| Hotline: 0983.970.780

Ba thập kỷ chung sống với cò

Thứ Ba 10/04/2012 , 11:27 (GMT+7)

Bà con làng Tân Phúc (xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) vẫn gọi đó là “vườn cò ông Quyển” dù rằng nay nó đã đổi chủ.

Bà con làng Tân Phúc (xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) vẫn gọi đó là “vườn cò ông Quyển”. Gọi là gọi theo cái tên đã trở thành quen thuộc từ mấy chục năm nay vậy thôi, chứ thực ra từ mấy năm nay, vườn đã đổi chủ.

>> Mười tỷ đồng không mua nổi vườn cò

1. Vợ chồng chủ cũ, thầy giáo về hưu Đặng Đình Quyển và vợ, bà Nguyễn Thị Minh, giờ chỉ còn là người được chủ mới (người ở địa phương khác) mời ở lại giúp đỡ để trông nom, bảo vệ đàn cò. Bà Minh cho biết, tuy phải chuyển nhượng lại vườn, nhưng ông bà rất yên tâm vì đã “chọn được mặt” để “gửi vàng”.

Vị chủ vườn mới tuy còn trẻ nhưng cũng là người yêu đàn cò đến si mê. Và chính vì tình yêu đó mà ông đã mua lại vườn, để tránh cho đàn cò khỏi biến thành những nồi xáo măng nếu chẳng may vườn vào tay những kẻ chỉ chăm chăm mua vườn để biến cò thành “đặc sản”. Từ ngày tiếp nhận vườn, ông ta quản lý vườn một cách bài bản, khoa học hơn, nghiêm ngặt hơn. Tuy nhận được nhiều lời mời mở tour du lịch để khai thác kiếm lời nhưng ông đều từ chối, và hạn chế luôn cả lượng khách vãng lai đến thăm vườn.

Khách đến bây giờ chủ yếu là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu… tuy nhiên cũng không được ở lâu, ai có nhu cầu ở lại nghiên cứu lâu hơn thì phải cam đoan không được “làm phiền” đàn cò, sợ chúng bay đi mất. Chủ mới của vườn cò chưa muốn lộ danh tính, và cũng chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện, nên ngay cả dân làng cũng không mấy người biết mặt. 

Bà Nguyễn Thị Minh bên vườn cò

2. Đến nay, vợ chồng ông Quyển đã sống với đàn cò chẵn ba mươi năm. Bà Minh nhớ lại, chính xác là vào năm 1982, khu vườn tre, tràm của ông bà (rộng chừng 3 ha) bỗng có một đàn cò về trú ngụ, lúc đầu chỉ khoảng năm, sáu trăm con, rồi sau cò đến càng ngày càng nhiều, đủ các loại cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò đen, cò bi, cò trâu, cò ruồi… Ngoài cò, còn có cả vịt trời, vạc, bồ nông… Có đến cả vạn con. Thấy vậy, ông bà trồng thêm cây để tạo môi trường cho chúng sinh sống. Lạ một điều là vườn nhà ông liền kề với những thửa vườn khác, vườn nào vườn nấy đều cây cối um tùm, nhưng đàn cò vạc chỉ nhất định cư ngụ trên khu vườn của ông bà chứ không ở những vườn khác. Những vườn khác vắng hoe trong khi mỗi cây tràm, mỗi ngọn tre ở vườn của ông bà, mùa cò sinh sản có đến năm, sáu tổ cò. Điều này chính ông bà cũng không sao lý giải được:

- Có lẽ đó là cơ duyên. Hay là giống cò vạc nó cũng có “con mắt tinh đời”, nó biết chọn những nơi đất lành thì nó mới ở.

Bà bảo thế, bởi có dạo, có lẽ do khu vườn nhà bà trở nên chật chội quá, nhưng đàn cò vạc cũng không sang những vườn bên cạnh mà lại di cư vợi sang khu đầm Hồ Cao xã Hương Sơn gần đó để làm tổ, nhưng khi đàn cò vạc con đã trưởng thành thì chúng lại cùng bố mẹ trở lại vườn nhà bà, và như vậy số lượng cò, vạc lại đông thêm. Có cò có vạc thì vui, nhưng cũng không ít nỗi khổ, thậm chí nghèo đói vì cò. Suốt ngày đinh tai nhức óc vì cò. Sáng sớm, khi lũ cò chuẩn bị đi kiếm ăn và lũ vạc đi ăn đêm về, cũng như nhập nhoạng tối, khi lũ cò trở về và lũ vạc chuẩn bị đi kiếm ăn, là những lúc đinh tai nhức óc nhất. Mùa cò làm tổ cũng vậy, suốt ngày chí chóe tranh chỗ làm tổ, tranh tổ của nhau. Bà Minh bảo, có nhiều con cò khôn vặt, ma lanh ra phết. Vợ chồng cò khác tha rác về làm tổ, vợ chồng nó cứ đứng nhìn. Đôi cò tha rác vừa bay đi là đôi này sang trộm rác luôn mang về chỗ mình làm tổ, đỡ mất công. Nhiều khi đang trộm rác thì bị “bắt quả tang”, thế là mổ nhau, quạc nhau ỏm tỏi.

Quãng năm 90 của thế kỷ trước, xung quanh người ta đua nhau phá vườn tạp để trồng vải, trồng nhãn và các cây đặc sản khác, cho thu nhập rất cao. Vợ chồng bà không dám chặt một cây nào vì sợ làm mất chỗ trú ngụ của cò, thành ra vườn tạp vẫn hoàn vườn tạp, cuộc sống của hai vợ chồng với đàn con đang ăn học cũng chỉ biết trông vào đồng lương giáo viên còm của ông cùng vài sào ruộng của bà, đời sống rất gieo neo, và lại càng gieo neo hơn khi ông về hưu. Ngoài làm ruộng, bà còn phải mua nhặt từng trái vải, từng mớ rau của người làng rồi đạp xe chở ra tận thị trấn Vôi bán, kiếm thêm mấy đồng bạc lẻ để thêm thắt vào sự chi tiêu trong nhà.

Một góc vườn cò ông Quyển

Không ít người đã xui ông bà bắt cò, bắt vạc mang xuống phố bán cho những nhà hàng “đặc sản”, có mà thu tiền tỷ, nhưng ông bà đều kiên quyết từ chối. Một lần, có một người từ dưới xuôi, cách nhà ông hơn hai trăm cây số, lặn lội tìm lên, khoe rằng ông ta cũng là chủ một vườn cò. Tưởng là “đồng thanh tương ứng”, ông bà hồ hởi đón tiếp. Nhưng khi biết rằng cùng với việc làm chủ một vườn cò, ông ta còn làm chủ một nhà hàng “đặc sản thịt cò”, rất lớn ở phố huyện, và mục đích của ông ta lên đây là để gạ gẫm ông bà “hợp tác” bằng cách bắt cò mang về “đổ” cho ông ta, thì ông bà nổi da gà, và lịch sự mời vị khách ra khỏi cửa…

Khổ hơn cả là việc coi cò, bảo vệ cò. Bọn trộm cò rất đông, và rất hung hãn, chúng không từ một thứ gì :cò bố, cò mẹ, cò con, trứng cò…Tất cả đều thành “đặc sản” hết. Ngơi mắt một tý là hàng chục con cò bị đạn súng hơi xơi tái, ngơi mắt một tý là cả chục tổ cò bị chúng dùng gậy móc, dùng câu liêm giật xuống để bắt cò con.

Nhiều thằng khi vào vườn bắn trộm cò còn mang theo cả dao, gậy, sẵn sàng “ăn thua đủ” nếu chủ vườn bắt gặp. Ngoài súng hơi, chúng còn mang cả súng bắn đạn ria. Một thằng giương súng chực sẵn, một thằng đốt quả pháo đùng quăng vào vườn cò. Pháo nổ, đàn cò hoảng hốt bay túa lên cũng là lúc súng nổ, cả chục con cò rụng lả tả.

Một góc vườn cò của ông Quyển

Giống cò đánh hơi thấy sự nguy hiểm rất nhanh. Có lần, hai con cò dính bẫy keo, tha cả bẫy về vườn, vừa kêu la thảm thiết vừa tìm cách giũ bẫy ra nhưng không được, cuối cùng gục chết. Cả đàn cò hoảng hốt dạt đi hết, vườn trở nên vắng tanh, phải hơn tháng sau chúng mới lại tìm về. Bảo vệ không xuể, ông bà phải kêu cứu, và Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường (nay là Sở TN - MT) tỉnh Bắc Giang đã phải vào cuộc. Sở đã cử cán bộ xuống khảo sát, làm việc với địa phương để lên kế hoạc bảo vệ đàn cò.

3. Theo đánh giá của Sở TN - MT Bắc Giang, thì “vườn cò ông Quyển” là một vườn chim quý. Các loại cò trong vườn này đều thuộc họ diệc, có kích thước từ trung bình đến lớn, cổ và chân dài, mỏ giống hình lưỡi dao. Khi bay, cổ co lại phía sau, chân duỗi thẳng dưới đuôi, cánh dang rộng, nhịp đập chậm, khoan thai, tiếng kêu rất to. Thức ăn của chúng là cá tôm, ếch nhái và một số loài côn trùng khác…

Năm 2001, ông bà được Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường tặng “Giải thưởng Môi trường”. Lễ trao giải diễn ra tại Huế. Tuy giải thưởng không lớn, chỉ 5 triệu đồng, nhưng cũng là một niềm an ủi, động viên rất lớn đối với ông bà.

Nhìn vợ chồng nhà giáo già thong thả dạo vườn, xung quanh là đàn cò nhởn nhơ, bất giác nhớ lại hai câu thơ của thi hào - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi hơn năm trăm năm trước:

“Cò nằm, hạc lặn, vầy bầu bạn

Ấp ủ cùng ta làm cái (mẹ) con”.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm