| Hotline: 0983.970.780

'Bà đỡ' của dân bản Rào Tre

Thứ Năm 07/01/2016 , 07:06 (GMT+7)

Từ một dân tộc sống dựa vào săn bắt, hái lượm, nay đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã biết cấy lúa nước, chăn nuôi bò, lợn, gà… 

Công lớn cho sự thay đổi trên thuộc về lực lượng bộ đội biên phòng Hà Tĩnh và các cán bộ khuyến nông, những người “cầm tay chỉ việc”, truyền “lửa” thoát nghèo cho đồng bào.

Tôi còn nhớ cách đây gần 4 năm, trong một lần theo đoàn từ thiện đến trao quà cho người dân Rào Tre, khi được hỏi bà con chỉ nói một câu “cảm ơn và mong Nhà nước tiếp tục cho gạo ăn” mà không hề có tư duy tự lực cánh sinh. Đất ruộng có, chính sách hỗ trợ của Nhà nước có… nhưng họ lười lao động và quen với cuộc sống dựa vào săn bắt, hái lượm nên nghèo đói cứ đeo bám mãi.

Hôm nay, giữa những ngày đông lạnh giá chúng tôi tiếp tục quay lại Rào Tre, nhưng thay vì ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước người dân đã “có trách nhiệm” hơn với cuộc sống của chính mình.

Đóng góp cho sự đổi thay rõ nét đó, ngoài lực lượng Bộ đội Biên phòng còn có các cán bộ khuyến nông, những người “cầm tay chỉ việc”, cung cấp cho bà con tư liệu sản xuất, giúp họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh hỗ trợ 8 hộ dân trong bản thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt với quy mô 800 con. Mô hình này không mới mẻ gì với các vùng đồng bằng trung du, nhưng với đồng bào dân tộc Chứt thì quá lạ lẫm bởi hình thức chăn nuôi mới này yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn chuồng trại, thức ăn, vệ sinh môi trường.

Các hộ tham gia được Nhà nước hỗ trợ đầu tư 100% về con giống, chi phí thức ăn, thuốc thú y và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà. Chuồng nuôi xây dựng kiểu chuồng hở, đơn giản, cao ráo, thông thoáng tự nhiên, sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như gỗ, tre, nứa.

Đang cho đàn gà ăn, ông Hồ Bắc nói: “Nhà tôi và nhiều gia đình khác trong bản có đất vườn đồi rộng lắm nhưng nhiều năm qua không biết chăn nuôi gì để phát triển kinh tế mà chủ yếu nhận sự hỗ trợ từ nhà nước. Đầu năm 2015, cán bộ khuyến nông cho 100 con gà, rồi cả bộ đội biên phòng nữa về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên bây giờ đàn gà phát triển rất tốt. Sắp tới xuất bán chắc cũng được số tiền khá”.

10-40-16_dsc_6618

Ngoài chăn nuôi gà, ông Hồ Bắc còn là chủ hộ đi đầu trong việc phát triển mô hình chăn nuôi lợn thịt với tổng đàn duy trì thường xuyên 10 con/lứa.

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre khẳng định, việc đầu tư hỗ trợ đồng bào dân tộc Chứt phát triển chăn nuôi gà của Trung tâm Khuyến nông tỉnh là một việc làm hết sức thiết thực và ý nghĩa, thể hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước trong xây dựng nền nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, góp phần giúp bà con vùng sâu, vùng xa tiếp cận kịp thời khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán chăn nuôi, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống.

Chung niềm phấn khởi, bà Hồ Hường cho biết, dạo trước bà cũng nuôi gà nhưng chỉ mua về 4 - 5 con rồi thả ngoài vườn, phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Thậm chí, nhiều lần mua gà về nuôi nhưng do không biết cách năm sóc nên chẳng con nào sống được.

“Sau khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ gà và tập huấn kỹ thuật, nay tôi đã biết chăm gà theo từng giai đoạn, tiêm vacxin phòng bệnh và thúc cho gà ăn chóng lớn”, bà Hường nhấn mạnh.

Theo ông Phan Thanh Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Liên, hiện nay đời sống người Chứt đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng mừng nhất là ý thức tự giác trong sản xuất của bà con được nâng lên rõ rệt. Hơn 1 năm qua, các đoàn thể, chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã, lực lượng bộ đội biên phòng đã tích cực phối hợp, vào cuộc triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, bước đầu giúp họ biết giao lưu kinh tế, văn hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.

“Hiện trên địa bàn xã có 2 mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô 5 - 10 con/lứa đã xuất chuồng đạt doanh thu hơn 40 triệu đồng. 8 mô hình chăn nuôi gà quy mô 100 con/mô hình đang được bà con chăm sóc, phát triển rất tốt”, ông Lê cho biết thêm.

Bản Rào Tre có 37 hộ dân với 136 khẩu thuộc đồng bào dân tộc Chứt. Đời sống của bà con đang còn thiếu thốn, trình độ văn hóa, tư duy sản xuất hạn chế nên quá trình chuyển giao mô hình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh gặp phải không ít khó khăn.

“Để đến được Rào Tre chúng tôi phải vượt hàng trăm cây số đường đồi núi nhưng vì ngay từ đầu xác định tâm lý phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nên chúng tôi cũng đỡ thấy cực. Tuy nhiên, trong quá trình làm một số hộ còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào cán bộ nên phải vận động, hướng dẫn đi hướng dẫn lại hai ba lần họ mới làm được. Rất may, có sự phối hợp của bộ đội biên phòng nữa nên bây giờ người dân đã nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, xử lý kịp thời các loại dịch bệnh”, một cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh chia sẻ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.