| Hotline: 0983.970.780

Ba lễ Nô-en trong đời vị tướng anh hùng

Thứ Ba 24/12/2013 , 10:13 (GMT+7)

Hàng năm, cứ mỗi dịp Nô-en, Thiếu tướng - phi công Trần Việt lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về mối tình đầu trong những ngày bầu trời Hà Nội rực lửa.

Đúng vào ngày Chúa giáng sinh năm nay, 24/12/2013, tại Quân chủng Phòng không - Không quân diễn ra lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Thiếu tướng - phi công Trần Việt, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, người đã cùng Phạm Tuân bắn gục hai chiếc máy bay (trong đó có 1 B52) cuối cùng của Không lực Hoa Kỳ trên vùng trời miền Bắc.

Hàng năm, cứ mỗi dịp Nô-en, Trần Việt lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về mối tình đầu trong những ngày bầu trời Hà Nội rực lửa. Chả là, Trần Việt cùng người yêu đầu đời là nữ sinh Đại học Dược Nguyễn Việt Nga đã định ngày cưới vào đúng ngày 24/12/1972. Kế hoạch đã dự tính trước cả tháng trời, thiếp mời cũng đã gửi cho bạn bè, người thân.

Vậy mà, trong suốt đêm Nô-en năm ấy, Nguyễn Việt Nga đạp xe hàng trăm cây số, đi tới hết sân bay này đến sân bay khác, rồi lại tìm đến những nơi mà trước đây hai người hẹn hò, đều không thấy bóng dáng người yêu; cũng không một dòng, một lời nhắn nhủ, gọi điện, hỏi thăm bạn bè, đồng ngũ, đều không có kết quả gì. Buồn bã, lo lắng, thất vọng, cô nữ sinh vừa tốt nghiệp ĐH Dược đành phải lóc cóc đạp xe từ Hà Nội lên Thái Nguyên nhận công tác…

Có thể nói rằng, số phận đã bắt Trần Việt phải sống một cuộc đời tự lập từ năm lên 9 tuổi. Đó là năm 1955, vào một đêm trời tối như mực, một cơ sở cách mạng đã bí mật đưa Trần Việt ra cảng Quy Nhơn, lên tàu tập kết ra Bắc. Quê nội ở Huế, nhưng Trần Việt sinh ra và lớn lên ở đất võ Bình Định. Cha tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Để tránh lộ bí mật, hai cha con phải đi từng đợt cách xa nhau để tránh con mắt theo dõi của bọn tề ngụy.


Tướng Trần Việt (ngoài cùng bên phải) dẫn Trimble thăm Bảo tàng Không quân 
Việt Nam

Tuy rằng cùng sống trên đất Bắc, nhưng hai cha con năm thì mười họa mới được gặp nhau một lần, phần vì hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, mặt khác, cha thì công tác tại Hà Tĩnh, còn Trần Việt thì theo những lớp học sinh miền Nam di chuyển đi khắp các tỉnh thành phía Bắc để tránh bom đạn, lúc thì Nam Định, Hà Đông, lúc thì Hà Nội, Thái Nguyên, cho đến khi Trần Việt trúng tuyển lớp phi công đầu tiên học lái Mig-21 bên Nga, tốt nghiệp về nước đúng vào giai đoạn giặc Mỹ đánh phá miền Bắc vô cùng ác liệt cho nên cha con vẫn biền biệt xa cách…

Trở lại “Đám cưới hụt” trong lễ Nô-en 1972, người cha của Trần Việt nhận được tin con trai tổ chức lễ cưới vào ngày 24/12/1972, mặc dù lúc đó, không khí chiến tranh bao trùm cả miền Bắc, bom đạn gầm thét suốt ngày, song vì thương đứa con trai thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ cha từ nhỏ, nên ông đã cố gắng thu xếp công việc, xin cấp trên nghỉ phép được 2 ngày rồi tất bật từ Hà Tĩnh ra Hà Nội vào đúng ngày lễ Nô-en. Quà cưới cho con là mấy bao thuốc lá, vài gói kẹo. Song suốt cả ngày, đêm hôm 24, cả ông lẫn con dâu tương lai tìm kiếm khắp nơi mà không hề thấy tăm tích của Trần Việt; cả hai đều vô cùng lo lắng.

Trong thời khắc khốc liệt ấy, bầu trời miền Bắc, nhất là ở Thủ đô, như bị xé nát bởi hàng trăm máy bay địch quần thảo hàng ngày, cái chết có thể diễn ra trong tích tắc. Tại nhà ăn của phi công, cứ mỗi lần các chiến sĩ ta xuất kích, các chị cấp dưỡng lại thấp thỏm, lo âu, và rồi, họ lặng lẽ ôm nhau khóc, không bưng nổi bát cơm khi thấy thiếu ai đó trong những người trở về…

Trước lúc chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra, các phi công của ta đã nhận được lệnh túc trực 24/24, cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, sẵn sàng xuất kích bất cứ lúc nào để nghênh chiến với B52. Trần Việt được lệnh ém quân tại sân bay Miếu Môn (đường băng bằng đất nện).

Mấy tháng trước, Trần Việt luôn được phân công bay cùng phi công đàn anh, cũng là người bạn rất thân thiết là Đặng Ngọc Ngự (người vinh dự được phong Anh hùng LLVTND ngay sau 12 ngày đêm lịch sử vì đã có công bắn rơi 7 máy bay các loại của Mỹ). Trong một trận không kích, Đặng Ngọc Ngự đã anh dũng hy sinh. Đêm đó, trung úy phi công Trần Việt đã ghi vào cuốn nhật ký của mình: “Anh Ngự không về nữa. Mình phải đánh thật mãnh liệt, phải quyết tâm bắn rơi tại chỗ 3 chiếc F4 để trả thù cho đồng chí thân yêu! Nga ơi, anh nhớ em nhiều…”. Và, Trần Việt đã thực hiện được lời hứa của mình trước vong linh của đồng đội. Chiếc F4 (con ma) đầu tiên bị Trần Việt hạ gục vào ngày 8/7/1972.

Hơn 2 tháng sau, Trần Việt lại xuất kích và bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F4 nữa, đó cũng là chiếc máy bay thứ 300 của Mỹ bị phi công ta bắn rơi. Và ngày 27/12/1972, trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, Trần Việt đã thực hiện được lời hứa với người anh Đặng Ngọc Ngự. Đây là trận đánh của sự thông minh, tinh nhanh và lòng quả cảm.

Khi được lệnh xuất kích, lúc đó, Trần Việt chỉ có một mình với chiếc Mig-21 với 2 quả tên lửa. Vậy nhưng khi vừa cất cánh, chiếc Mig của Trần Việt đã bị 4 chiếc F4 với tổng cộng 24 quả tên lửa bủa vây. (Xin nói thêm rằng, mỗi kíp bay của ta thông thường chỉ có 2 máy bay, mỗi chiếc Mig-21 chỉ đem theo được 2 quả tên lửa, trong khi phía Mỹ, mỗi kíp bay ít nhất cũng 4 chiếc mỗi chiếc 2 phi công, có khi lên tới cả chục chiếc).

Trong thế trận bất lợi đó, Trần Việt vẫn không hề nao núng. Lợi dụng tốc độ bay, Trần Việt tăng tốc lên 1.100 km/h, cắt được 2 “cái đuôi”, nhưng còn 2 chiếc F4 vẫn bám riết và đan chéo nhau hòng làm cho Trần Việt mất phương hướng. Lúc này, sở chỉ huy thấy tình thế khá hiểm nghèo nên lệnh cho trần Việt thoát ly, tìm cách hạ cánh an toàn, song, Trần Việt vẫn xin cho đánh. Sở chỉ huy chấp thuận.

Đang bay ở tốc độ trên 1.000 km/h, Trần Việt bỗng làm động tác vòng gấp luồn dưới thấp giảm tốc độ còn 800 km/h khiến cho 2 chiếc F4 rơi vào thế thụ động. Chiếc F4 liền bổ xuống với ý định đuổi theo, nhưng đã rơi vào kính ngắm của Trần Việt, anh lại bất ngờ tăng tốc trên 1.000 km/h đến cự ly khoảng 1.500 m, chiếc F4 do bị bất ngờ về tốc độ nên đã nằm gọn trong tầm bắn, Trần Việt nhanh tay ấn nút quả tên lửa bên trái, trước khi thoát ly, Trần Việt còn nhìn rõ chiếc F4 khựng lại, gãy làm đôi rồi bốc cháy.

Sau này, Trần Việt được biết 2 viên phi công trong chiếc F4 ấy đã nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Đó cũng là chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ bị không quân ta bắn rơi vào ban ngày. Đêm đó, Phạm Tuân bắn rơi 1 B52. Đúng 10 ngày sau, “đám cưới hụt” đã được tổ chức lại đơn sơ, nhưng đầy ắp tiếng cười.

Tròn 40 năm sau, trước lễ Nô-en, Trần Việt bỗng nhận được tin có một trung tá phi công Mỹ rất muốn tìm gặp lại người đã bắn rơi ông ta. Theo tài liệu từ cả hai phía thì chiếc F4 bị Trần Việt bắn rơi tại chỗ vào ngày 27/12/1972 do thiếu tá Carl H. Jeffoat và trung úy Jack.R.Trimble điều khiển. Thiếu tá Carl sau này được phong hàm đại tá và đã qua đời, còn Trimble (kém Trần Việt 1 tuổi, sinh 1947) sau được phong hàm trung tá.


Tướng Trần Việt gặp Trimble vào năm 2012

40 năm qua, trung tá Trimble luôn ao ước được gặp lại phi công Việt Nam đã bắn rơi mình, vì theo ông ta, “để chuyển lời cảm ơn của người mẹ đã 94 tuổi gửi tới Trần Việt vì đã bắn rất giỏi, máy bay thì tan xác mà con trai bà thì vẫn sống sót để trở về với mẹ”.

Được sự nhất trí của Quân chủng, thiếu tướng Trần Việt và trung tá Trimble đã gặp lại nhau trên mặt đất sau tròn 40 năm. Cuộc gặp gỡ lý thú này diễn ra vào đúng ngày 24/12/2012.

Sau khi đã trò chuyện cởi mở, Trần Việt đã dẫn Trimble đi thăm Bảo tàng Không quân Việt Nam và hai người đã chụp ảnh lưu niệm bên chiếc Mig-21 đã từng bắn rơi chiếc F4 của Trimble 40 năm trước.

Giờ đây Trần Việt và Việt Nga vẫn sống bên nhau êm đềm, hạnh phúc. Mặc dù sắp bước vào tuổi “cổ lai hy”, nhưng chiều chiều, bất kể thời tiết nào (trừ mưa), “lão tướng” Trần Việt vẫn chơi vài séc tenis và khoản “tửu” thì thanh niên theo ông còn mệt.

Hạnh phúc hơn, đúng vào lễ Nô-en 2013, thiếu tướng Trần Việt được trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm