| Hotline: 0983.970.780

Bà con biên giới thoát nghèo nhờ vốn ngân hàng chính sách xã hội

Thứ Hai 06/07/2020 , 15:23 (GMT+7)

Nhiều người dân đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn này để phát triển kinh tế, có hộ không những thoát nghèo mà còn trở thành gương sáng làm kinh tế giỏi.

Trao sinh kế…

Xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập có tới 65% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc trông chờ ỷ lại vào nhà nước dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con, sau ngày thu hoạch vụ mùa là bà con tụ tập ăn chơi.

Thế nhưng, những năm gần đây, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền, vận động, bằng nhiều giải pháp, chính quyền địa phương đã trao sinh kế như trâu, bò, dê… để bà con có tư liệu sản xuất, từ đó bà con đã biết tự làm chủ kinh tế trên mảnh đất của mình.

Trước đây, gia đình chị Điểu Ý (ngụ xã Phú Văn) thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Căn nhà tạm bợ, dột nát là nơi sinh sống của 3 thế hệ với 9 nhân khẩu. Năm 2018, gia đình chị được ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 25 triệu đồng cùng số tiền vay mượn thêm từ người thân, chị Ý đã xây dựng được căn nhà khang trang để ở.

Chị Điểu Ý cần mẫn chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Chị Điểu Ý cần mẫn chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Đầu năm 2019, chị tiếp tục được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để chăm sóc 4 sào điều và mua 3 con bò sinh sản. Nhờ chịu khó chăm sóc, vụ mùa 2019 – 2020 năng suất cây điều vượt trội đạt gần 1 tấn điều thô, trừ chi phí gia đình chị thu nhập hơn 10 triệu đồng, ngoài ra, từ 3 con bò ban đầu đến nay chị đã có 5 con bò, cuộc sống gia đình dần ổn định hơn.

Chị Ý cho biết, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, chưa bao giờ chị nghĩ sẽ có căn nhà đàng hoàng để ở, có bò để nuôi bởi quanh năm đi làm thuê làm mướn, cái ăn còn chưa no thì lo sao tới. “Nhờ nhà nước giờ có nhà để ở nên cuộc sống thoải mái hơn rồi, chỉ mong sao con bò nó khỏe mạnh, sinh sản nhanh để có tiền trả thôi”, chị Ý chia sẻ.

Tương tự, gần đó, gia đình anh Điểu Bích là một trong những hộ điển hình thoát nghèo nhờ nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập. Đầu năm 2019, gia đình anh Bích được ngân hàng cho vay 50 triệu để chăm sóc vườn điều và mua trâu sinh sản. Trong lúc chờ thành quả từ vườn điều và trâu, hai vợ chồng anh vẫn đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Hiện đàn trâu của gia đình anh đã có con mang thai, vài tháng nữa sẽ có nghé con, từ đó sẽ có kế sinh nhai bền vững, tự làm chủ trên chính đàn vật nuôi của mình.

Anh Điểu Bích phấn khởi nói: “Nếu mình không chủ động, không quyết tâm làm kinh tế thì cái nghèo, cái đói sẽ đeo bám, cái đầu suy nghĩ, thì cái tay phải làm, mình ý thức một chút, chịu khó một chút thì cái nghèo, cái khổ cũng qua thôi”.

Ngoài chăn nuôi, lúc rảnh rỗi bà con đồng bào nhận hạt điều về gia công kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài chăn nuôi, lúc rảnh rỗi bà con đồng bào nhận hạt điều về gia công kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

Ông Lê Văn Quân – Chủ tịch UBND xã Phú Văn cho biết, xã Phú văn là xã  nghèo, ngoài những khó khăn chung, hơn 50% đất của bà con thuộc diện 3 loại rừng đang chờ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó xưa nay, ngoài nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội huyện, bà con không thể tiếp cận được vốn ngân hàng nào khác. Nhờ việc giải ngân vốn kịp thời, bà con đã có sinh kế để phát triển kinh tế.

Cũng từ nguồn vốn này, tỷ lệ thoát nghèo của địa phương năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng năm 2019, xã Phú Văn đã có 15 hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo. Trong năm 2020 xã Phú Văn phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn xã giảm từ 15,6% xuống còn 8,17%.

Bà con được tiếp cận nhiều nguồn vốn

Theo ngân hàng chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập, hiện nay, đơn vị đang triển khai thực hiện 14 chương trình vay vốn tín dụng, ưu đãi. Việc giao dịch đã được thực hiện đồng bộ, cố định tại 8/8 xã, thị trấn. Các điểm giao dịch được niêm yết công khai, đầy đủ thủ tục giải quyết công việc, công khai dư nợ, thông báo chính sách tín dụng ưu đãi theo đúng quy định. Hoạt động giao dịch tại xã được thực hiện nghiêm túc kể cả ngày lễ, thứ bảy hoặc chủ nhật. Trong các ngày giao dịch đều có sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo UBND các xã, đoàn thể, lực lượng dân quân, công an xã đảm bảo an toàn.

Cán bộ ngân hàng chính sách xã hội thăm hỏi, kiểm tra việc sử dụng đồng vốn của người dân. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ ngân hàng chính sách xã hội thăm hỏi, kiểm tra việc sử dụng đồng vốn của người dân. Ảnh: Trần Trung.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập cho biết: “Các thủ tục cho vay và phiên giao dịch tại xã đang thực hiện theo phương châm nhanh, gọn, an toàn và tiết kiệm chi phí đi lại cho hộ vay; nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế thấp nhất rủi ro. Mục tiêu là tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp các hộ thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương”

Tính đến hết tháng 3/2020, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập đạt hơn 234 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo hơn 48 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020, ngân hàng đã giải giải ngân vốn vay cho 125 hộ nghèo với số tiền gần 4,5 tỷ đồng; trong đó có 43 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Theo bà Thoa, nhờ phát huy hiệu quả các nguồn vốn, trong 5 năm qua toàn huyện Bù Gia Mập có 6.425 hộ thoát nghèo, riêng trong năm 2019 là 846 hộ. Thời gian tới, ngân hàng chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập tiếp tục phối hợp với địa phương tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng; kết hợp với hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay, giúp họ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo. Song song đó, ngân hàng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý vốn vay để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích.

Bà Nguyễn Thị Thoa: "Đa số các hộ vay vốn đều sử dụng vào mục đích chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây, mua con giống, phân bón... Nhờ đó, đã có nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành gương sáng làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm".

Xem thêm
Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.