| Hotline: 0983.970.780

Ba người đàn ông trong bóng tối số phận

Chủ Nhật 03/11/2013 , 10:41 (GMT+7)

Thế giới rộng vô cùng, nhưng thế giới cũng hẹp vô cùng, 3 người đàn ông cô đơn ấy phải chăng họ tìm đến thế giới bóng tối để ẩn mình?

Ba người đàn ông ở ba địa phương khác nhau, thời trai trẻ có người sống phóng khoáng bay bổng bên “nàng tiên nâu”, người nổi danh khắp một vùng núi... nhưng cuối đời họ đều nghèo khó, sống lặng lẽ cô đơn trong bóng tối...

Cách đây hơn hai mươi năm lần đầu tiên tôi theo đoàn công tác của Ban Định canh định cư Hoàng Liên Sơn lên huyện Bắc Hà. Khi ấy tỉnh Hoàng Liên Sơn chưa tách ra thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Hồi đó người ta lên Bắc Hà thường chọn Thứ bảy hoặc Chủ nhật để được đi chợ. Chợ phiên Bắc Hà họp vào ngày Chủ nhật, từ sáng tinh mơ người khắp các triền núi đã rồng rắn kéo nhau xuống chợ. Người ta mang đến chợ đủ thứ sản phẩm, từ mớ rau, củ khoai đến con dao, lưỡi cày, con lợn, con gà...không thiếu bất cứ thứ gì trong cuộc sống của người dân vùng núi cao.

Bắc Hà có nhiều sản vật nổi tiếng, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là rượu ngô. Ngô răng ngựa trồng trên núi đá sáu tháng mới được thu hoạch. Gọi là ngô răng ngựa là bởi những hạt ngô to, đều như răng ngựa và cứng như đá.

Khi ngô chín họ không thu ngay về mà để trên nương cho đến lúc bẹ khô bắp rủ xuống như treo đèn, lúc đó người người ta mới bẻ mang về treo trên gác bếp, mái nhà. Mèn mén (ngô xay nhỏ đồ trong những chiếc hông lớn ăn thay cơm) hay rượu được làm bằng loại ngô này thì ngon tuyệt. Cuộc sống của người vùng cao không thể thiếu rượu, chợ phiên Bắc Hà người bán rượu xếp thành dãy dài từ đầu chợ đến cuối chợ, cả ngàn lít rượu được bán trong mỗi phiên chợ.

Tôi chú ý một người đàn ông râu tóc bù xù, bết lại vào nhau như lông đuôi ngựa dính đầy quả ké. Tay cầm vỏ chai bia Trung Quốc màu xanh, ông ta chậm chạp đi dọc hàng bán rượu. Những người bán rượu ở đây dường như đã quen con người này rồi, khi ông ta chìa miệng chiếc vỏ chai về phía họ người bán rượu rót một ít rượu vào chiếc chai đó.


Seo Cấn và tác giả (ảnh chụp năm 1990)

Ông ta vừa đi vừa ngửa cổ tu rượu, chai rượu ông ta cầm trên tay lúc đầy lúc vơi. Khi đi hết hàng rượu thì chợ cũng tan, ông cầm chai rượu loạng choạng trở về góc chợ có cái ổ rơm nát nhầu như ổ chuột. Trong góc chợ nơi ông ở, ngoài chiếc nồi con đen nhẻm méo mó người ta còn thấy hai cái bát một to một nhỏ, chiếc thìa nhôm cụt cán cùng mấy cái lọ thuỷ tinh cáu bẩn nằm lăn lóc mỗi thứ một nơi.

Ông ngồi xuống chiếc ổ rơm nhìn ra chợ, gió cuốn những chiếc lá bánh, vỏ kẹo và đủ thứ rác rưởi bay như bươm bướm nom rối mắt. Bóng tối dần dần buông xuống, ông ruỗi đôi cẳng chân lở loét bị sâu quảng ra gãi, máu và mủ tứa ra, ông rót rượu xoa lên hai cẳng chân rồi lăn vào ổ rơm, cuộn mình trong chiếc chăn chiên nhàu nhĩ gáy vang như sấm.  

Con người ấy là Seo Cấn. Nếu ai đã đọc tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xoè hay Vùng biên ải của Ma Văn Kháng, đủ thấy những năm tháng tiễu phỉ đầy cam go trên vùng đất Mường Khương, Bắc Hà sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.

Nghe mọi người nói Seo Cấn là phó tướng của trùm phỉ Châu Quáng Lồ. Khi Châu Quáng Lồ bị tiêu diệt, Seo Cấn thu nhặt tàn quân lẩn sâu vào các hang núi cố thủ. Sau nhiều tháng ngày vận động Seo Cấn mới chịu ra hàng, chính ông đã giúp bộ đội kêu gọi những tên phỉ ngoan cố khác theo hàng.

Hưởng sự khoan hồng của cách mạng Seo Cấn không bị tù đày, có thể do hối hận với những tội ác đã gây ra cho chính đồng bào mình, Seo Cấn trở nên mất trí. Không họ hàng thân thích, ông lấy góc chợ Bắc Hà làm nhà.

Hàng ngày ông đi làm thuê,  lấy củi hay cuốc đất làm nương rẫy. Khi về già ông không còn sức đi làm thuê nữa, kiếm được cái gì thì nấu ăn, còn không thì ông đến các nhà dân xin ăn, vào phiên chợ ông cầm chai đi tới các hàng bán rượu, mỗi người rót cho ông một chén, ông uống đến say mềm mới thôi. Phiên chợ là bữa tiệc rượu của ông.

Mọi người kể, vào sớm mùng một Tết ông khoác một cái gùi đi dọc phố huyện nhưng không vào nhà ai, nhà nào thấy ông đi qua thì chạy ra bỏ vào gùi của ông một cái bánh chưng hoặc một khúc giò. Có Tết, số bánh chưng mà ông được các gia đình cho đếm được gần 100 cái, nhà ai được ông xông đất thì năm ấy làm ăn phát đạt.

Năm tôi gặp ông, thật khó đoán được tuổi của ông khi ấy, bảy mươi hay tám mươi tuổi gì đó. Thật không ngờ ông nói tiếng kinh khá sõi: Seo Cấn già rồi, không nhớ mình bao nhiêu tuổi đâu... Dù là kẻ ăn xin, nhưng mọi người ở đây đều tỏ ra nể trọng, bởi bao phủ quanh ông là một quá khứ huy hoàng của một tướng phỉ. Mấy năm sau tôi trở lại Bắc Hà thì hay tin Seo Cấn đã mất, có lẽ ông là tướng phỉ duy nhất và cuối cùng mà trong đời tôi đã gặp. 

Người đàn ông thứ hai tôi chỉ biết qua lời kể của Giàng Sà Chảo, người chăn dê trên đỉnh đèo Khau Phạ. Khau Phạ có nghĩa là Cổng trời, ông Thào Chờ Khua không gia đình được người ta thuê lên Khau Phạ chăn đàn dê.


Giàng Sà Chảo, người thay ông Thào A Khua chăn dê ở đỉnh đèo Khau Phạ

Ông sống một mình lầm lũi cùng với đàn dê trên đỉnh núi quanh năm giá lạnh. Giàng Sà Chảo kể: Mùa đông ở trên này dài lắm, bắt đầu từ cuối tháng 9 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Năm nào ở đây cũng có mưa tuyết và băng giá, năm ngoái băng giá kéo dài gần chục ngày, nước đóng băng không chảy được, mình phải đập lớp băng trên mặt mỏ nước mới lấy được nước về dùng.

Mùa đông ở đây không mấy ngày nhìn thấy mặt trời đâu, có khi cả tháng cũng không nhìn thấy ông mặt trời, chỉ toàn sương mù trắng toát cả rừng, rét lắm. Chuyện ông Khua chết không phải vì rét, mà vì gió hay cảm gì đấy. Ông Khua hơn 60 tuổi người xã Nậm Khắt được thuê lên đây chăn dê từ mùa đông năm trước, ông chết ngay cạnh bếp lửa tay vẫn cầm ống điếu thuốc lào.

Có lẽ ông bị cảm sau khi hút xong điếu thuốc, ông gục xuống bên ngọn đèn hoa kỳ, ngọn lửa cháy xém một mảng da trên bả vai. Sáng hôm sau bà con qua đường ghé vào lều chăn dê hút nhờ điếu thuốc thì thấy ông Khua chết lạnh cóng từ bao giờ. Có người bảo ông Khua chết vì say thuốc phiện. Bởi ông là một con nghiện đã lâu, ông có không gia đình suốt ngày bay bổng cùng với “nàng tiên nâu”.

Chảo lên thay ông Khua chăn dê trên núi được một mùa đông rồi, mặc dù ngủ ngay trong chiếc lều ông Khua đã chết nhưng chưa bao giờ Chảo nhìn thấy ma hay mơ thấy ông Khua về, anh chỉ thấy gió thổi ù ù trên rừng như bầy ngựa hoang đêm nào cũng phi nước đại.

Chiếc lều ông Khua chết đã dỡ chuyển sang bên kia đường, Chảo chuyển sang đó ở. Mấy năm sau trở lại Khau Phạ, tôi không thấy chiếc lều của người chăn dê nữa, nhưng chuyện về ông Thào A Khua chết lặng lẽ trên đỉnh đèo này cứ ám ảnh tôi mãi không thôi.

Người đàn ông thứ ba tôi gặp là ông Phạm Xuân Thưởng, năm nay đã 93 tuổi đang ở nhờ trong căn lều của một gia đình làm chè giữa lưng chừng dốc Đát Quang, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Căn lều thấp lè tè ẩn mình dưới vòm cây xanh um, cỏ dại mọc lan vào tận cửa. Đang giữa trưa mà trong lều chỉ lờ nhờ, ông ngồi bó gối quấn chổi tre, đầu cúi xuống gần sát mặt đất, thân hình gầy gò, nhỏ thó nom chả khác chi một con rùa đang ẩn mình trong bóng tối.


Căn lán ông Pham Xuân Thưởng đang ở nhờ

Tôi ngạc nhiên hỏi ông: Vợ con ông ở đâu mà ông phải ra đây ở một mình, đêm hôm ốm đau thì ai biết thế nào? Ông vẫn cúi xuống trả lời: Bà nhà tôi chết cách đây mấy năm rồi, hai đứa con gái đứa đi làm xa, đứa đi lấy chồng. Còn thằng con trai tâm thần thì đang ở dưới Mỵ Tôi hỏi mãi người ta mới cho tôi ở nhờ. Nhà có ít chè nhưng tôi già rồi không làm được nên cho người ta làm thuê. Ốm đau cũng đành vậy thôi...

Mặc dù căn lều ông đang ở nằm ngay cạnh đường nhưng tôi cảm thấy đây là một thế giới khác, thế giới của bóng tối và muỗi vắt. Thế giới không điện, đài, thế giới không vật dụng xa xỉ. Nhìn mọi thứ trong “ngôi nhà” của ông từ chiếc giường, chăn chiếu đến những chiếc nồi, ngọn đèn dầu...đều cũ kỹ đen nhẻm như vật dụng của thế kỷ trước.

Ông thở dài cho biết mỗi tháng ông được nhà nước trợ cấp 180 ngàn đồng, ngoài ra ông làm chổi, đan lát cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Cũng chỉ được chừng ấy thôi. Với số tiền ấy, tôi nhẩm tính mỗi ngày ông tiêu chừng 6.000-7.000 đồng, không bằng cái kem hay cốc nước trà đá của một đứa trẻ dưới thành phố.


Ông Phạm Xuân Thưởng đang bện chổi tre

Tự nhiên tôi thấy cay cay sống mũi, hỏi chuyện này với ông Trần Văn Dĩnh- chủ tịch xã Tân Thịnh. Ông Dĩnh bảo: Tân Thịnh có hai cụ hoàn cảnh tương tự cụ Thưởng. Hai cô con gái cụ Thưởng, một cô sống ở nước ngoài, còn một cô sống ở Mỵ, hai vợ chồng có cửa hàng bán đồ điện tử, điện lạnh họ mời cụ về ở cùng nhưng cụ không về. Cụ thích sống không phụ thuộc vào ai, nên xã chẳng biết làm thế nào được...

Thế giới rộng vô cùng, nhưng thế giới cũng hẹp vô cùng, những người đàn ông cô đơn phải chăng họ tìm đến thế giới bóng tối để ẩn mình?

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Chỉ bàn làm, không bàn lùi'

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần 'chỉ bàn làm, không bàn lùi', ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương; vượt nắng, thắng mưa, hoàn thành tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Một người tử vong, hai người bị thương do thiên tai

HÀ GIANG Đêm 20 và sáng ngày 21/4, trên địa bàn huyện Đồng Văn (Hà Giang) xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy đã khiến một người tử vong và hai người khác bị thương.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm