| Hotline: 0983.970.780

Bà Niêm người Tày: 'Kiện tướng' nuôi nhím, cheo, kỳ đà

Thứ Năm 30/07/2020 , 12:14 (GMT+7)

Nhận thấy động vật hoang dã như cheo, kỳ đà, nhím… ít công chăm sóc, kháng bệnh cao, thị trường tiềm năng, một phụ nữ dân tộc Tày “liều” nuôi và thành công bất ngờ.

Tiên phong nuôi “quả cầu gai”

Đến với thôn Đồng Chắc, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, Bình Phước hỏi thăm gia đình bà Mã Thị Niêm người dân tộc Tày thì ai cũng biết, bởi bà là một trong những người đầu tiên của tỉnh phát triển mô hình nuôi động vật hoang dã (ĐVHD). Trong số hơn 10 loài vật bà đã từng nuôi, thành công nhất là mô hình nuôi nhím, cheo và kỳ đà.

Bà Niêm cho biết, năm 1997, vợ chồng bà cùng 2 người con từ tỉnh Cao Bằng vào Bình Phước lập nghiệp ở xã Tân Hòa, huyện Động Phú. Từ số vốn tích lũy ngoài quê, ban đầu gia đình bà mua gần 4 ha đất để trồng điều, khi điều già, năng suất thấp, bà chuyển sang trồng cao su. Nhiều năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp nên bà quyết định chuyển một phần diện tích đất sang chăn nuôi ĐVHD để cải thiện thu nhập.

Bà Mã Thị Niêm bên chuồng nuôi 'quả cầu gai' của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Bà Mã Thị Niêm bên chuồng nuôi "quả cầu gai" của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Bà Niêm chia sẻ, năm 2008, qua sách báo, bà nhận thấy nhím - loài vật cuộn tròn lại như quả cầu gai, rất dễ nuôi, kháng bệnh tốt. Thức ăn của nhím chỉ là các loại lá, rau, củ, quả rất dễ kiếm, chi phí rẻ, trong khi thu nhập khá cao nên bà quyết định đầu tư 300 triệu đồng xây chuồng trại và mua 8 cặp nhím giống về nuôi.

Từ số nhím ban đầu, trong thời gian ngắn bà đã gây dựng được trang trại với đàn nhím từ 40-50 con, mỗi lứa trừ chi phí, gia đình bà thu lãi hàng chục triệu đồng. Vài năm trở lại đây, thấy lợi nhuận hấp dẫn, nhiều người đổ xô nuôi nhím khiến giá trị nhím sụt giảm khá nhiều, hiện chỉ xoay quanh 260 ngàn đồng/kg nhưng bà Niêm đánh giá vẫn có lời rất nhiều so với các cây trồng, vật nuôi khác.

Người phụ nữ dân tộc Tày đã mạnh dạn thay đổi và gặt hái được thành quả lớn với thu nhập cao và ổn định. Ảnh: Trần Trung.
Người phụ nữ dân tộc Tày đã mạnh dạn thay đổi và gặt hái được thành quả lớn với thu nhập cao và ổn định. Ảnh: Trần Trung.

Người phụ nữ dân tộc Tày đã mạnh dạn thay đổi và gặt hái được thành quả lớn với thu nhập cao và ổn định. Ảnh: Trần Trung.

"Một trong những ưu điểm lớn nhất của việc nuôi nhím hiện nay là việc xây chuồng trại đơn giản, chiếm ít diện tích, không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường như nuôi cá, chim hoặc các loài gia súc, gia cầm khác. Bên cạnh đó, thịt nhím được nhiều người đánh giá là thơm ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nên được thị trường ưa chuộng, không sợ không có đầu ra ", bà Niêm tâm sự.

Cheo, kỳ đà cùng về “một đội”

Đặc biệt, nhận thấy thịt cheo được thị trường ưa chuộng, trong khi thức ăn dành cho loại vật nuôi này cũng phổ biến và tương đồng với nhím, số người nuôi cheo thương phẩm còn khá khiêm tốn, từ nguồn vốn sẵn có, bà Niêm tiếp tục mở rộng sản xuất sang nuôi cheo.

Bà Niêm cho biết, ý tưởng nuôi cheo được bà theo đuổi từ năm 2010, thế nhưng để tìm giống cheo về nuôi không hề đơn giản, bởi trước đây, trước khi nuôi cheo thì chủ các trang trại cần phải đăng ký với Chi cục Kiểm lâm sở tại và chứng minh được nguồn gốc vật nuôi hợp pháp. Đa số cheo có nguồn gốc từ rừng nên rất khó làm hồ sơ thủ tục, nhiều hộ chăn nuôi theo kiểu lén lút. Đến nay việc nuôi cheo diễn ra phổ biến nên bà mới tiếp cận được nguồn giống hợp pháp. Từ 2 cặp cheo giống ban đầu, hiện bà đã sở hữu đàn cheo quy mô hàng chục con.

Bà Niêm nâng niu chú cheo nhỏ. Ảnh: Trần Trung.

Bà Niêm nâng niu chú cheo nhỏ. Ảnh: Trần Trung.

Bà Niêm tiết lộ “cheo sinh sản nhanh, mỗi năm khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 3 con, tuy chỉ nặng 1,5 kg nhưng giá cao, ổn định khoảng 700 ngàn đồng/kg thịt, 4,5 triệu đồng 1 cặp con giống. Với đàn cheo hiện có, chỉ riêng bán giống mỗi năm tôi đã có trong tay gần 100 triệu đồng”.

Ngoài ra, từ dự án hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế của Trạm Khuyến nông huyện Đồng Phú, đầu năm 2018, gia đình bà được Trạm hỗ trợ nuôi thử nghiệm 75 con kỳ đà giống với trọng lượng khoảng 0,5 kg/con. Nhờ “mát tay” và có bề dày kinh nghiệm trong chăn nuôi ĐVHD, Sau 5 - 6 tháng mỗi con kỳ đà đã đạt khoảng 7 - 8kg, với giá bán từ 350 - 400 ngàn đồng/kg, sản phẩm làm ra tới đâu được các chủ nhà hàng và các thương lái đến tận nhà thu mua hết tới đó. Sau khi trừ các khoản chi phí bà kiếm thêm nguồn thu nhập ổn định không dưới 50 triệu đồng/lứa xuất bán.

Bà Niêm tâm sự, để phát triển kinh tế bền vững, yếu tố cốt lõi là cần phải nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, tham quan các mô hình hiệu quả... để học hỏi kinh nghiệm, từ đó áp dụng vào thực tế của gia đình.

Chỉ riêng tiền bán giống cheo, bà Niêm đã thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Trần Trung.

Chỉ riêng tiền bán giống cheo, bà Niêm đã thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Trần Trung.

“Khi tuổi đã cao, tôi chú trọng hơn đến chăn nuôi kết hợp, trong đó chủ yếu là những loài động vật sống trong tự nhiên rất dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn lại dễ kiếm nên không mất nhiều kinh phí đầu tư cũng như thời gian chăm sóc, vì vậy người nuôi khá nhàn mà hiệu quả kinh tế cao”, bà Niêm nói.

Nhận thấy mô hình nuôi các loài ĐVHD của gia đình bà Niêm đạt hiệu quả tốt, nhiều hộ dân trong và ngoài huyện cũng tìm đến để học hỏi. Được sự chia sẻ kinh nghiệm về cách xây dựng chuồng trại, giúp đỡ về giống nuôi ban đầu của bà Niêm, nhiều hộ đã xây dựng thành công mô hình tương tự và có thu nhập ổn định. Đặc biệt, năm 2018 vừa qua, dưới sự hướng dẫn của Hội phụ nữ xã Tân Hòa, Tổ hợp tác chăn nuôi động vật hoang dã đầu tiên của tỉnh Bình Phước ra đời với 5 thành viên, số vốn ban đầu gần 50 triệu đồng do bà Niêm làm chủ nhiệm.

Hướng dẫn dân nuôi ĐVHD hợp pháp

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có trên 25 trang trại gia đình gây nuôi nhiều loài ĐVHD như: rùa, chồn hương, nhím, rắn, cheo,… mỗi trang trại từ hàng chục đến hàng trăm con.

Nhiều người dân đã học hỏi bà Niêm để xây dựng hướng phát triển kinh tế hiệu quả từ chăn nuôi ĐVHD. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều người dân đã học hỏi bà Niêm để xây dựng hướng phát triển kinh tế hiệu quả từ chăn nuôi ĐVHD. Ảnh: Trần Trung.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Bình Phước thì việc phát triển nhân nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD sẽ giảm áp lực lên việc săn bắt, khai thác ĐVHD từ tự nhiên, bảo vệ nhiều loài trước nguy cơ tuyệt chủng. Chính vì vậy, Chi cục Kiểm lâm luôn tạo điều kiện để các hộ dân nuôi ĐVHD theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh  Bình Phước cho biết: “Thời gian qua việc gây, nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh chưa có vấn đề gì phức tạp. Hầu hết các hộ nuôi tuân thủ đúng quy định của pháp luật, song không vì thế mà xem nhẹ, lơ là việc kiểm tra, kiểm soát. Khi số lượng nuôi mở rộng, chúng tôi sẽ có cơ chế quản lý thích ứng để giúp người dân bảo đảm sản xuất bền vững, ổn định”.

Bà Hoàng Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Hòa cho biết, cách làm kinh tế kết hợp của gia đình bà Niêm đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình chúng tôi sẽ giới thiệu với toàn chị em phụ nữ trong xã đến tham quan, học hỏi trong thời gian tới để nhân rộng.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.