| Hotline: 0983.970.780

Ba đời trên một hoang đảo

Thứ Năm 23/07/2009 , 09:55 (GMT+7)

Mãi cho tới bây giờ, đã trải qua ba thế hệ mà hòn Nồm cũng chỉ có một gia đình họ Vương sinh cơ lập nghiệp,...

Vừa bước lên đảo, cô Út Giàu, con gái của chủ đảo Vương Ngọc Anh (Sáu Anh) niềm nở bảo chúng tôi: Trời sắp tối rồi, tối nay các anh ngủ lại đảo với ba tôi cho vui. Sáng mai tụi nầy sẽ đưa anh ra bến tàu.

Dưới ánh đèn lung linh và huyền ảo, chúng tôi vừa nhâm nhi, vừa nghe bác Sáu kể lại chuyện đời, chuyện thời trai trẻ và chuyện sóng gió trùng khơi. Càng về khuya giọng bác càng chùng xuống, cảm xúc miên man, pha lẫn tự hào: “Đầu năm 1954, thân phụ tôi từ Kiên Lương giong thuyền ra hòn Ngang, một trong 21 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Nam Du-Kiên Giang, cách bờ Rạch Giá chừng 90km để lập nghiệp, lúc đó tôi mới 8 tuổi đầu. Được ít lâu, cha tôi lại đưa gia đình chuyển sang hòn Nồm giữa, một hòn đảo hoang sơ không một bóng người để dựng lên túp lều tranh, đủ che nắng che mưa để ngày ngày cuốc rẫy và đánh bắt hải sản…”.

Mãi cho tới bây giờ, đã trải qua ba thế hệ mà hòn Nồm cũng chỉ có một gia đình họ Vương sinh cơ lập nghiệp, bởi thế hòn đảo nầy mới có biệt danh “Nhứt đảo, nhứt gia, ba thế hệ”. Nơi đây từng là đầu sóng ngọn gió, bao quanh lại có nhiều hòn lớn nhỏ nhấp nhô, là nơi nuôi dưỡng gia đình ông từ hơn nửa thế kỷ nay.

Năm tháng dần trôi, bác Sáu ngày ngày theo cha lên rừng chặt củi, xuống biển bắt ốc, cạy sò. Trong ký ức của bác, cuộc sống mấy năm đầu vô cùng cam go, vất vả. Hàng ngày mọi người vừa phải vật lộn với sóng gió, bệnh tật vừa lo cho cái ăn cái mặc, đến nỗi thân phụ bác phải lượm lá bàng phơi khô nấu nước uống thay trà. Khi cuộc sống tạm ổn định, mọi người mới dọn rừng cuốc rẫy, trồng khoai, trồng bắp.

Ban ngày bác làm vườn, đóng ghe xuồng, ban đêm đi câu mực, vài ba tuần mang sản vật vào đất liền bằng thuyền buồm để đổi lấy gạo muối và những thứ cần dùng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày càng có nhiều cánh buồm vượt sóng ra khơi, hòn Nồm bắt đầu có người qua lai, thuyền tàu chạy máy xuất hiện nhiều hơn.

Bác cho biết trước khi qua đời, thân phụ bác đã để lại một di ngôn “Họ Vương không nên rời bỏ hòn đảo nầy, con cháu hãy ra sức dựng xây đảo ngày càng trù phú”. Do đó khi cha qua đời, bác Sáu đã hết lòng trông coi, gìn giữ, khẩn khai và di thực thêm một số loài cây ăn quả từ đất liền ra trồng, nhưng nghề chủ yếu vẫn là đánh cá. Thời gian trôi nhanh, vợ chồng bác đã lần lượt cho ra đời thêm 9 “công dân”, để rồi họ lần lượt lấy vợ gả chồng, sinh con đẻ cháu.

Cũng từ lời trăn trối của cha, bác đã quyết bám đảo. Những người con của bác cũng canh cánh bên lòng, nhất định chọn hòn Nồm làm vùng “đất hứa” mà cô Vương Ngọc Thắm, người con gái đầu lòng, luôn tích cực động viên và hỗ trợ cho 5 người em gái quyết tâm thực hiện di ngôn của ông nội. Vẫn biết rằng đàn bà đi biển, giữa trùng khơi sóng gió, nguy hiểm lúc nào cũng rình rập nhưng bác Sáu vẫn lấy làm tự hào về những người con của mình, nhất là cô Thắm vừa khôn khéo bản lĩnh, vừa tài giỏi, siêng năng và đức độ không ai bằng.

Để có được cái ăn cái mặc, các cô phải chống chọi với biết bao khắc nghiệt, nắng cháy mưa ngàn, nước uống, bệnh tật và tăm tối, nhất là những ngày mưa to gió lớn, có khi năm, sáu ngày mới vào bờ một lần. Năm 1980 bác đã chuyển sang nghề lặn bắt sò điệp và ngọc nữ, vì đây là hai loại sò có giá trị kinh tế rất cao. Không may, đến năm 1987, trong lúc lặn ở độ sâu 20 mét, do sức ép của nước làm cho lòng ngưc bác bị tức, sau đó hai chân bị tê liệt, phải chữa trị cả năm mới hồi phục.

Trải qua hơn 50 năm lấy ghe làm nhà, chọn đảo làm quê hương, dòng họ Vương đã biến một hoang đảo trở thành nơi dừng chân lý tưởng của tàu thuyền và khách du lịch, đồng thời khoác lên mình hòn Nồm một dáng vẻ mới, nổi bật là khu vườn và ngôi nhà đầy ấn tượng giữa một ốc đảo bình yên, một tổ ấm mà càng về già bác Sáu càng cảm thấy mãn nguyện.  

Đến nay, hòn đảo hoang này đã có trên 25 thành viên sống quây quần bên nhau.

Hình như gia đình của bác Sáu đều có duyên nợ với biển. Trong số 9 người con đã có đến 7 người gắn chặt đời mình với biển. Mặc dù trong sâu thẳm, bác cũng hiểu thế nào là cuộc sống “mặt biển chân mây”, thế nào là “phá sơn lâm đâm hà bá”, một nghề “ráo mái chèo là khô túi”. Các con của bác cũng có một khoảng trời mơ ước về sự đổi đời, nhất là tương lai của con cái nhưng cuối cùng họ vẫn bám đảo. Đặc biệt sau 30/4/1975, từ quần đảo Nam Du, gia đình bác Sáu có rất nhiều cơ hội để vượt biên nhưng bác quyết ở lại.

Các con của bác người nào cũng tài giỏi, gan góc và lì lợm với gió núi mưa ngàn. Con trai con gái 12 tuổi đã biết chèo thuyền, vá lưới và làm quen với sóng gió. Đặc biệt là phụ nữ. Chưa có hình ảnh nào tuyệt vời bằng hình ảnh những cô gái tóc dài, khăn bịt mặt, ngồi lái tàu một cách tự tin hoặc nhảy xuống biển lặn một hơi dài rồi nổi lên như nàng tiên cá. Anh Tô Văn Vũ, rể của bác Sáu còn phải lên tiếng: Phụ nữ hòn Nồm ngoài biệt tài lặn hụp, đánh bắt còn có khả năng dự cảm thời tiết, có thể nhìn mặt biển, nhìn những rạn san hô hoặc nghe biển động mà đoán được “ý biển” và biết chỗ nào cá nhiều cá ít.

Trong đó, cô Ngọc Thắm được coi là “nữ tướng” về lặn sâu và là chuyên gia khai thác cá xanh xương mà báo chí thường ca ngợi là “nữ hoàng cá xanh xương”, hay “ sói biển” vì cô có kinh nghiệm bao lưới bắt cá xanh xương, một loài cá mỏ nhọn như cá lìm kìm, thân dài cả thước rất hung dữ. Người dân đảo thường có lời thề "cá xanh xương phóng lòi ruột” là do xuất phát từ loài cá hung dữ đó!

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất