| Hotline: 0983.970.780

Bắc Hà (Lào Cai): Cải thiện dinh dưỡng cho bà con vùng khó khăn

Thứ Sáu 22/11/2019 , 10:30 (GMT+7)

Hoàng Thu Phố là một trong những xã nghèo nhất của huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ở đây, hơn nửa thời gian trong năm là mây mù, do vậy việc nuôi trồng của bà con gặp nhiều khó khăn, nên cái ăn, cái mặc chưa được đảm bảo.

09-25-04_g1
Những con gà được cấp phát cho các hộ dân nghèo ở xã Hoàng Thu Phố.

Trước thực trạng đó, những hộ nghèo ở đây đã được hỗ trợ gà đẻ trứng nhằm cải thiện dinh dưỡng hằng ngày.
 

Nhà có gì ăn nấy

Xã Hoàng Thu Phố nằm cách trung tâm huyện hơn 12km, địa hình có độ dốc cao. Bà con sinh sống ở đây chủ yếu là người Mông và cơ bản đến nay họ vẫn còn giữ được những phong tục truyền thống văn hóa đặc sắc riêng.

Toàn xã Hoàng Thu Phố hiện có hơn 545 hộ với trên 3.000 nhân khẩu thì có tới 200 gia đình thuộc diện hộ nghèo. Để phát triển kinh tế cho người dân, từ chương trình 135, xã đã hỗ trợ triển khai trồng được 5ha mận Tả Van và đang tiếp tục xin Sở NN- PTNT tỉnh Lào Cai hỗ trợ trồng mỗi năm 5ha để nhân rộng cây trồng này.

Ngoài một số hộ đã bứt lên chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, canh tác sản xuất ngô hàng hóa, lúa, đậu tương, đặc biệt là chè cổ thụ… để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, có nhiều hộ vẫn khó khăn dù không đến mức thiếu đói nhưng bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng, chỉ cơm rau qua ngày. Trong khi đó, những người trong hộ này đang ở độ tuổi lao động và cả các cháu nhỏ nên bữa ăn đủ chất hết sức quan trọng.

Ông Tráng Seo Gà (thôn Chồ Chải) bao lâu nay gia đình nhà ông vẫn ở trong căn nhà gỗ. Gió thổi qua các khe hở, ngồi trong nhà cũng thấy được cái lạnh bên ngoài. Ông Gà cho biết, nhà tôi có 5 khẩu, đứa bé nhất học lớp 5. Hằng ngày, bữa cơm có rau bắp cải. Thịt trâu, thịt lợn 1-2 tuần mới có một bữa. Nhà tôi có gì ăn nấy chứ không đi chợ mua. Cũng theo ông Gà đi chợ là phải có tiền mặt, nhưng tiền thì không phải lúc nào cũng có.

Cũng như những hộ khác trong thôn, ở đây họ quan niệm việc ăn uống khá đơn giản. Ông Vàng Seo Chính (thôn Chồ Chải), nhà có 2 lao động chính là vợ chồng ông và 2 con nhỏ. Nhìn ai cũng nhỏ thó và có phần còi cọc. Ông Chính cho biết, bữa có thịt bữa không chứ, vẫn ăn như thế mà vẫn khỏe.

Chị Hàng Thị Mố (thôn Chồ Chải) nhà có 2 con nhỏ cho biết: "Do thiếu kiến thức về dinh dưỡng nên lâu nay cả nhà ăn thế nào thì các con cũng ăn như thế. Được cán bộ y tế xã tuyên truyền, vợ chồng tôi đã bắt đầu tích cực tận dụng đất vườn quanh nhà để trồng rau xanh, chăn nuôi thêm con gà, con vịt…

Thấy con còi, tôi cũng đưa cháu đi khám, kiểm tra sức khỏe, theo dõi về chiều cao, cân nặng để có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý nhưng nói thật là gia đình còn khó khăn lắm".

Chính quan niệm trên của những người dân và một phần do kinh tế gia đình khó khăn, sinh hoạt bằng tự cung tự cấp nên bữa ăn không được chú trọng. Bà Thảo Thị Mỷ, người cùng thôn cho biết, kinh tế gia đình khó khăn quá nên có muốn mua gì cũng khó. Thi thoảng mới được bữa ngon thôi.
 

Hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng

Trước sự thực trạng trên, cách đây hơn 1 tháng, những hộ nghèo đặc biệt khó khăn ở xã Hoàng Thu Phố được cấp gà nuôi lấy trứng nhằm cải thiện chất lượng dinh dưỡng cho các hộ gia đình.

Ông Giàng Seo Vềnh – Chủ tịch xã Hoàng Thu Phố cho biết, chương trình này là mô hình nông nghiệp dinh dưỡng do Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN- PTNT) hỗ trợ. Mô hình dinh dưỡng này là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi ở nhiều gia đình nhằm góp phần cung cấp thực phẩm bổ sung trong các bữa ăn hằng ngày.

Sau khi khảo sát thực tế trên địa bàn thì chương trình triển khai ở 2 thôn là Chồ Chải, Hoàng Hạ với tổng số 46 hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Các thôn khác cũng có hộ nghèo, khó khăn nhưng vốn của chương trình hiện mới có thể làm được như vậy. Theo đó, mỗi hộ được cấp phát 20 con gà ri lai, trong đó 18 gà mái và 2 gà trống, cám cho gà ăn. Như vậy, tổng số gà được phát là 920 con, trị giá hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ra, dự án đã tiến hành hỗ trợ giống đậu tương, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và máy làm đậu cho 46 hộ tham gia mô hình. Tổng diện tích đất được hỗ trợ là 3,5 ha. Đối với máy làm đậu sẽ được đặt ở điểm thuận tiện nhất trong thôn để các hộ có thể tự vận hành sử dụng. Mục tiêu năng suất đạt 50-80kg đậu tương/sào.

Nhận được gà, bà Thào Thị Mỷ (thôn Chồ Chải) phấn khởi ra mặt. Bà Mỹ kỳ vọng, khoảng 1-2 tháng nữa gà sẽ cho trứng và với số lượng gà mái gần 20 con khả năng đủ trứng cho cả nhà 4 người ăn vì hôm nay con này đẻ, mai con khác lại đẻ…

09-25-04_g2
Người dân phấn khởi chăm sóc mong gà sớm đẻ trứng để phục vụ bữa ăn hằng ngày.

Ông Phàn Đức là cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: "Gà phát cho những hộ dân ở 2 thôn là gà đã trưởng thành cân nặng từ 1,3-1,6kg và đều được tiêm thuốc phòng dịch bệnh. Giống gà ri lai này cơ bản phù hợp với khí hậu điều kiện chăn thả ở địa phương.

Sau khi bàn giao gà cho các hộ dân, chúng tôi hướng dẫn bà con xây hoặc dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm nuôi để đảm bảo để gà tốt nhất. Trường hợp, gà ốm hoặc có vấn đề gì thì phải báo để xử lý, mua thuốc để tiêm…".

Ông Đức cũng lưu ý với bà con nhận gà giống, mùa đông sắp tới đặc biệt là ở Hoàng Thu Phố thời tiết đã khá lạnh nên cần quan tâm việc giữ ấm cho gà. Cách đơn giản nhất mà hiệu quả là thắp bóng đèn trong chuồng để giữ ấm cho đàn gà. Có như thế gà mới khỏe và cho nhiều trứng.

Ông Giàng Seo Vềnh cho biết, người dân tại đây chủ yếu tự cung tự cấp. 100% đồng bào thiểu số sống phụ thuộc vào nông nghiệp bằng trồng lúa và ngô, do vậy chương trình dinh dưỡng này rất hiệu quả. Trong quá trình triển khai các chương trình phát triển kinh tế- xã hội cũng như chương trình dinh dưỡng, các hộ dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ cũng chỉ triển khai được một số hộ, nên người dân cũng như chính quyền xã mong muốn thời gian tới chương trình sẽ triển khai rộng rãi hơn nữa.

Song cũng theo ông Vềnh, sự hỗ trợ cũng chỉ là một phần chứ không phải là hoàn toàn. Quan trọng là cần tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức về việc phát triển thể lực, tầm vóc cho người dân thông qua việc nâng cao nhận thức về thực hành dinh dưỡng ngay tại gia đình.

Qua đó nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Để làm được điều này thì cần tạo được động lực phát triển kinh tế cho người dân, có thu nhập, khi đó cái ăn, cái mặc, bà con cũng quan tâm hơn.

Mỗi hộ dân ở thôn Chồ Chải và Hoàng Hạ (xã Hoàng Thu Phố) được cấp 20 con gà giống và hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, vắc xin, thức ăn chăn nuôi với mục tiêu 80% số gà được cấp sẽ đẻ trứng sau 2 tháng nuôi và chăm sóc.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.