| Hotline: 0983.970.780

Ba nguyên tắc sống còn của hôn nhân

Thứ Bảy 13/04/2019 , 07:10 (GMT+7)

Sở dĩ gọi những nguyên tắc này là “sống còn” vì nếu không tuân thủ nó thì không chỉ tình yêu mà cả hôn nhân của bạn cũng có nguy cơ tan thành mây khói.

1. Chấp nhận chứ không cải tạo

Ngày nay, tình yêu cũng như hôn nhân đều dựa trên nguyên tắc bình đẳng chứ không ai áp đặt được ai phải sống theo ý mình. Vì vậy khi đã tự nguyện đến với nhau là phải tôn trọng nguyên tắc chấp nhận nhau.

007148c380c0ecc6f5ebef5587b8cc35d15152425990
Ảnh minh họa

Còn nếu như đối phương có những thói xấu mà bạn không thể chấp nhận được thì tốt nhất là nên dừng lại, không tiến xa hơn nữa. Chấp nhận tức là đã yêu ai hay lấy ai nên biết rằng mình lấy “trọn gói” con người đó, cả ưu điểm và khuyết điểm của họ. Nếu chỉ yêu ưu điểm còn khuyết điểm không chấp nhận thì không thể nào tồn tại được lâu.

Có người nói tôi rất hiểu người tôi yêu nhưng bạn nên nhớ rằng hiểu vẫn chưa phải là chấp nhận. Chính vì không chấp nhận nên họ vẫn buộc đối phương phải sửa đổi đi cho “hoàn hảo” theo ý họ. Thực ra muốn cải tạo được một con người đã trưởng thành rất khó, trừ khi tự họ vì quá yêu bạn mà tự thay đổi đi.

Sự không chấp nhận sẽ sinh ra ca thán, trách móc, nói nhiều làm người kia khó chịu. Mỗi lần khó chịu thì tình yêu sẽ suy giảm đi, thậm chí họ chán bạn và muốn đến với ai chấp nhận con người họ như nó vốn có. Chấp nhận chứ không đòi hỏi, đó là nguyên tắc đầu tiên của tình yêu và hôn nhân trong thế giới đương đại. Ngày nay không còn cảnh “chồng chúa vợ tôi”, không ai bắt được người kia phải sống theo mình.
 

2. Không xúc phạm nhau

Tại sao có những đôi yêu nhau rất lâu, có khi hàng mấy năm vẫn tốt đẹp mà về sống với nhau chưa được bao lâu đã tan đàn sẻ nghé?

Các nghiên cứu hôn nhân cho thấy cách cư xử với nhau giữa hai người trước và sau kết hôn rất khác nhau. Khi chưa kết hôn, người ta thường nói với nhau lịch sự, ngọt ngào nhưng khi đã lấy nhau rồi có lẽ cho rằng công cuộc chinh phục đã hoàn tất nên không cần lịch sự nữa và cư xử một cách suồng sã, thô bạo và chính điều đó giết chết tình yêu.

Có người chồng ỷ thế mình kiếm ra tiền, chỉ vì ghen tuông bắt vợ ở nhà nội trợ không cho đi làm nữa. Người vợ phản kháng bị chồng quát nạt thô bạo mà khi chưa kết hôn không bao giờ anh ta làm thế. Có người vợ ỷ thế gia đình mình toàn người đỗ đạt, có học hàm, học vị, coi cả nhà chồng là “vô học” là “cổ cày vai bừa” cứ động cãi nhau lại đem điều đó ra chế giễu, khiến cho người chồng tự ái lại moi móc những chuyện không hay của gia đình vợ ra nói lại.

Không có thứ tình vợ chồng nào chịu đựng nổi sự đối xử với nhau như thế. Vì tình yêu là một tình cảm cao đẹp nó đòi hỏi cách ứng xử tương ứng. Cho dù một đôi vợ chồng có là trai tài, gái sắc nhưng nếu không tôn trọng nhau thì vẻ đẹp của tình yêu, hôn nhân cũng mất đi, chỉ còn hai con người luôn nhè chỗ yếu của nhau để miệt thị và kết quả là nếu chưa ly hôn cũng không thể hạnh phúc.

Có cô gái thú nhận ngay từ khi mới yêu nhau đã bị người yêu thỉnh thoảng lại đánh một cái tát, nhưng vì sau đó anh ta lại xin lỗi và cô gái nghĩ rằng trong lúc nóng giận anh ta “nhỡ tay” tha thứ được. Nhưng sau khi lấy nhau không lâu, những trận đòn xảy ra thường xuyên, khiến cô không chịu được đành phải ly hôn. Đến lúc này cô mới hiểu rằng nếu không tôn trọng nhau không thể sống với nhau được.
 

3. Quan tâm săn sóc nhau

Chấp nhận và tôn trọng nhau cũng chưa đủ nếu hai vợ chồng không ai quan tâm đến ai. Thử đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta kết hôn?”, người ta thường trả lời là vì tình yêu. Nhưng thực ra nếu chỉ để yêu thì có thể không cần kết hôn vẫn yêu nhau được, có khi còn yêu mãnh liệt hơn.

Sở dĩ kết hôn là để sớm tối có nhau, cùng quan tâm săn sóc, giúp đỡ nhau. Nhưng trong thực tế có những ông chồng viện cớ qúa bận làm ăn, đẩy hết việc nhà cho vợ, không ngó ngàng gì đến gia đình, không bao giờ hỏi han xem vợ buồn phiền, lo lắng nỗi gì hay ốm đau bệnh tật gì? Cũng có người vợ chỉ biết đòi hỏi chồng đưa tiền, cuộc sống dư dật, thế là hài lòng, không cần biết những buồn vui của chồng, không biết công việc anh ta ngoài xã hội ra sao, sức khoẻ thế nào? Cho đến một ngày người chồng cô đơn ấy có một người phụ nữ khác quan tâm, săn sóc, chia sẻ tình cảm buồn vui, làm anh ta cảm thấy thân thiết với người đó thì người vợ ấy khó mà giữ được chồng.

Không còn nữa cái thời người chồng chỉ biết đưa lương về cho vợ là hết bổn phận, người vợ chỉ biết có tiền, gia đình đầy đủ là xong, ngoài ra không cần biết nhu cầu, tình cảm, sở thích người kia ra sao. Những gia đình như thế nếu chưa đổ vỡ cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa, còn những buồn vui người ta chia sẻ ở bên ngoài thì một ngày không xa sẽ mỗi người có một lối đi riêng.

Nhiều nghiên cứu cho biết có đến hơn 70% các cuộc ly dị trong xã hội hiện đại là do vợ chồng đã phạm phải một trong những nguyên tắc sống còn trên đây, còn lại do những nguyên nhân khác. Hy vọng bài viết này giúp bạn nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, bởi vì bao giờ “phòng bệnh” cũng hơn “chữa bệnh”.

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?