| Hotline: 0983.970.780

Bà Ngô Thị Minh- Phó Chủ Nhiệm UB Văn hóa, Giáo Dục Thanh Thiếu niên Quốc hội: Cần thống nhất cách ứng xử

Thứ Tư 23/11/2011 , 09:50 (GMT+7)

Cần "thống nhất về cách ứng xử nhằm mục đích giáo dục các em chứ không phải nơi thì đuổi học, nơi thì đình chỉ, tước đi cái quyền được học tập của các em" -bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nói như vậy khi trao đổi với PV NNVN.

Nhiệm kì trước, Quốc hội khóa 12 đã thảo luận nhiều về thực trạng học sinh sử dụng bạo lực trong học đường, tuy nhiên thời gian qua số lượng các vụ việc vẫn gia tăng, thưa bà?

 Về vấn đề bạo lực học đường, Quốc hội đã giao UB Văn hóa, Giáo dục (VH-GD) Thanh thiếu niên và Nhi đồng xây dựng riêng một chương trình giám sát và hiện đang triển khai trên phạm vi cả nước. Ban VHGD của HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức khảo sát và đến nay chúng tôi đã nhận được trên 50 báo cáo từ các tỉnh, thành.

 Đồng thời UB cũng đã đi giám sát trực tiếp tại 6 tỉnh, thành: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Nghệ An. Sắp tới sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành có liên quan như Bộ VH-TT và DL, Bộ GD- ĐT, Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn TNCSHCM. Sau đó, Ủy ban sẽ có nhận định về vấn đề bạo lực trong học đường, gia đình, xã hội để gửi Chính phủ. Trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng thực hiện các giải pháp. 

Dựa vào kết quả khảo sát, bước đầu chúng ta có thể phân tích được nguyên nhân dẫn đến khuynh hướng sử dụng bạo lực của học sinh?

 Có rất nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung lại là giá trị của cuộc sống ngày nay đang có biến động rất nhanh và việc giáo dục đạo đức cho học sinh chưa theo kịp với thực tế xã hội. Sự phát triển của internet, truyền hình, game… đi đôi với du nhập văn hóa, lối sống rất khác nhau của nhiều nước đòi hỏi cha mẹ, nhà trường, xã hội phải quan tâm nhiều hơn việc giáo dục tâm lí con trẻ.

Tuổi này trẻ bắt đầu hoạt động tương đối độc lập, có thêm nhiều mối quan hệ, có nhiều mâu thuẫn, có nhiều xúc cảm. Những tâm tư tình cảm của trẻ trong thời gian này cần phải được định hướng nhưng trên thực tế nhiều bậc phụ huynh chưa chú ý, cha mẹ thể hiện sự quan tâm bằng cách ép con cái đi học văn hóa triền miên hoặc bị cuốn theo nhu cầu làm ăn kinh tế, phó mặc cho nhà trường cho nên trẻ dễ bị sai lệch về hành vi ứng xử. Biểu hiện rõ là vấn đề giải quyết mâu thuẫn trong trường học. 

Bên cạnh việc đòi hỏi các gia đình quan tâm hơn nữa đến sự phát triển tâm lí của trẻ, về mặt xã hội chúng ta có thể làm gì để giúp trẻ định hướng hành vi?

Trẻ em ở các cấp học chưa được trang bị kiến thức để ứng xử trong các tình huống khác nhau đặc biệt là ở nhóm học trò đang tuổi lớn, muốn khẳng định bản thân. Có thể đặt các tình huống mâu thuẫn của trẻ vào mối quan hệ tập thể như các buổi sinh hoạt đoàn đội, để định hướng hành vi cho trẻ.

Đây không phải là giờ giáo huấn nhưng trong buổi học này giáo viên có thể cùng trẻ vạch ra các tình huống giả định và để trẻ tự thảo luận cùng bàn cách xử lí tình huống. Như vậy chúng ta có thể trang bị trước cho trẻ những kĩ năng xử lí các tình huống khi trẻ gặp trường hợp tương tự. Nhưng không thể phó thác hết cho nhà trường mà cần phải có mối quan hệ chặt chẽ trong giáo dục đạo đức cho học sinh giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

 Mối quan hệ này thời gian qua xuống cấp vì áp lực học kiến thức trong nhà trường nặng quá, giáo viên chủ nhiệm không có quỹ thời gian để thăm gia đình học sinh có cá tính để có những biện pháp ngăn ngừa. Bản thân giáo viên cũng đang chịu áp lực vì kiến thức trong trường; lương thấp, phải đối mặt với cuộc sống.

Ngoài ra, muốn giáo dục kĩ năng sống cho trẻ cần thông qua hệ thống đoàn, đội, nhưng chính sách đối với giáo viên đoàn, đội cũng còn bất cập. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị rõ với Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ về vấn đề này.

 Trong từng trường hợp cụ thể, việc xử lí học sinh ở các trường, các địa phương cũng thể hiện quan điểm giáo dục khác nhau, nơi thì kỉ luật khiển trách, nơi thì đuổi học, thậm chí ở Bắc Ninh người ta còn khởi tố thành vụ án hình sự. Liệu chúng ta có thể giáo dục trẻ thành công khi mà hành vi của người lớn cũng chưa nhất quán?

Muốn giáo dục kĩ năng sống cho học sinh thì phải chuẩn hóa những người thầy. Phải đào tạo những người thầy chuẩn mực về đạo đức, chuẩn mực về hành vi, cách biểu hiện trước học sinh. Như vậy ngành giáo dục phải có tập huấn. Nếu người thầy đã chuẩn mực về hành vi rồi thì khi gặp những trường hợp học sinh vi phạm giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thì các thầy sẽ có sự thống nhất về cách ứng xử nhằm mục đích giáo dục các em chứ không phải nơi thì đuổi học, nơi thì đình chỉ, tước đi cái quyền được học tập của các em.

Chuẩn mực hóa đội ngũ giáo viên là trách nhiệm của ngành giáo dục.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.