| Hotline: 0983.970.780

Bà ngoại tuổi 25

Thứ Năm 13/08/2015 , 07:35 (GMT+7)

Chuyện về người Đan Lai thì nhiều người đã viết. Ở dân tộc ít người này có rất nhiều chuyện mà có lẽ kể mãi vẫn cứ thấy lạ lẫm xen lẫn xót xa. Ví như chuyện, cháu lấy dì làm vợ hay 25 tuổi đã lên chức bà ngoại mà chúng tôi kể sau đây.

Dì làm vợ… cháu

Bản Cò Phạt (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) có trên 100 hộ dân, đều là người Đan Lai. Người Đan Lai chủ yếu mang họ La, từ bao đời nay sinh sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Do cuộc sống tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, người Đan Lai chỉ quẩn quanh trong một không gian nhỏ hẹp. Tình yêu đôi lứa, hôn nhân gia đình chủ yếu lại diễn ra giữa những người chung huyết thống. 

Người Đan Lai nhỏ oặt, còi cọc một phần vì cuộc sống khó khăn nhưng nguyên nhân chính xuất phát từ những mối quan hệ hôn nhân không đợi tuổi, hôn nhân cận huyết. “Từ trước đến nay, ưng nhau thì dắt về ở với nhau thôi! Trẻ hắn ưng bụng thì mình cũng gật đầu, mình không ngăn được. Con gái Đan Lai 12, 13 tuổi đã lấy chồng, 15 tuổi đã hai nách hai đứa rồi”, ông Lê Xuân Đường, nguyên trưởng bản Cò Phạt, cho biết.

Ngay cả những bản tái định cư, nằm sát trung tâm xã Môn Sơn, chuyện tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng không có ngoại lệ. Năm 2014, một đám cưới linh đình giữa người cháu là La Văn Khỏe và người dì La Thị Phượng đã được tổ chức.

Bà ngoại tuổi 25

Ngôi nhà sàn lợp bằng lá cọ của vợ chồng La Thị Thuyền, Lương Văn Dần nằm sát tuyến đường đang thi công. Mùa nắng nóng, mọi sinh hoạt của gia đình Thuyền đều diễn ra ở tầng 1.

Nền nhà bằng đất, xung quanh được che chắn tạm bợ, quần áo cũ, dẻ rách được chủ nhà treo vào bất cứ chỗ nào có thể, mùi hôi khó tả từ cuối nhà xộc ra tận cửa; một góc bếp, một khoảnh ăn ngủ, bên cạnh là chuồng nuôi nhốt vài con gà… Thấy chúng tôi, vợ chồng Thuyền niềm nở lôi ra một rổ ổi xanh lè, chỉ nhỏ bằng quả cau vừa hái trên rừng về để thết đãi khách với đĩa muối trắng.

Thuyền học hết lớp 4 thì nghỉ học, về nhà chồng khi vừa bước sang tuổi 12. Chồng Thuyền lúc đó cũng vừa tròn 20 tuổi. Người phụ nữ vừa bước sang tuổi 25 này đang bỏm bẻm nhai trầu, nở nụ cười để lộ hàm răng đen nhánh.

Chị hồn nhiên kể lại cuộc đời mình bằng tiếng phổ thông lơ lớ: Ta phải bỏ học về lấy chồng thôi! Học hết thì ế chồng mất à? Sau 2 lần gặp, anh ấy nói chuyện, ta thấy ưng cái bụng, anh Dần sang nhà xin cưới. Được cha mẹ ta đồng ý, thế là Dần đem 100 con cá mát đến làm lễ, từ đó ta về làm vợ Dần thôi. Ai biết cái giấy kết hôn là gì?

Đầu năm 2002, chị Thuyền làm vợ thì cuối năm đó đã làm mẹ. Đứa con thứ 2 cũng ra đời sau đó 2 mùa lúa. Người phụ nữ này sinh năm 1990 nhưng ai cũng bảo chị già hơn tuổi rất nhiều. Và điều chúng tôi phải ngỡ ngàng khi biết rằng ở tuổi này, chị đã có cháu ngoại.

Chuyện là, đầu năm 2014, đứa con gái đầu của vợ chồng Thuyền và Dần là Lương Thị Mơ đang học chưa hết lớp 6 tại Môn Sơn thì đột ngột bỏ về.

“Nó chỉ cầm cái túi không khi về đến nhà. Ta hỏi, sao không học con chữ để mai đi làm cô giáo cho đỡ khổ thì hắn lắc đầu nguây nguẩy. Hỏi ra mới biết, hắn muốn lấy chồng! Mấy ngày sau thì thấy nhà trai đến đặt lễ, vợ chồng ta cũng phải ưng cái bụng để chúng làm đám cưới. Hắn có đứa con đã 9 tháng tuổi rồi, nên cứ hai tháng ta lại ra thị trấn, ngồi xe khách xuống bản Chà Coong ở tận huyện Thanh Chương để thăm con và cháu ngoại. Đường xa đi lại mất nhiều tiền quá nên ta không đi nhiều được”, Thuyền vui vẻ kể.

Anh Dần ngồi bên cạnh vợ cũng phụ họa theo: “Tưởng hắn nghỉ học về để lên rừng kiếm cái ăn. Ai ngờ hắn một mực đòi theo chồng, vợ chồng ta đành phải chịu thôi! Ở tuổi của hắn (Mơ - PV), vợ ta cũng đã sinh con rồi mà! Chiều ta cũng phải lên rừng, tìm đào cây thuốc, kiếm ít măng bán lấy tiền để ít bữa nữa xuống thăm cháu ngoại thôi! Vợ ta cũng phải đẻ thêm đứa nữa, chưa có con trai mà. Đẻ đến khi có con trai thì mới thôi”

Do đến Cò Phạt vào sáng sớm nên không khó để gặp những cặp vợ chồng trẻ con. Nhác thấy chúng tôi, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ con quẩn quanh trong nhà, ngồi lân la trên các nhà sàn cũ kỹ nhìn theo. Đàn ông trai tráng thì rời nhà vào rừng hái măng, làm rẫy, làm ruộng... Lũ trẻ đi học tại các ngôi trường lẻ “cắm bản” nhưng chỉ bi bô được vài con chữ rồi cũng rủ nhau bỏ học để lên rừng tự lo cái ăn cho mình.

2154143300
Người Đan Lai gặp rất nhiều khó khăn về đất sản xuất

Ở Cò Phạt, thiếu nữ Đan Lai sợ nhất là ế chồng. Sau tuổi 15, các thiếu nữ nếu chưa có chồng, có con đã bị coi là ế. Vì thế, tìm một cô gái Đan Lai học hết lớp 12 thực sự là hiếm. Cả bản Cò Phạt chỉ có Lê Thị Na, con gái ông Lê Xuân Đường, học hết lớp 12 trường huyện. Về đến làng thì Na trở thành gái quá lứa, lỡ thì. Mới thi tốt nghiệp phổ thông xong, về quẩn quanh ở nhà, Na sinh ra buồn chán: “Ở đây em ế mất thôi. Giờ già rồi, không ai yêu nữa. Chắc phải đi vào Nam làm công nhân thôi”.

Học sinh nữ Đan Lai bỏ học giữa chừng, lấy chồng năm nào cũng có. Quan niệm hôn nhân đối với tộc người Đan Lai cũng rất đơn giản. Trẻ con ưng nhau là người lớn đồng ý cho ông mai, bà mối se duyên. Xong việc là tổ chức lễ ăn hỏi rồi ăn ngủ với nhau, còn cưới thì lúc nào cũng được. Vì thế mới có chuyện, nhiều cặp vợ chồng trẻ con lấy nhau không hôn thú. Có khi, đôi trẻ đã sinh cả lũ con rồi vẫn chưa làm đám cưới.

La Thị Quai bỏ học dở chừng về nhà mẹ đẻ sinh con khi vừa 17 tuổi. Bà mẹ trẻ này nói một cách hồn nhiên: “Hai năm nữa, có tiền, được ngày đẹp ta mới về nhà chồng mà. Con thì ta nuôi, người yêu ta đi làm rồi, khi nào có tiền sẽ về”.

Còn chị La Thị Xài, Bí thư Chi đoàn bản Cò Phạt, cũng cảm thấy rất thoải mái khi có chồng rồi mà vẫn không có giấy kết hôn. Với Xài, “ưng nhau thì về ở với nhau, không ưng nữa thì bỏ nhau. Ta lấy chồng không có giấy kết hôn, bỏ nhau dễ lắm. Hắn uống rượu từ ngày này qua ngày khác, lại đi tìm người con gái khác thì bỏ nhau thôi. Ta về ở với cha mẹ, nuôi con, rồi lại đi lấy chồng khác thôi mà”.

Bà La Thị Phước, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Cò Phạt, năm nay 52 tuổi, có 6 người con. Hỏi bà lấy chồng năm bao nhiêu tuổi, bà Phước cười hỏn hẻn, khoe hàm răng đen nhánh: “15 tuổi ta đã làm vợ người ta rồi mà. Cũng không làm giấy kết hôn.

Năm trước, bản Cò Phạt cũng có 2 cặp làm đám cưới rồi về ở với nhau mà không làm giấy kết hôn. Ở đây, một khi bọn trẻ đã ưng nhau thì không ai ngăn được. Nhiều đứa nói, nếu cha mẹ ngăn, chúng sẽ không lấy vợ lấy chồng nữa. Thế là người lớn phải đồng ý thôi. Đám cưới họ mời cả bản, ai cũng đến mừng, mình cũng phải đến chớ”.

Bà La Thị Phước cho hay, cả bản này chỉ có 68 người sử dụng các biện pháp tránh thai. Bà đã tuyên truyền nhiều rồi nhưng họ không làm theo. Họ nói, cứ đẻ đến khi nào không đẻ được nữa mới thôi. Đẻ đến khi nào nhà có 2-3 đứa con trai mới dừng lại. Cả bản có 21 cặp vợ chồng có 1-2 con. Còn lại đều có từ 3 con trở lên, nhiều cặp có 8-9 đứa con.

Những bà mẹ Đan Lai trẻ con, những bà nội, bà ngoại chưa bước vào tuổi trung niên đối với tộc người Đan Lai là không hiếm. Bức tranh dân số của tộc người Đan Lai đang khiến nhiều người không khỏi trăn trở.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất