| Hotline: 0983.970.780

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: Không lấy thiết chế hành chính để "xử" tranh chấp lao động

Thứ Năm 17/11/2011 , 09:48 (GMT+7)

Bà Trương Thị Mai
Hôm qua, QH thảo luận tổ về Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi). Một trong những nội dung được các ĐB quan tâm đề cập là việc làm thế nào luật phải bảo vệ được quyền lợi cho người lao động.

Để làm rõ hơn vấn đề này, bên lề Quốc hội,  PV đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. 

Bà Mai cho biết: Tranh chấp tập thể là câu chuyện rất bình thường đối với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, khi người sử dụng lao động và người lao động có bất đồng không giải quyết được. Có rất nhiều cơ chế để giải quyết tranh chấp, nhưng ở ta, người lao động lại chọn đình công là giải pháp đầu tiên trong khi chúng ta cho phép đó là lựa chọn cuối cùng. 

Liệu Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có giải quyết được vấn đề này không? Hơn 3.000 cuộc đình công nhưng phần lớn không theo trình tự pháp luật. Nó sẽ đặt ra hai câu hỏi: Phải chăng pháp luật chưa thực sự hợp lý khiến cho người lao động không thể đi đúng trình tự hay người lao động chưa hiểu biết hết pháp luật? Bộ luật phải tính toán tiếp để có bước đi hợp lý.

Đình công là câu hỏi rất hóc búa mà chúng ta cần tập trung giải quyết. Phải làm sao để người lao động coi đó là bước đi cuối cùng khi muốn giải quyết mâu thuẫn. Tôi có nói với đại diện Chính phủ rằng, nếu sau khi sửa xong luật, có một phần cuộc đình công đi theo đúng trình tự pháp luật xem như chúng ta thành công rồi.

Tại sao người lao động lại chọn đình công là giải pháp cuối cùng? Kinh nghiệm của các nước trên thế giới như thế nào, thưa bà?

Trong quá trình tìm hiểu Bộ luật Lao động ở nhiều nước, tôi thấy Pháp cũng giống chúng ta, chọn đình công là giải pháp đầu tiên. Điều đó chứng tỏ rằng, những nơi người lao động yếu thế hơn nhiều thì sẽ chọn giải pháp mạnh đầu tiên khi không thương lượng, đối thoại tập thể với chủ được.

Vì vậy, trong bản thẩm tra, tôi có kiến nghị, yếu tố quan trọng đầu tiên là người đại diện cho người lao động phải mạnh thì mới đưa được các cuộc đình công theo trình tự đúng luật. Người sử dụng lao động và người đại diện lao động phải ở thế cân bằng thì mới có thể ngồi đối thoại về lợi ích tốt được. Ngoài ra, tất cả các thiết chế như hòa giải viên, trọng tài lao động phải cùng vận hành để hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động.

Nhưng ở đây, do chưa đạt được những điều như vậy nên người lao động chọn đình công là lẽ bình thường.

Thế nhưng các thiết chế đó đã có từ rất lâu rồi, thậm chí trước khi có Bộ luật Lao động, thưa bà?

Đúng vậy. Nhưng các thiết chế đó chưa thực sự hiệu quả. Hiện nay ở nhiều địa phương, khi có đình công thì tổ công tác liên ngành có thể do ông Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách trực tiếp đi gặp người chủ để đối thoại (giải quyết). Một vài vụ đình công được giải quyết sau đó 2- 3 ngày. Địa phương thấy như vậy thì đơn giản và dễ dàng quá nên cứ thế mà làm.

Tôi cũng đã cảnh báo rất nhiều địa phương rằng, nếu anh cứ áp dụng mãi thiết chế hành chính như vậy thì vô tình đã vô hiệu hóa các thiết chế kia và không phù hợp với thị trường lao động. Chẳng có đất nước nào kéo dài quá lâu cơ chế hành chính như thế này giống như ở Việt Nam. Chúng ta cần có một tổ chức trung gian hòa giải sẽ không gây áp lực đối với người sử dụng lao động và người lao động nữa.

Bà thấy các chủ doanh nghiệp đánh giá như thế nào về các thiết chế này?

Họ cũng thấy chính bản thân chưa làm theo Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, trong tương lai một thị trường lao động phát triển là thị trường có tất cả các thiết chế cùng vận hành. Một xã hội phát triển và ít tranh chấp luôn có quan hệ 3 bên: Chủ sử dụng lao động - Người lao động - Nhà nước (công đoàn).

Trong đó Nhà nước có vai trò hỗ trợ cho 2 bên kia đối thoại được với nhau mà không sử dụng hành chính. Nhà nước không chỉ có nhiệm vụ soạn thảo, ban hành các điều luật mà cũng phải là cầu nối để hai bên kia có thể đối thoại được với nhau.

Theo tôi, dù muốn hay không, thời gian tới công đoàn phải là đại diện thực sự cho người lao động và không được từ chối nhiệm vụ này. Nếu anh không làm được coi như anh không hoàn thành nhiệm vụ. Bước đi này cũng khá gian nan và không thể biến chuyển đơn giản trong một thời gian ngắn.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất