| Hotline: 0983.970.780

Bà mẹ 99 tuổi của 19 người con

Thứ Tư 24/05/2023 , 10:07 (GMT+7)

Sáng đó tôi được chứng kiến người con thứ 19 trở về nhà như thường lệ vào cuối tuần để rồi ôm chầm lấy bà mẹ 99 tuổi của mình mà hít hà mùi hương…

Đến giờ cưới chồng vẫn còn bơi ngửa ở ngoài ao

Còn bà Vũ Thị Nhuận, người mẹ 99 tuổi ấy thì cười, tếu táo: “Con An (Trịnh Thị An) nó còn thèm bú tôi không à. Tối thứ bảy nào cũng về bú một miếng, sáng chủ nhật bú một miếng rồi mới đi”. Ngôi nhà chẳng mấy chốc trở nên chật tiếng cười, tiếng nói của hai mẹ con.

Chị An tâm sự: “Lúc tôi đã thành mẹ và dành tất cả tình cảm cho các con của mình mới thấy biết ơn vì vẫn còn có mẹ trên ở đời này. Lúc nào tôi cũng nghĩ về mẹ. Từ lúc lấy chồng đến giờ đã mấy chục năm rồi trừ khi đi ra khỏi đất nước, chưa có ngày chủ nhật nào mà tôi không về với mẹ, ngủ cùng mẹ để ôm, để ngửi mùi của mẹ (Từ nhà chị An ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng về đến nhà mẹ đẻ ở thôn Nam Hiệp, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng khoảng chừng 30 phút chạy xe- PV). Người ta có thể mua được tất cả mọi thứ trừ người cha và người mẹ”.

Chị An cuối tuần nào cũng về để ngủ với mẹ một tối và ôm mẹ như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Chị An cuối tuần nào cũng về để ngủ với mẹ một tối và ôm mẹ như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Chị An là con út của bà, giấy khai sinh ghi năm 1976 nhưng cũng không chắc là năm nào bởi mẹ mình thường đẻ một chùm 2-3 đứa rồi mới dắt đi làm khai sinh. Một vài lần chị có hỏi: “Mẹ ơi, con đẻ ngày nào, tháng nào, năm nào?”. Bà trả lời: “Tao đẻ mày chung ngày với cái bà ở trên xóm”. Mà bà ở trên xóm ấy giờ bán nhà đi đâu chị cũng không biết nữa. Khi tôi hỏi tuổi chị An, bà khẳng định mình đẻ người con út trước ngày đất nước được giải phóng...

Ở tuổi 99 nhưng bà vẫn rất minh mẫn, mắt tinh, tai thính, tự tay nấu nướng, tưới cây trong vườn, cho cá ăn trong hồ, đếm được bao nhiêu đứa cháu, cho mỗi đứa một chỉ vàng, ai cũng như ai. Nhà chị An có 5 đứa con được bà cho 5 chỉ vàng, không biết để dành từ đời nào.

Bà kể, cả hai vợ chồng mình đều gốc gác Bùi Chu (tỉnh Nam Định), di cư vào Nam năm 1954. Trước đó, khi hãy còn ở quê, do có ông nội làm quan to, bà cũng được cho đi học, có lính tuần đi theo để bảo vệ hẳn hoi nhưng đến trường bà chẳng thích học mà toàn bỏ đi chơi, hết giờ lại về. Gia đình chồng bà cũng là một nhà có quyền thế. Nói chung đó là một đám cưới vô cùng môn đăng hộ đối.

Năm bà mới 14 tuổi bố mẹ đã nhận sính lễ của nhà người ta, chồng bà khi ấy mới 17 tuổi. 11 giờ trưa đón dâu bà còn đang tắm truồng, bơi ngửa ở dưới ao với đám bạn cả trai lẫn gái thì thấy đám lính tuần gánh ba bốn gánh lễ vào nhà mình. Họ bảo với mẹ bà ra mà xem cô dâu vẫn còn đang bơi ngửa ở ngoài ao kia kìa.

Đại gia đình bà chụp ảnh kỷ niệm năm 2013. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đại gia đình bà chụp ảnh kỷ niệm năm 2013. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bà cười: “Lúc đám cưới tôi có biết gì đâu, bắt tôi đi, tôi mới bảo với mẹ rằng: “Mẹ lấy nó đi, con không lấy nó đâu”. Mẹ tôi dỗ dành: “Về đây mẹ lấy thức ăn cho con ăn, rồi lấy quần áo đẹp cho con đi với thầy (bố), với các bác, các anh, các chị vui lắm”. Trẻ con mà, nghe đến chuyện được ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi bà chịu liền.

Cưới xong nhưng vợ đi đằng vợ, chồng đi đằng chồng. Nhà có tới 5 người ở trong đó 3 gái, 2 trai, bà ngủ toàn chọn ngủ với 3 đứa ở gái tại cái ổ rơm lớn, còn chồng thì tối ngày đi chơi đàn, hát vùng với bạn bè. Ba bốn tháng trời như vậy, bị người ta chế nhạo rằng mày cưới vợ mà để không như thế nên ông về mách mẹ. Bố mẹ chồng của bà biết được tình cảnh đó mới bắt mấy đứa ở khiêng chiếc giường của mình tới cửa buồng rồi canh con dâu, bắt phải vào ngủ với chồng.

Trong buồng có cái hòm gian rất lớn, to bằng nửa cái gian nhà, vợ vào trước thì trèo lên cái hòm đó, ôm chăn mà ngủ còn chồng nằm ở dưới giường, nếu chồng vào trước thì cũng tự động trèo lên cái hòm đó, ôm chăn mà ngủ. Về sau bố mẹ chồng cứ nhốt miết như thế thì vợ chồng mới chịu ngủ với nhau rồi bà sinh con đầu năm 17 tuổi.

Bà Nhuận: 'Lúc đám cưới tôi có biết gì đâu, bắt tôi đi, tôi mới bảo với mẹ rằng: 'Mẹ lấy nó đi, con không lấy nó đâu'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Nhuận: "Lúc đám cưới tôi có biết gì đâu, bắt tôi đi, tôi mới bảo với mẹ rằng: “Mẹ lấy nó đi, con không lấy nó đâu”. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đi buôn rau bằng ô tô Land Rover

Năm 1954 vợ chồng bà di cư vào Nam, ở một nơi ti vi không có, đèn điện không có, điện thoại không có. “Chúa sinh voi, Chúa sinh cỏ”, bà quan niệm như thế khi đẻ 19 lần thì 4 lần hư, còn nuôi được 15 người gồm 7 con trai, 8 con gái. Những năm 60 của thế kỷ trước, đất đai ở đây hoang vắng lắm. Cả vùng chỉ có vài ba ngôi nhà lơ thơ giữa rừng già bao bọc, tối đi ngủ ông bà phải đốt một đống củi ở giữa nhà cho cọp khỏi vào. Cọp về, nằm ngoài hiên kêu “bép bép” thì cả gia đình phải gõ thùng thiếc cho động để nó bỏ đi. Bà nuôi con gà, con ngỗng nào cũng bị cọp bắt đi hết.

Nhà đông con, ông bà treo một cái mâm xe ô tô trên cây nhãn để làm kẻng. Mỗi lần ăn cơm, họ gõ “toong toong toong” ba tiếng, đứa nào không về kịp thì đói ráng chịu. Cái nồi mười còn đang bốc khói mà hầu như không thấy cơm đâu chỉ toàn thấy ngô. Ăn cơm xong đàn con túa ra tìm chỗ ngủ, lắm đứa chui vào đống rơm, có khi ngủ dậy sờ trên đầu có cả ổ trứng vì tranh chỗ đẻ của gà. Là con út, mẹ lâu lâu thương tình giấu cho chị An một bát cơm. Nhiều bữa bà quên thì đói quá chị lại ra vườn ăn một bụng cà chua rồi nằm ngủ luôn ngoài đó.

Khi một đứa con có tội là bà lôi hết một bầy ra đánh bởi vì lỗi không quản lý, bảo ban được nhau. Bởi vậy mỗi lần có lỗi đứa nào cũng lấm la, lấm lét. Mấy ông anh lớn của chị An lúc đó khôn hơn nên biết cắt cái lốp xe cũ, đút vào mông để khi mẹ đánh khỏi bị đau. Bà bảo: “Kể cả những đứa đã lấy vợ rồi mà láo là tôi vẫn đánh tuốt”.

Bà Nhuận chăm sóc khu vườn trong khuôn viên nhà mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Nhuận chăm sóc khu vườn trong khuôn viên nhà mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà chật nên phải trải chiếu nằm ở dưới nền. Cả gia đình có một cái đèn dầu, tối tối bầy con xúm lại học. Đứa nào học thuộc bài thì được bố dẫn vào phòng kể chuyện. Những chuyện của ông có khi vài ba tháng cũng không kể hết. Thỉnh thoảng ông lại lôi vài đứa con đi dạy bơi bằng cách cho chuồn chuồn cắn rốn, ôm cây chuối rồi kéo ra ngoài đập, để cho chúng vừa uống no nước vừa bơi vào.

60 con lợn được nuôi để lấy tiền cho các con ăn học. Buổi sáng đi học, buổi chiều chúng về có thêm nhiệm vụ nấu cám lợn. Ông làm nông đồng thời có thêm nghề bán thuốc rê, còn bà thì đi buôn rau tối ngày, đám con gửi cho các sơ trông giúp. Tích lũy được ít vốn họ sắm một chiếc xe ô tô Land Rover của Anh đi Nha Trang, đi chợ Đầm, đi Bãi Giếng, đi Xuân Ninh…Chồng lái, vợ làm lơ, đằng sau chở cả khách lẫn rau, đụng cái gì chở cái đó, đụng cái gì buôn cái đó. Làm ăn khấm khá, ông bà còn mua được cả chiếc xe tải 11 tấn để chuyên chở hàng. “Sữa Mỹ hồi đó làm gì cho hết? Cứ ba ngày tôi đưa về nhà một thùng sữa, một thùng trái cây hay một thùng thịt cho các con”.

Trước giải phóng, giữa hai lằn ranh cộng sản và quốc gia đang giao tranh ác liệt, nhà bà vo gạo phải thật khẽ nhưng khoai cho vào rổ thì phải xóc mạnh cho kêu lột xột để người ngoài nghe, tưởng lầm là toàn ăn khoai. Nấu cơm phải đào lỗ, vùi cái nồi xuống dưới đống tro để mùi không tỏa ra. Còn đang ăn mà thấy người lạ đến phải giấu luôn đĩa thịt gà hay đĩa cá xuống dưới chiếu.

Bà Nhuận đang vào mạng facebook. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Nhuận đang vào mạng facebook. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con dâu đẻ vác về cho mẹ chồng nuôi để đi làm nên cháu bú bà cũng là chuyện thường. Giờ đây con, cháu, chắt, chút, dâu, rể của ông bà đã hơn 100 người. Đại gia đình họp mặt lúc nào cũng ồn ào, huyên náo và rất vui. Vào dịp cuối năm bà mổ 1 con bò, 2 con lợn nhưng bữa sau chỉ còn mỗi bộ xương. Còn mổ 20 con gà chỉ một loáng là ăn sạch sẽ.

Chị An kể, năm bố mình 91 tuổi đã chết lâm sàng, cha xứ đến xức dầu, làm lễ, đọc kinh rồi nhưng chẳng biết có phải do sự nguyện cầu thành kính của con mà như có phép lạ ông giật dây truyền nước ra, đòi ăn và sống thêm được 3 năm nữa: “Cái sống và cái chết giống như một cái cây mọc lên, trưởng thành và mất đi mà thôi. Muốn có tiền thì phải đi làm, muốn có sức khỏe thì phải đi tập, muốn an trong tâm thì phải cầu nguyện”.

Còn bà thì nói hài hước rằng: “Tôi đã đăng ký vé máy bay rồi, được thẩm vấn rồi nhưng chưa cất cánh được vì Chúa chưa gọi đi. Chúa mà gọi, tôi dạ con đây, đi theo luôn với hai cái tay không cho nhẹ nhõm”.

Sinh năm 1924, ở tuổi 99, điều ngạc nhiên là ngoài tự nấu ăn, tưới cây, chăm cá bà còn có thú vui… lướt facebook bằng cái nick là tên khai sinh Vũ Thị Nhuận. “Ngu gì mà không chơi facebook hả cháu?”. Bà cười rất thoải mái và hỏi ngược lại tôi như vậy. 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất