| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 26/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 26/05/2015

Ba điểm nhấn chống oan sai

Để chống oan sai trong các vụ án hình sự, ít nhất trong Bộ luật TTHS sửa đổi lần này, phải có 3 sự thay đổi lớn so với Bộ luật TTHS hiện nay. 

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII này, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày tờ trình dự án sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS).

Theo đó nhiều nội dung như bắt buộc phải ghi hình hoặc ghi âm khi lấy lời khai bị can… đã bị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không tán thành. Dù trước đó, VKSND tối cao đã bác bỏ việc Bộ Công an đề nghị không đưa nguyên tắc này vào dự thảo Bộ luật TTHS sửa đổi.

Việc không tán thành nguyên tắc trên của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã khiến dư luận, đặc biệt là giới chuyên gia và luật sư, đặc biệt chú ý.

Theo cựu thẩm phán (hiện là luật sư) Phạm Công Út (Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm, đoàn luật sư TP.HCM), thì để chống oan sai trong các vụ án hình sự, ít nhất trong Bộ luật TTHS sửa đổi lần này, phải có 3 sự thay đổi lớn so với Bộ luật TTHS hiện nay.

Đó là: 1/ Nghi can được quyền im lặng cho đến khi có sự hiện diện của luật sư ngay từ khi đối diện với cơ quan công quyền trong hoạt động tố tụng.

2/ Việc lấy cung phải có chứng cứ, cho dù có luật sư hay không có luật sư thì cũng nhất thiết phải có camera ghi hình, ghi âm. Và thứ ba là nhà tạm giữ, trại tạm giam sẽ phải giao về cho một cơ quan khác, không thuộc Bộ Công an quản lý, như Bộ Tư pháp chẳng hạn.

Quan điểm của vị luật sư - cựu thẩm phán trên là hoàn toàn đúng và chính xác. Xưa nay, án oan bao giờ cũng bắt nguồn từ việc dùng nhục hình để ép cung, bức cung.

Ông Nguyễn Thanh Chấn khi bị bắt vào trại tạm giam đã bị dùng nhục hình để buộc phải nhận tội giết người. Thậm chí điều tra viên còn “sáng tạo” ra việc ông đã đâm chị Nguyễn Thị Hoan như thế nào, hướng dẫn cho ông, bắt ông làm theo, để khi thực nghiệm hiện trường, ông phải làm đúng như vậy. 

Vụ 7 “ông Chấn” ở Sóc Trăng cũng bị dùng nhục hình, có người còn bị điều tra viên dùng nước đá ép vào bộ phận sinh dục để buộc phải nhận tội giết ông xe ôm.

Việc nghi can được quyền im lặng chờ luật sư xuất hiện trong các buổi lấy lời khai sẽ chấm dứt tình trạng dùng nhục hình này. Bởi không điều tra viên nào dám dùng nhục hình với nghi can khi có mặt của luật sư.

Việc ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai của nghi can sẽ là một bằng chứng sáng tỏ nhất về việc lấy lời khai của nghi can được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Và thứ ba, việc nhà tạm giữ, trại tạm giam không thuộc quyền quản lý của Bộ Công an sẽ khiến điều tra viên không thể "tự tung tự tác" khi lấy lời khai của nghi can, khi phòng điều tra nằm ngay trong trại tạm giam. Khi xét hỏi chỉ có điều tra viên và nghi can, nội bất xuất, ngoại bất nhập như trước.

Trại tạm giam, nhà tạm giữ do cơ quan khác quản lý, thì việc trích xuất nghi can khi điều tra viên đến lấy lời khai sẽ được thực hiện chặt chẽ, quy củ hơn. Và cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam có quyền giám sát việc này.

Ví dụ nghi can trước khi được trích xuất khỏi nơi tạm giam, tạm giữ đang khỏe mạnh. Nhưng sau buổi gặp điều tra viên để lấy lời khai, nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe, thì cơ quan quản lý có thể lập biên bản về sự việc đó.

Hoặc nghi can trước khi bị trích xuất ra để gặp điều tra viên được khám sức khỏe, rồi sau khi gặp điều tra viên về lại tiếp tục được khám sức khỏe trước khi nhập trại. Nếu có điều gì bất thường, thì cơ quan y tế sẽ phát hiện ra ngay.

Những kiến nghị trên rất đáng được các đại biểu Quốc hội lắng nghe.