| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang - “thành phố trung chuyển gà giống lậu”

Thứ Hai 22/10/2012 , 10:30 (GMT+7)

Theo điều tra của chúng tôi, khoảng 60% số xe chở gà giống nhập lậu từ Móng Cái đổ về Bắc Giang, từ Lạng Sơn là 40% và vài vạn con từ Cao Bằng về mỗi đêm. Nơi đây được coi là “thành phố trung chuyển gà giống lậu” khi có tới 7 ông chủ trung chuyển.

Theo điều tra của chúng tôi, khoảng 60% số xe chở gà giống nhập lậu từ Móng Cái đổ về Bắc Giang, từ Lạng Sơn là 40% và vài vạn con từ Cao Bằng về mỗi đêm. Nơi đây được coi là “thành phố trung chuyển gà giống lậu” khi có tới 7 ông chủ trung chuyển, trung bình mỗi đêm, mỗi ông chủ trung chuyển từ 1 vạn đến vài vạn con.

>> ''Bao luật'' khủng khiếp
>> Gà lậu đại náo Móng Cái
>> “Gà bay” quốc lộ 1
>> Giáp mặt trùm gà lậu chân Dốc Quýt
>> Mẻ lưới đầu tiên

Những “lô cốt” chứa gà trên đường Giáp Hải

Đêm đêm, cứ từ 2 giờ đến 6 giờ sáng, người dân trên đường Giáp Hải, thuộc địa phận phường Dĩnh Kế và phường Xương Giang, TP Bắc Giang (Bắc Giang) lại tỉnh giấc bởi những chiếc xe chở gà giống lậu từ các cửa khẩu Móng Cái, Hữu Nghị và Chi Ma về. Rồi từ đây, gà giống Trung Quốc nhập lậu được chuyển lên ô tô, xe máy vận chuyển về hầu hết các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định… và vào tận một số tỉnh ở miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí cả Đà Nẵng tiêu thụ.

Cũng như các địa điểm tập kết gà giống lậu khác, đường Giáp Hải có nhiều lối vào đường ra, nhưng cứ từ 1 giờ sáng, tất cả các lối vào đường ra của con đường này đều được “phong tỏa” bởi chim lợn, với hai vòng, vòng trong và vòng ngoài.

Hoạt động giữa phố, tất cả các ông chủ trung chuyển gà giống lậu ở đây, ngoài việc bố trí chim lợn, còn đều cho xây dựng những kho trung chuyển lớn nằm ngay cạnh những tòa nhà lộng lẫy của mình, có cả cửa trước, cửa sau. Khi ô tô chở gà từ Quảng Ninh và Lạng Sơn về là lùi đít vào trong kho, những cánh cửa lớn bằng sắt sẽ đóng sập lại kín mít. Sau khi xuống gà, các xe này lao ra ngoài đường đỗ, nhường chỗ cho những chiếc xe ô tô và xe máy vào trong lấy gà giống để vận chuyển đi các tỉnh. Người dân ở đường Giáp Hải gọi đó là nhưng “lô cốt” chứa gà giống lậu.

Sau đúng 3 ngày đêm mật phục, từ ngày 9-11/10 và phải cần đến gần chục vai diễn như người bán rau, người chạy thể dục, kẻ hành khất, đi cùng xe hốt rác… chúng tôi mới “chộp” được toàn bộ hoạt động trung chuyển gà giống nhập lậu tại khu vực này.

Trên đoạn  đường dài khoảng 1km có đến 5 ông chủ trung chuyển gà giống nhập lậu từ Trung Quốc. Lớn nhất phải kể đến anh em nhà Chung Hợp (số nhà 93 đường Giáp Hải) và Dung Thống (số nhà 86, đường Giáp Hải). Hai anh em nhà này, mỗi người trấn giữ một bên đường nhưng chỉ cách nhau ở khoảng cách trên 100 mét.

Đêm đầu tiên, chúng tôi mật phục trong một đống gỗ. Hơn 2 giờ sáng, chiếc xe ô tô 3,5 tấn biển số 34C-025XX (chiếc xe đã bị chúng tôi theo dõi từ Móng Cái) chở trên mình trên 2 vạn con gà giống 16 ngày tuổi đỗ xịch trước cửa ngôi nhà số 93. Do chiếc xe quá to không thể lùi vào kho được, đám bốc vác thuê vội vã mở cửa kho và vận chuyển các lồng gà từ chiếc xe 34C vào kho. Cùng thời điểm này, các xe máy mang biển số nhiều tỉnh bắt đầu vào “ăn” gà giống. Hàng vào – hàng ra, với tiếng kêu đồng thanh của hàng vạn con gà giống làm cho góc phố này trở nên nhộn nhịp.


Ông Chung Hợp bên chiếc xe 34C

Đến 3 giờ sáng, toàn bộ số lồng gà giống trên chiếc xe 34C (1 lồng đựng được khoảng 80 con gà giống 16 ngày tuổi, 2 vạn con gà tương đương 250 lồng gà) được bốc xong xuôi vào trong kho. Chiếc 34C chạy dịch lên khu đất trống đỗ, nhường chỗ cho hàng chục xe máy nối đuôi nhau vào trong kho chở gà giống đi phân phối tại các tỉnh. Khoảng 4 giờ sáng tôi phải bỏ vị trí phục kích vì tiếng sủa của một con chó của một ông già tập thể dục buổi sáng…

Đêm thứ hai chúng tôi phục “lô cốt” gà giống lậu số 86, tức là ông chủ Dung Thống – người anh em của ông chủ Chung Hợp. Vị trí phục kích chúng tôi chọn là trụ sở Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang. Từ tòa nhà của Chi cục Thú y Bắc Giang sang nhà Dung Thống phía bên kia đường chỉ vài chục mét, có đèn điện chiếu sáng, hoàn toàn nằm trong tầm hoạt động của máy quay. Ngoài vị trí này, toàn bộ khu vực không có vị trí nào khác cho chúng tôi lẩn mình trong đêm.

Nằm phục từ hơn 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng vẫn chưa có xe gà giống lậu nào về số nhà 86. Trong khi đó, PV Đắc Thành ngoài QL1 thông báo đã có 4 xe gà giống vào đường Giáp Hải. Đến hơn 3 giờ sáng, cuối cùng cũng có 2 chiếc ô tô chở đầy gà giống lậu cập số nhà 86, nhưng chúng nhanh chóng chui tọt vào trong “lô cốt” này. Trong lô cốt, tiếng gà kêu inh ỏi, và tiếng người nói rộn ràng.

Không thể quay được cảnh này, tôi quyết định lột quần áo, mặc quần ngố, đi đôi giày đánh tenis, xách một cái hộp trong đặt máy quay giả bộ chạy tập thể dục qua để thám thính. 3 giờ 30 sáng ngày 10/10, chiếc xe ô tô biển số 98C-00469 chui ra phía cửa sau đỗ, chiếc xe còn lại biển số 98C-020XX chui ra cửa trước đỗ.

Trong khi đó, 1 chiếc ô tô khác 1,5 tấn, biển Hà Nội chở đầy gà giống lao ra phía cửa trước rồi phi vào trung tâm TP Bắc Giang biến mất trong đêm. Bên trong, còn một chiếc ô tô 1,5 tấn nữa đang được xếp gà lên. Những chiếc xe máy đến nhận gà phải đỗ ở bên ngoài. Càng về sáng, việc vận chuyển gà giống nhập lậu lên ô tô và xe máy càng sôi động và toàn bộ hình ảnh đó đã bị chúng tôi “chộp” gọn trong clip.

Chạy thể dục dọc qua khu vực số nhà 86, số nhà 258, số nhà 365, gà giống được bốc xuống, bốc lên, xe chở về, xe chở đi hết sức nhộn nhịp…

Giáp mặt các ông chủ trung chuyển

Ngay sau khi phục kích “lô cốt” nhà Chung Hợp, 8 giờ sáng hôm sau, trong vai người tìm mối mua gà giống Trung Quốc, chúng tôi đến gặp ông chủ này khi ông và bà vợ đang bận rộn xuất hàng cho các xe máy, chiếc xe ô tô 34C – 025XX đã bốc những chiếc lồng không lên xe để quay đầu lại Móng Cái cho chuyến hàng đêm nay.


Chiếc xe 34C đổ gà giống xuống, xe máy bốc gà giống lên đi tiêu thụ

Ông Chung nói: “Hôm qua hàng về muộn, do biên giới Móng Cái họ báo có “biến”, đường lúc thông lúc tắc, nên ban ngày vẫn phải xuất hàng đi, chứ bình thường, trời sáng thì công việc nhập về và xuất đi đã hoàn thành. Hiện phía Lạng Sơn họ đang làm căng thì chú quay ra Móng Cái. Móng Cái mà căng thì lại quay về Lạng Sơn. Nó chả thể chặt mãi được”.

Ông Chung đưa tôi ra xem kho chứa gà, chỉ cho chúng tôi xem các loại gà trong kho, gà Trung Quốc ông đang nuôi được hơn 1kg để giới thiệu, rồi chỉ vào chiếc xe ô tô biển 34C đỗ cửa: “Đây, xe này từ Móng Cái về đêm qua. Mỗi chuyến nó cõng được trên 2 vạn con từ 16 ngày tuổi trở lên. Còn 1 ngày tuổi, thì nó có thể chở được gần 10 vạn con. Nhà chú không chỉ có 1 xe này, mà nhiều xe khác. Nguồn hàng là vô tận, lấy chục vạn mỗi đêm chú cũng có thể cung cấp cho các cháu được, ông trùm loại gà này ở Trung Quốc lúc nào cũng sẵn sàng, nếu các cháu chở vào được đến Nghệ An. Tuy nhiên, nếu lấy hàng thì các cháu phải chuyển tiền bảo đảm trước là 50%. Khi các cháu nhận hàng thì trả nốt phần còn lại”.


Sáng hôm sau, chiếc 34C chỉ còn lồng không chuẩn bị quay đầu đi Móng Cái

“Dù là hàng nhập lậu, nhưng cháu lấy hàng của chú ở đây chuyển đi, chả ai bắt cháu cả. Nếu các cháu có xe chở, xe chạy trên đất Bắc Giang chú lo cho hết. Từ Bắc Giang trở đi thì các cháu phải tự lo luật. Chú làm loại gà này mấy chục năm nay rồi, ở đất này cũng có nhiều anh em khác làm nữa, nhưng chả khi nào bị bắt cả. Nó mà bắt (ý nói các cơ quan chức năng) thì bắt lúc nào chả được. Mình phải bao thôi. Chi cục Thú y ở đây họ không cấp giấy kiểm dịch cho mình đi các tỉnh, nhưng họ làm ngơ cho mình làm là tốt rồi, vì đây là hàng lậu mà” – ông Chung khoe.

“Hiện nay gà của chú về khu vực giống gia cầm Phú Xuyên (Hà Nội) là nhiều nhất, rồi từ Phú Xuyên anh em nó lại chuyển đi các tỉnh. Chú chỉ xuất gà cho các ông chủ lớn thôi. Xe máy đến đây nhận gà chủ yếu là đội quân xe ôm của chú, chở về cho các ông chủ ở Phú Xuyên, vì chỉ khi nào đường “thông” đi ô tô trên địa phận Hà Nội mới được, còn lại, để lách, phải dùng các xe máy chở. Các tư thương dùng xe máy đến đây mua về cũng có, nhưng ít. Cứ nghiên cứu rồi điện cho chú theo số: 016830XXXXX hoặc số của cô: 0979750XXX” - ông Chung chốt lại.


Gà giống lậu nhập từ Trung Quốc về được bày công khai tại kho nhà ông Chung Hợp

Sáng ngày thứ 3, tức ngày 11/10, chúng tôi hóa trang, mỗi người một xe máy, ung dung đi trên đoạn đường Giáp Hải. “Lô cốt” của 5 ông chủ trung chuyển gà giống Trung Quốc trên đoạn đường này cái nào đã xuất hết gà thì mở toang, cái nào còn gà thì vẫn đóng kín.

Nhưng, có gần 10 chiếc xe ô tô đang nhận những chiếc lồng không và bảo dưỡng để chuẩn bị lên đường ngược Lạng Sơn, đến Móng Cái để nhận gà lậu. Một đêm trung chuyển gà giống lậu trên đường Giáp Hải lại sắp diễn ra ở giữa “thành phố gà giống lậu”.

Cũng ngay sau đêm phục kích “lô cốt” nhà người anh em ông Chung Hợp, chúng tôi tìm đến bà Thủy, số ĐT 0168660XXXX, ở số nhà 365 đường Giáp Hải. Bà Thủy khẳng định: “Gà giống nhập qua Lạng Sơn, Móng Cái về lúc nào cũng có. Hiện nay mỗi đêm chị làm vạn, hai vạn con theo nhu cầu của người mua. Em đặt 1 vạn con một đêm chị cũng cung cấp được. Nếu vận chuyển bằng xe máy về Hưng Yên mỗi chuyến cộng thêm 500 ngàn đồng. Nếu vận chuyển bằng ô tô, xe nhỏ có, to có. Xe tấn rưỡi chở được gần 1 vạn con thì cộng thêm cước xe 3 triệu đồng/chuyến”.

Sau khi tiếp xúc với hai ông chủ ở đường Giáp Hải, chúng tôi đến bến xe Bắc Giang. Tại đây, một số lượng gà giống không nhỏ được vận chuyển theo đường xe khách từ Lạng Sơn về và vận chuyển từ Bắc Giang đi các tỉnh.

Xuôi QL1 cũ, đến thị tứ Tam Tầng, xã Quang Châu, huyện Việt Yên – giáp ranh với tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi tìm gặp “Hùng Vịt”. Mắt đỏ ngầu, “Hùng Vịt” tiếp chúng tôi nói: “Đợt này Lạng Sơn nó làm căng, tôi phải nhập gà giống từ cửa khẩu Trà Lĩnh ở Cao Bằng về. Mỗi đêm làm vạn, vài vạn theo nhu cầu của khách. Nếu anh mở được thị trường Hưng Yên, Hải Dương thì tốt, vì hiện nay tôi đang cấp cho các thị trường Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ và khu vực Bắc Giang – Bắc Ninh giáp ranh nhau thôi. Số lượng, không phải nghĩ. Tôi có 2 xe, nếu tôi chở, cộng thêm 500 đồng/con gà con. Có gì cứ điện thoại 0913259XXX”.


Xe ô tô trước cửa số nhà 365 và 2 chiếc của "Hùng Vịt" đang nghỉ để chuẩn bị cho 1 đêm chở gà lậu nữa

Đằng sau, 2 chiếc ô tô, 1 chiếc biển số 99C-000XX vẫn còn đầy bùn đất sau 1 đêm chạy từ tận Cao Bằng về và đám lính của “Hùng Vịt” vẫn đang say sưa trong giấc ngủ sau một đêm vật lộn với gà giống nhập lậu. (Còn nữa)

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm