| Hotline: 0983.970.780

Ba loại vật nuôi thế mạnh trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi ở Bình Định

Thứ Hai 06/07/2020 , 15:36 (GMT+7)

Trong công cuộc tái cơ cấu ngành chăn nuôi, bò thịt chất lượng cao, heo và gà thả đồi là 3 loài vật nuôi thế mạnh được Bình Định chọn để phát triển.

3 thế mạnh trong chăn nuôi

Không phải ngẫu nhiên mà Bình Định chọn 3 loại vật nuôi là bò, heo và gà làm 3 đối tượng phát triển trong công cuộc tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Sở dĩ Bình Định chọn 3 loại vật nuôi nói trên là bởi, đó là 3 thế mạnh trong ngành chăn nuôi của tỉnh này.

Đối với con bò, cách đây nhiều năm Bình Định đã “phủ sóng” việc lai hóa để nâng cao chất lượng; đây là nền tảng để tỉnh này phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, tiến tới xây dựng thương hiệu “Bò Bình Định”.

Phát triển đàn gà ta thả đồi thì Bình Định chủ động được con giống dựa vào 2 Công ty Giống gia cầm nổi tiếng cả nước là Minh Dư và Cao Khanh. Về con heo thì Bình Định có huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là vựa heo lớn nhất miền Trung, đang phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

“Dựa vào 3 thế mạnh nói trên, Bình Định chọn 3 loại vật nuôi là bò, gà ta và heo để phát triển theo hướng liên kết trong công cuộc tái cơ cấu ngành chăn nuôi”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Bình Định, khẳng định.

Người chăn nuôi Bình Định đang rất thích giống bò BBB, giống bò chất lượng cao nuôi thịt rất hiệu quả. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người chăn nuôi Bình Định đang rất thích giống bò BBB, giống bò chất lượng cao nuôi thịt rất hiệu quả. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Hùng, hiện tổng đàn bò trên địa bàn Bình Định có 291.000 con, tỷ lệ bò lai đạt 83%, tổng sản lượng thịt xuất chuồng khoảng 31.637 tấn. Trước đây, đàn bò ở Bình Định chiếm phần nhiều là bò cỏ, giống bò địa phương rất “nhỏ con”, ít thịt.

Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực phát triển đàn bò thịt chất lượng cao. Đến nay, Bình Định đã đưa các giống bò chất lượng cao Red Angus, Blanc Bleu Belge vào để lai tạo trên nền bò cái lai F2 Zebu tại địa phương, tạo ra bê lai chất lượng cao để nuôi thịt.

“Phong trào nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ tại Bình Định hiện đang phát triển rất mạnh. Những năm trước, mỗi năm ngành chức năng chỉ thụ tinh nhân tạo từ 72.000 – 73.000 con là đã đủ cung ứng cho hộ chăn nuôi, nhưng trong năm 2019, số lượng bò thụ tinh tăng đến hơn 80.000 con nhưng vẫn không đủ cung cấp.

Điều này chứng tỏ người dân đang đẩy mạnh nuôi bò chất lượng cao. Đây là 1 trong những lợi thế để Bình Định thực hiện công cuộc tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững”, ông Hùng khẳng định.

Phát triển mạnh đàn gia cầm bản địa cũng là thế mạnh của ngành chăn nuôi Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Phát triển mạnh đàn gia cầm bản địa cũng là thế mạnh của ngành chăn nuôi Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đối với nghề nuôi gà ta thả đồi, thả vườn, Bình Định cũng có lợi thế không kém. Bởi trên địa bàn tỉnh này có 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất các giống gà ta chất lượng cao không chỉ được người chăn nuôi trong nước tin dùng mà còn được tiêu thụ mạnh tại các nước trong khu vực.

Hiện Công ty TNHH Giống gia cầm MinhDư đóng trên địa bàn huyện Tuy Phước có đàn gà giống bố mẹ trên 300.000 con, mỗi tháng cung ứng ra thị trường gần 3 triệu gà giống. Còn Cty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đóng trên địa bàn huyện Phù Cát thì mỗi năm sản xuất, cung ứng ra thị trường từ 25 - 30 triệu con gà giống 1 ngày tuổi.

Thêm vào đó, Bình Định có 3 huyện miền núi là Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh và 2 huyện trung du là Tây Sơn và Hoài Ân có diện tích đất gò đồi rất nhiều, phù hợp để phát triển nuôi gà ta thả đồi.

Về con heo thì Bình Định có “thủ phủ heo Hoài Ân”, địa phương luôn có đàn heo ổn định trên 300.000 con. Trong đó, có 4 trang trại chăn nuôi heo công nghiệp công nghệ cao, 62 trang trại chăn nuôi heo có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 1.926 gia trại và trên 8.000 hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ.

Sau thời gian dịch tả heo châu Phi hoành hành, địa phương này đang hướng người chăn nuôi tiến tới nuôi heo an toàn sinh học. Đặc biệt, heo nuôi ở Hoài Ân có chất lượng ngon nên được tiêu thụ mạnh tại thị trường các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Mỗi năm Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cung ứng ra thị trường từ 25 - 30 triệu con gà ta giống 1 ngày tuổi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mỗi năm Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cung ứng ra thị trường từ 25 - 30 triệu con gà ta giống 1 ngày tuổi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

 

Xây dựng các chuỗi liên kết

Trong những năm gần đây, Bình Định phát triển mạnh chăn nuôi, tập trung vào 3 loại vật nuôi là bò, gà, heo. Ngành chăn nuôi đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập cho người dân các vùng nông thôn ở Bình Định.

Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi hầu hết là nhỏ lẻ, manh mún, nên đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Khó kiểm soát dịch bệnh; gây ô nhiễm môi trường do nước thải chăn nuôi; giữa người chăn nuôi và các doanh nghiệp không có sự liên kết nên đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Đó là những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi ở Bình Định phát triển chưa bền vững.

Để khắc phục những nhược điểm trên, trong công cuộc tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bình Định quyết tâm thực hiện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025 và đề án chăn nuôi gà đồi tại các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh và huyện trung du Hoài Ân giai đoạn 2021 – 2025 đang được ngành chức năng thực hiện quyết liệt.

“Định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới là theo hướng liên kết. Từ con bò, con gà đến con heo phải xây dựng cho được các chuỗi liên kết từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Có như thế ngành chăn nuôi mới đạt được mục tiêu phát triển theo hướng bền vững”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Bình Định, cho hay.

Người nuôi heo ở Bình Định đang đi theo chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người nuôi heo ở Bình Định đang đi theo chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để đảm bảo đến năm 2025 đàn bò trên địa bàn Bình Định đạt được 400.000 con được nuôi theo hướng thâm canh, heo đạt được 1,2 triệu con được nuôi theo hướng an toàn sinh học và tăng trưởng mạnh đàn gà ta được nuôi theo hình thức thả vườn, thả đồi nhằm làm tăng giá trị sản phẩm, trong những năm qua ngành nông nghiệp Bình Định và chính quyền các địa phương đã thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và chăn nuôi gà lông màu tại TX An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát…

Bên cạnh đó ngành chức năng còn hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, thiết bị cho người chăn nuôi để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Hình thành chợ mua bán bò tại TX An Nhơn và huyện Tuy Phước để giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi.

Hỗ trợ Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đầu tư mở rộng cơ sở chăn nuôi gà giống lông màu và xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến; vận động người dân đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng chất lượng, hiệu quả đầu tư.

Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư mỗi tháng cung ứng ra thị trường gần 3 triệu gà ta giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư mỗi tháng cung ứng ra thị trường gần 3 triệu gà ta giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Riêng tại “vựa heo Hoài Ân”, ngành nông nghiệp Bình Định hỗ trợ địa phương thực hiện hiệu quả vùng chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hoài Ân, xác định chăn nuôi heo thịt là ngành nghề chính thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển; chính quyền huyện này cùng ngành chức năng đã vận động 29.000 doanh nghiệp, chủ trang trại, gia trại cùng tham gia vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ tạo động lực cho người dân thực hiện phương án sản xuất chăn nuôi.

“Bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chúng tôi đang xúc tiến thành lập Trung tâm mua bán heo, HTX sản xuất và tiêu thụ heo hơi. Đồng thời, trong những năm qua chính quyền và ngành chức năng huyện đã phối hợp tốt với TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế để thực hiện việc giải quyết đầu ra sản phẩm chăn nuôi cho người dân địa phương”, ông Khúc cho hay.

“Theo định hướng, từ nay đến năm 2025 Bình Định sẽ xuất bán 100 triệu con gà ta thả đồi, bình quân mỗi năm xuất bán 20 triệu con. Về bò thịt chất lượng cao sẽ đi theo hướng nuôi thâm canh, tăng quy mô trang trại, thực hiện liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, mục tiêu đến năm 2015 đạt tổng đàn 400.000 con. Chăn nuôi heo sẽ được sắp xếp lại, giảm nuôi nông hộ, tăng quy mô trang trại, gia trại; phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn heo sẽ đạt 1,2 triệu con chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Bình Định.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.