| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang: Người đồng hương và những cú lừa đảo ngoạn mục

Thứ Tư 30/06/2010 , 14:08 (GMT+7)

Nguỵ Thế Phương (SN 1971) trú tại thôn Đông Khánh, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của 31 người dân nghèo với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng.

Nguỵ Thế Phương (SN 1971) trú tại thôn Đông Khánh, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của 31 người dân nghèo với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng. Điều đáng nói, trong suốt thời gian dài, hoạt động một cách công khai theo kiểu “mafia” của Phương mà cơ quan quản lý nhà nước không hề hay biết.

Chúng tôi đã nghẹn lòng lại khi nhìn thấy ông Vũ Ngọc Thai ở thôn Tân Sơn, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đẩy chiếc xe lăn đi đi lại lại trên sân trước căn nhà tuềnh toàng xiêu vẹo. Người ngồi trên chiếc xe là con trai thứ ba của ông Thai tên là Vũ Văn Thùy bị cụt hai chân.

Thuỳ sinh năm 1986. Sau khi tốt nghiệp Trường CĐ công nghệ Sao Đỏ ở Hải Dương thì Thuỳ nhận quyết định vào làm việc ở một cơ quan tại tỉnh Hưng Yên. Trước 5 ngày để đi Hưng Yên, Thuỳ cố làm thêm việc ở một xưởng đóng gạch để kiếm ít tiền trang trải ban đầu nhưng không may chiếc máy nén gạch đã cán cả đôi chân Thuỳ vào trong và buộc Bệnh viện phải cắt đứt hai chân của em. Từ đó em thành người tàn phế. Người anh trai của Thùy tên là Vũ Văn Thuyên (SN 1983) sau khi học xong Trường CĐ Nghề xây dựng ở Thái Nguyên vì không xin được việc ở đâu nên xin bố mẹ là cho đi XKLĐ để kiếm chút vốn sau này về làm ăn. Cùng thời gian này trên địa bàn huyện Yên Dũng có một Cty chuyên môi giới người đi XKLĐ nên ông Thai bàn bạc với vợ và quyết định vay tiền cho Thuyên đi học tiếng và làm các thủ tục khác nhằm sớm đi XKLĐ sang Singapore.

Theo lời kể của ông Thai thì Nguỵ Thế Phương là GĐ Cty CP Việt Phương có trụ sở tại nhà riêng của Phương đóng tại xã Tư Mại- Yên Dũng đã đặt vấn đề với gia đình là sẽ sắp xếp cho Thuyên sớm được xuất cảnh. Nghe lời ngon ngọt của Phương nên ông Thai đã vay 7 cây vàng với lãi suất 2% để có tiền trao cho Phương. Giá vàng tại thời điểm đó của năm 2007 là 1 triệu đồng/chỉ. Tháng 4/2007, ông Thai trực tiếp giao 62 triệu đồng và hồ sơ cho Phương. 3 năm trôi qua, số tiền 62 triệu đồng Phương cầm của bố con ông Thai đến nay vẫn chưa được trả lại mà người thì không được xuất cảnh như đã cam kết. 

Ông Thai và người con trên chiếc xe lăn

“Tôi và mọi người tin lời thằng Phương vì cứ nghĩ nó có trụ sở làm việc, có con dấu, biên lai đỏ thu tiền nên không nghĩ rằng nó lại lừa những người đồng hương khốn khổ như chúng tôi”- ông Thai nói. Vậy là năm 2007 anh trai không được đi XKLĐ để kiếm tiền về trả nợ 7 cây vàng và phụ giúp gia đình thì đến đầu năm 2009 Thuỳ lại bị tai nạn cụt cả hai chân. Trong điều kiện nợ gốc không trả được, nợ lãi cứ đẻ ra, ông Thai đành cắn răng cầm cố mọi thứ trong nhà để kiếm đủ tiền chạy chữa cho Thuỳ. Giờ đây dư nợ của nhà ông lên đến hai trăm triệu đồng chưa kể lãi suất. Gia đình luôn trong cảnh túng bấn mọi đường.

Chung cảnh ngộ với gia đình ông Thai còn có 30 hộ gia đình nghèo khác. Chúng tôi tìm đến gia đình cụ Vũ Tuấn Sinh ngoài 70 tuổi có con trai là Vũ Tuấn Ninh- người cùng thôn với ông Thai để được nghe cụ Sinh kể về số tiền 162 triệu đồng bị Nguỵ Thế Phương chiếm đoạt. Cũng với chiêu thức môi giới đi XKLĐ của Phương mà cụ Sinh đã huy động toàn bộ tài sản gia đình hiện có và vay nóng 3 cây vàng đồng thời mượn anh em được 2.000 USD để kịp trao cho Phương mong sao Ninh sớm được xuất cảnh. “Khi thu tiền, Phương đều viết phiếu thu và biên nhận cho chúng tôi. Phương ký tên và dấu chức danh, dấu đỏ của Cty được đóng đầy đủ. Điều đó làm tôi tin và nhiều người cũng vậy”- cụ Sinh nói.

Chả hiểu Phương có phép bùa chú gì bí ẩn hay do người dân nghèo cả tin vào cái “bảo bối” là giấy phép kinh doanh của Sở KH- ĐT Bắc Giang cấp cho Phương mà hết người này đến người khác cứ giao tiền cho Phương. Người ít nhất là 36 triệu, kẻ nhiều nhất là 382 triệu đồng. Số hộ dân này đều vay mượn nợ nóng và cầm cố với lãi suất cao để có tiền giao cho Phương và chỉ cầm về một cái biên lai thu tiền, không có một sự chứng thực nào của chính quyền địa phương. Nợ cả gốc lẫn lãi hàng trăm triệu đồng giờ đây những người dân nghèo không thể chi trả.

Chiêu bài lừa đảo của Nguỵ Thế Phương

Từ năm 2004, Nguỵ Thế Phương làm môi giới XKLĐ cho một số Cty ở Hà Nội để hưởng chênh lệch. Bằng các thủ tục đơn giản nên tháng 3/2006, Phương làm hồ sơ gửi Sở KH- ĐT tỉnh Bắc Giang xin thành lập Cty CP. Sau khi có giấy phép kinh doanh của Sở này, Phương tiếp tục làm hồ sơ gửi Sở KH- ĐT tỉnh Hải Dương xin mở VP đại diện tại Hải Dương có trụ sở đặt tại nhà anh Tạ Văn Việt (Bắc An- Chí Linh- Hải Dương) và cũng đã được Sở này chấp thuận chỉ trong một thời gian cực ngắn.

Thực tế Cty CP Việt Phương đã không có hoạt động nào mang tính chất của một Cty TNHH, không có vốn như đã đăng ký. Cty không có thũ quỹ, kế toán. Phương hoạt động mang tính chất cá nhân và nhận thấy có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên các thành viên thuộc VP đại diện tại Hải Dương đã xin rút khỏi Cty. Ngày 12/10/2006, Phương ký QĐ giải thể VP đại diện và cho 3 thành viên là Ngô Văn Sơn, Tạ Văn Việt và Từ Văn Thịnh rút khỏi Cty và mỗi thành viên được nhận lại số tiền 125 triệu đồng. Song cả 3 người này đều không được nhận một đồng nào vì khi mở VP đại diện các thành viên đều không nộp một đồng nào cổ phần.

Tất cả con số trên văn bản của Phương đều là những con số ảo. Ngay cả 950 triệu đồng gọi là vốn điều lệ của Cty cũng không phải là con số thực. Lạ thay là Sở KH- ĐT hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương vẫn có đủ cơ sở để cấp giấy phép kinh doanh cho Phương? 

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất