Lục Yên, với 800 con trên tổng số 2.200 con bò toàn huyện.

Đinh Văn Tập bảo: Mấy anh em chúng tôi chỉ bán bò cho bà con quanh xã Động Quan và những hộ ở các xã quanh đây để họ làm giống. Bò của anh em chúng tôi là giống bò địa phương, chưa lai sind được, nên giá rẻ vừa với túi tiền của người nghèo. Giá mỗi con bò cái trung bình 5-6 triệu, do dễ nuôi nên gia đình tôi không đủ lượng bò để bán. Hiện chúng tôi tự lai tạo được một con đực lai sind, ước mơ của anh em chúng tôi là mua được một con đực giống tốt để cải tạo chất lượng đàn bò, giá một con bò lai sind gần gấp đôi con bò thường. Mong muốn là vậy, nhưng chưa biết mua ở đâu…

Ngày tôi lên trang trại nuôi bò của ba anh em họ Đinh cũng là ngày họ xuất bò bán cho các hộ nghèo ở Động Quan. Bà Hoàng Thị Thiên người bản Kim, thông qua Hội Phụ nữ xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội vay được 6 triệu, bà lên trang trại bò của ba anh em họ Đinh chọn mua một con bò sinh sản. Đinh Văn Chắn giúp bà Thiên dắt bò xuống núi, bà bảo: Nhờ anh Chắn ra vốn mát tay, nếu may mắn thì sang năm tôi có thêm một con bê nữa nhá…Chắn cười, phô hai hàm răng ám khói thuốc lào: Chắc chắn rồi, khi nào nó đẻ bà mời tôi một chén rượu nhé…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất