| Hotline: 0983.970.780

Ba má đối xử bất công

Thứ Ba 06/04/2010 , 11:01 (GMT+7)

Thế nhưng em vẫn thấy ấm ức vì má em luôn luôn không bằng lòng chúng em hết chuyện này đến chuyện khác. Bà quan niệm em giàu mà không giúp em trai để nó phải vay vốn ngân hàng để làm ăn, không cho em gái tiền mua nhà mua đất...

Chị Dạ Hương quý mến!

Theo chuyên mục của chị đã lâu, em thấy không ai có tâm sự giống mình cả. Hôm nay em mạo muội viết thư này tâm sự với chị, mong chị chiếu cố giúp.

Em năm nay đã 50 tuổi, hai đứa con đều đã xây dựng gia đình. Vợ chồng em là doanh nghiệp, lớn thuyền lớn sóng, nhìn thì tưởng giàu trên thiên hạ nhưng mấy ai hiểu được nỗi lo của chúng em. Thôi thì có sức làm có sức lo, em không định nhờ chị an ủi đâu. Ba má ruột của em có cả thảy 3 người con, hai gái một trai, cả 3 đều có ăn có để cả, dưới em là em trai còn út là một em gái cũng đã 45 tuổi.

Thưa chị, em là con cả, em biết dù là gái đi nữa thì em cũng phải có trách nhiệm nặng nề trong việc phụng dưỡng ba má. Thông thường là vậy. Ba em năm nay đã 79, má 75, sắp phải mừng thượng thọ cả rồi. Người ta nói tuổi thọ của cha mẹ là phúc đức của đứa con nhưng từ lâu em chưa thấy phúc đức đâu mà chỉ thấy toàn hục hặc. Ba má em đều là những người có tham gia kháng chiến, lương hưu không đến nỗi nào. Chỉ có vợ chồng em là nhảy ra khỏi guồng máy sớm nên luôn luôn lo phòng bị về già mình sẽ sống như thế nào.

Chúng em có nhà riêng, có nhà ở thị xã cho thuê nhưng thu nhập hạn hẹp đi trông thấy từ khi bị khủng hoảng chung. Ngoài nghĩa vụ với hai đứa con ăn học, dựng vợ gả chồng và tiếp giúp chúng lo cho tương lai học hành của cháu, từ lâu chúng em đã mua nhà cho ba má ở và có hẳn cho ông bà một căn nhà cho thuê phụ với tiền hưu để ông bà thong dong tiêu xài và thuê người giúp việc.

Chuyện vậy thì đã vậy, ba má nuôi con không kể, con chăm nom ba má cũng không nên kể. Thế nhưng em vẫn thấy ấm ức vì má em luôn luôn không bằng lòng chúng em hết chuyện này đến chuyện khác. Bà quan niệm em giàu mà không giúp em trai để nó phải vay vốn ngân hàng để làm ăn, không cho em gái tiền mua nhà mua đất để nó cũng giàu sang như chị. Em nghĩ, chị em mỗi người một phận, em lo cho ba má thì chúng nó khỏi, tại sao cứ lấy chuyện em không cho chúng tiền để làm điều với em hoài vậy?

Mới đây, em và ba má trục trặc nặng hơn khi đứa em trai đòi bán nhà đang ở để lấy vốn làm ăn và chúng sẽ dọn về ở với ba má trong căn nhà em mua cho ông bà. Sao lại có chuyện như vậy? Sao chúng nó không nghĩ an cư mới lạc nghiệp, nhà đang ở mà bán đi thì rồi sẽ ra đường à? Má em lại nghe theo phương án này, trách sao em gây khó với em trai mình? Không ai nghĩ chồng em nghĩ gì, luôn đòi hỏi ở chúng em nghĩa vụ khi cần tiền, còn tình thương thì ông bà dành cho hai đứa kia.

Em rất khó nghĩ. Cũng đã đến lúc thu xếp cho ba má ở chung với một đứa con để sớm hôm có người xử lý khi ốm đau. Nhưng như vậy thì vợ chồng đứa em trai cũng phải dọn đến với ông bà trong căn nhà em mua đó, như vậy cũng có nghĩa là căn nhà của ba má cho chúng nó sẽ dư ra và vẫn có thể cầm cố ở ngân hàng để làm ăn. Chuyện nhỏ mà thành to, chị có kinh nghiệm ứng xử, chị cho em lời khuyên với.

Em xin được không công bố e-mail nha chị

Em thân mến!

Văn hóa của người Việt mình khác với văn hóa của phương Tây ở chỗ gia tộc là tế bào của làng xã và từ làng xã mà thành sức mạnh của dân tộc, quốc gia. Cuộc sống lúa nước và chiến tranh đã làm cho từng gia tộc có sự gắn kết dai dẳng và kỳ lạ. Từ đó, dù có đang thế kỷ 21 thì vẫn cứ là cúng giỗ, con trai nối dõi tông đường và anh chị trưởng vẫn cứ bị đòi hỏi trách móc nhiều hơn. Điều đó đã thành tâm lý, tập quán, thói quen và áp lực. Chị cũng thân dâu trưởng, chị cũng có một ông anh ôm bàn thờ gia tiên, chị thông cảm và thấu hiểu cho em.

Má chị đã qui tiên nhưng lúc sinh thời bà rất hay trục trặc với chị cả của bên chị. Chị ấy với má cách nhau một quãng tuổi ngắn, hai tuổi cầm tinh lại khắc nên thôi rồi, chuyện gì cũng hục hặc như chị em với nhau chứ không là má con nữa. Nếu đứa con giỏi giang, học thức và trí tuệ hơn mẹ thì cầm chắc, càng lớn tuổi người đó càng ít kềm chế với má của mình. Vì sao? Vì người đó thành đạt, người đó cũng đã có gia tộc của mình, người đó đứng đầu một nhánh, người đó có dâu có rể có cháu nội cháu ngoại.

Nhưng mà bà mẹ của người con đó không thấy như vậy, vẫn nhìn con bằng con mắt xưa kia, ý kiến, góp ý, chê trách, thậm chí sỉ vả. Em có tiền, nghĩa là em có quyền, em không chịu lép, em phản ứng , thế là sự xung khắc tự nhiên đã bùng nổ hơn, bên này cao giọng vì ức thì bên kia lại càng chê trách dữ vì đáng ra “mày phải thế này thế nọ, mày là anh chị, chúng mày giàu có kia mà!”.

Thôi thì ba má đã gần đất xa trời. Em phụng dưỡng vì em có điều kiện hơn và cũng ý thức mạnh hơn. Vả lại, hãy quan niệm như người phương Đông, làm phúc đức là làm cho mình và cho con cháu của mình. Phật dạy: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”. Em đã gánh quen, giờ hãy nghĩ rằng “một câu nhịn chín câu lành”, má mình chứ người dưng đâu mà tức? Riêng chuyện cái nhà của đứa em trai đang ở, nếu đó là nhà ba má cho thì là nhà kỷ niệm, nhà chung của ba chị em của em, nó không được cầm không được bán, cho đến khi nào ba má qui tiên và có di chúc. Đó là nguyên tắc, là đạo lý của thừa kế.

Thời buổi khó khăn hỗn loạn, làm ăn không suôn sẻ thì sao, vợ chồng chúng nó yên ổn hay trục trặc, lúc ấy thì sao? Làm gì cũng phải nghĩ đến một chỗ lui khi hữu sự khi khốn khó, theo chị, cứ nguyên tắc ấy mà phán. Nếu ba má cần ở với một đứa con sao không về với con trai, trong ngôi nhà của mình và em sẽ cho thuê căn nhà ba má từng ở, tiền đó em góp với em trai để phụng dưỡng ông bà. Có tiền đã khó, biết xử mới khó hơn. Rồi ba má sẽ nối nhau lên bàn thờ, lúc ấy muốn báo hiếu nhiều nữa cũng không thể. Khoan và nhặt, lý và tình, em hãy làm cho ba má vui và các em nó phục, nha.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm