| Hotline: 0983.970.780

Đem bố mẹ bỏ 'chợ'

Bà cứ thế này thì bao giờ con cháu mới có giỗ?

Thứ Tư 25/04/2018 , 13:34 (GMT+7)

“Lâu rồi bà nhà em không ốm nhỉ? Bà cứ thế này thì bao giờ con cháu mới có giỗ nhỉ?”. Chị Trần Thị Minh Thu-Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Hà Nội bảo với tôi rằng trước mặt mẹ họ còn dám nói thế rồi lại giả lả: “Ừ, nói thế này có khi bà lại giận”...

Ngẫm ra câu đúc kết của ông cha rằng: “Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” luôn luôn đúng. Có khoảng 30-40% trường hợp gửi bố mẹ mình đến các Trung tâm dưỡng lão...

Xin được rút ống oxy ra

Có khoảng 30-40% trường hợp gửi bố mẹ mình đến các Trung tâm dưỡng lão, không phải muốn cho khỏe lên mà tính từng ngày xem bao giờ chết cho nhanh thoát nợ. Thời gian chờ đợi khiến họ vô cùng sốt ruột vì sợ mất thêm chi phí, nên luôn chép miệng thở than rằng cứ như thế này thì biết đến bao giờ?

dsc-1011123625848
Chăm sóc người già ở Trung tâm dưỡng lão

Ông Trương Văn Nam (đã đổi tên) hơn 80 tuổi làm nghề bán hàng ăn, đến Trung tâm trên một cái cáng thẳng từ bệnh viện vào, nặng đến nỗi phải thở oxy. Về đây ông được đám con cháu mua cho một cái máy oxy gia đình rồi dặn các cô điều dưỡng phải cho ông trợ thở thường xuyên. Nhưng được khoảng 2 tháng, thấy ông lại có vẻ hồi hồi lên họ liền gặp chị Trần Thị Minh Thu (Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Hà Nội) bảo: “Thôi chị ơi, gia đình em quyết định rồi, chị rút oxy không cho ông thở nữa”.

Họ muốn cho ông “đi” cho thật nhanh, chị Thu hiểu ý. Người con dâu còn cẩn thận, sợ Trung tâm không nghe theo, hàng ngày, sáng vào, chiều vào, tối lại vào không phải để thăm bố chồng mà chỉ để kiểm tra xem cụ có bị rút ống thở oxy theo ý nguyện của mình hay Trung tâm vẫn muốn cụ sống tiếp.

Có điều họ không ngờ rằng, rút trợ thở oxy xong bố mình vẫn thở bình thường hàng tháng sau. Cô con dâu lúc đầu còn vào sùng sục nhưng về sau thấy bố chồng vẫn ăn uống đều đặn, vẫn thở đều đều nên chán quá, không đến nữa mà chỉ gọi điện thoại: “Ông em thế nào rồi chị?”. Giọng điệu tỏ rõ sự sốt ruột. Phải rất lâu sau thì ông Nam mới qua đời ngay tại Trung tâm.

Trường hợp của ông Trần Đình Trọng (đã đổi tên) cũng tương tự. Ông là một cán bộ thanh tra cấp cao của nhà nước, nhà cao, cửa rộng, dù đã nghỉ hưu nhưng lương vẫn lên tới 8-9 triệu. Tai biến mạch máu não đến lần thứ ba, ông được đưa đến Trung tâm trong tình trạng thở gấp. Người nhà xác định gửi ở đây chỉ một vài ngày là ông chết. Hễ ông nằm xuống là bị bít mất đường hô hấp nên phải ngồi dựa lưng vào tường mà thở một cách rất nặng nhọc nhưng đầu óc vẫn hoàn toàn tỉnh táo.

Gửi vào buổi sáng thì buổi chiều người con dâu cả gọi điện: “Chị ơi ông nhà em thế nào rồi?”. “Ông đỡ rồi em ạ”. Chị Thu đáp. Và quả thực, không hiểu nhờ cơ chế phục hồi bí mật thế nào mà ông lại cứ đỡ dần, đỡ dần. Người con dâu cả sốt ruột lắm mới buột miệng bảo: “Chị ơi ông nhà em sao lại vẫn đỡ được à?”.

Chị ta là người đóng tiền nuôi dưỡng ông nhưng lần nào cũng bảo không có tiền để xin Trung tâm rút xuống mức phí 6 triệu/tháng thay vì 8 triệu/tháng đối với những trường hợp bệnh nặng. Về sau chị Thu mới vỡ lẽ ra rằng lương hưu của ông ông còn vượt khoản tiền đóng góp 6 triệu rất nhiều nhưng vì đã trót nhận lời, ký hợp rồi đành thôi. “Tôi chưa phải động đến đồng nào của chúng nó chị ạ. Tiền đóng góp này của tôi hết”. Đã đôi lần ông Trọng tâm sự như thế.

Đã bớt tiền dưỡng già của bố chồng rồi người con dâu lại còn dặn chị Thu chỉ thay bỉm ngày 1 lần thay vì ngày 3 lần để xin rút từ 750.000 đ/tháng tiền đóng bỉm xuống còn 500.000đ/tháng. Một người nằm liệt tại chỗ, làm sao có thể chịu được cảnh cả ngày ngập ngụa trên đống chất thải, nước thải bầy nhầy, hôi thối của chính mình? Thương ông, chị vẫn cho người đều đặn 3 lần thay bỉm cho vì khách hàng là người hoàn toàn tỉnh táo, còn nhận biết được tất cả các thứ xung quanh và đặc biệt là rất sạch sẽ.
 

Xin được ăn bớt đi

Thân nhân thường nói dối Trung tâm về tình trạng sức khỏe của bố mẹ họ khi muốn ký hợp đồng, đưa vào nhà dưỡng lão. Liệt họ cũng bảo không sao, gẫy chân họ vẫn bảo đi lại bình thường để cốt sao nhà dưỡng lão nhận vào cho xong việc. Một khi khách đã đến rồi, đã nài nỉ thế là không thể từ chối được kể cả xác định chăm sóc giai đoạn cuối vẫn phải nhận…

Mấy hôm sau ông Trọng đỡ dần. Hai người con trai đến thăm, thấy bố mình sức khỏe đang hồi phục, ra đến cửa, một anh liền kéo chị Thu lại bảo nhỏ: “Chị ơi, chị cho ông ăn ít hộ em nhé”. Ăn ít để cho bố chóng “đi”.

dsc-9818123626172
Một buổi tập thể dục của người già (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Trái với mong muốn của những người con, ông khách lại sống đến 2 năm sau mới “đi”. Trước khi chết, ông vẫn còn đủ sức khỏe, tỉnh táo để ký giấy bàn giao nhà cho người con trai út dưới sự chứng kiến của luật sư và văn phòng công chứng. Ông tâm sự rằng thằng cả đã có nhà riêng đẹp rồi nên cho thằng út nhà của mình (người đã dặn dò cơ sở nuôi dưỡng cho bố ăn ít để ốm yếu, chết nhanh). 70-80% người vào đây trước lúc khuất núi đều có những đoàn luật sư, văn phòng công chứng do những người con, người cháu mình dẫn đầu đưa đến yêu cầu lăn tay, ký giấy chuyển nhượng nhà đất. Đa số là họ nhận thức được, tự nguyện ký trong lúc đầu óc tỉnh táo. Dù yêu con hay rất ghét con nhưng cuối đời vẫn cho chúng nốt tài sản cuối cùng của mình…

Ông Dương Văn Toàn (đã đổi tên). Ông có 5 người con. Đích thân anh con trai đứng ra ký hợp đồng với Trung tâm. Dù đến đóng tiền rất đều nhưng không bao giờ anh ta lên thăm bố mình.

Ông Toàn có lương lại có tiền tiết kiệm khi bán nhà, sau khi chia cho các con vẫn còn giữ riêng được một khoản để phòng thân. Tiền lương hưu cộng thêm khoản lãi tiết kiệm hàng tháng đủ để ông không phải nhờ đến con cái một đồng nào. Vật chất là thì giàu có nhưng tinh thần lại thiếu thốn nên ông thường tâm sự với các cô điều dưỡng rằng: “Con cái như thế khiến ông chán lắm!”.

Nhớ nhất lần sinh nhật, ông cứ luôn miệng dặn mấy cô nhân viên Trung tâm rằng: “Hôm nay sinh nhật ông, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo đẹp cho ông bởi thể nào con cháu cũng vào thăm”. Ông ngồi đó, chờ đợi, mắt lấp lánh hi vọng. Nhưng chờ mãi, sáng, chiều rồi lại tối cũng chẳng thấy con cháu vào thăm. Chị Thu đành phải mua cho ông một bó hoa với cái bánh ngọt nhỏ nhưng cũng chẳng thể khơi dậy lại được niềm vui trong đôi mắt già nua.

Sau đợt ấy thì ông ốm khật, ốm khừ. Nhà dưỡng lão báo gia đình nên đưa đi viện nhưng họ không chịu, bảo để cho ông chết. Tuy ông có tiền sử tiểu đường nhưng không nặng lại còn không mắc thêm các bệnh cơ hội khác. Nếu đưa đi viện chắc chắn sẽ được thêm ít nhất vài tháng nữa.

Để một tuần ở Trung tâm mà không được chữa trị, bệnh tiểu đường của ông càng lúc càng nặng lên. Là bác sĩ nên chị Thu biết, hôm nay kiểu gì ông cũng “đi”, hấp hối rồi. Lúc 9 giờ tối chị gọi cho gia đình ông thông báo: “Đêm nay khả năng ông đi đấy, mọi người đến để trông ông một buổi”. Người thân của ông cũng đến nhưng chỉ một chốc một lát rồi lại về. Họ về được hơn 1 giờ thì ông mất mà không có một người con nào bên cạnh. Dương Đình Tường

Có trường ông NVL ở bị tai biến, liệt, lở loét khắp người được thân nhân đưa đến, nài nỉ: “Vào viện tốn tiền lắm, em cứ nhờ Trung tâm được ngày nào hay ngày đấy”. Tuy bị liệt nhưng ông rất tỉnh táo và vẫn sống tốt. Thỉnh thoảng anh con trai đến gõ cửa, ló mặt qua khe kính hỏi vọng vào: “Ông em thế nào rồi hả chị?”. “Ông vẫn thế”. Nghe trả lời thế là anh ta quay gót về thẳng, chẳng thèm lên thăm bố mình nữa.

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất