| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn: Kinh tế rừng chưa xứng tiềm năng

Thứ Năm 15/10/2015 , 09:09 (GMT+7)

Là tỉnh vùng cao, có diện tích tư nhiên rộng hơn 480.000 ha, dân cư thưa thớt, chưa đến 30 vạn người và 95% diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là đất rừng, đất lâm nghiệp.

Thế nhưng, kinh tế từ đất rừng, đất lâm nghiệp đem lại cho người dân nơi đây còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng…

Rừng chưa giúp dân no ấm

So với các tỉnh trong khu vực Việt Bắc, quỹ đất rừng và đất lâm nghiệp Bắc Kạn là rất lớn, với 432.387 ha. Trong đó có 303.675 ha đất được quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp. Với quỹ đất lớn, thổ nhưỡng khá màu mỡ, rất thuận lợi cho trồng cây lâm nghiệp và phát triển nghề rừng.

Tuy nhiên, chủ yếu là núi cao, địa hình hiểm trở, nên suốt nhiều năm qua, kinh tế rừng của Bắc Kạn vẫnđược nông dân phát triển theo lối tự phát, chưa tạo thành sản phẩm hàng hoá có sức cạnh tranh theo mùa vụ như những địa phương khác, do đó, quỹ đất rừng và đất lâm nghiệp chưa phát huy hiệu quả như mong muốn và hầu như chưa thể giúp nông dân yên tâm sống bằng nghề trồng rừng.

Chính vì thế, nhiều quỹ đất thuận tiện cho việc trồng cây lâm nghiệp, nhưng vẫn được nông dân quen dùng để trồng những cây lương thực ngắn ngày như: Khoai, sắn, bí, ngô, đỗ tương. Vì những cây lương thực giúp cho người dân có thứ ăn trước mắt. Điển hình nhất là các huyện; Ngân Sơn, Pác Nặm, Ba Bể vẫn có nhiều diện tích đất lâm nghiệp có thể phát huy thế mạnh của cây công nghiệp, cây đặc sản, nhưng phần lớn đã được nông dân quy hoạch thành những nương rẫy cố định, để trồng cácloại cây lương thực ngắn ngày như; ngô, sắn, khoai… với mục đích nhanh được thu hoạch, sớm hồi vốn.

Hầu hết những nông dân được hỏi, họ đều biết giá trị của những cây công nghiệp, cây đặc sản hoặc cây gỗ quý sẽ có giá trị cao hơn nhiều so với trồng cây lương thực, nhưng do thiếu vốn đầu tư, nên họ phải nhìn vào lợi nhuận phía trước.

Ông Lý Kim Tiến, thôn Tân Cư, xã Xuất Hoá thị xã Bắc Kạn là những người đi đầu trong phong trào trồng rừng và sống bằng nghề rừng tại tỉnh Bắc Kạn. Bởi những năm 1990 của thế kỷ trước, ông đã mạnh bạo nhận giống cây mỡ về, sau đó thuê lao động cuốc hốc, để trồng trên diện tích khoảng 17 ha đất lâm nghiệp của gia đình.


Cây mỡ vẫn được ươm trồng phổ biến tại Bắc Kạn

Đến năm 2000, gia đình ông thu hoạch vụ gỗ đầu tiên, những cây mỡ thẳng tắp dài từ 6 đến 8 mét, đường kính gốc to nhất gần 30cm. Cứ tưởng khi bán hết rừng, sẽ có tích luỹ dưỡng già. Thế nhưng, bán sạch cả rừng mới thu được số tiền đủ trang trải tiền thuê người trồng, chăm sóc và may mắn là còn dư được chút ít, đủ tiền mua cây giống và tiếp tục thuê dân trồng lại diện tích rừng đã chặt hạ.

Cũng theo cách tính của ông Tiến, thì cây keo và cây mỡ là 2 giống cây được ươm trồng phổ biến tại các vườn ươm của Bắc Kạn, có lợi thế là giá cây giống rẻ, dễ trồng, nhanh lớn. Thế nhưng, loại cây này có nhược điểm là giá bán rẻ như gỗ tạp, lúc chặt hạ chỉ bán cho những cơ sở thu gom về làm gỗ chống hầm lò, hoặc băm nhỏ làm gỗ ép, nên giá trị kinh tế rất thấp. Do đó, sau khi trồng lại rừng, ông đã  tìm mua thêm những loại cây ăn quả, cây gỗ quý bản địa để trồng xen canh, với hy vọng sau này sẽ có cơ hội thu được món tiền lớn hơn.

Nhìn chung, những người có những cánh rừng đẹp, có thể bán thu được hàng trăm triệu đồng hiện nay, phần lớn thuộc về những người có điều kiện kinh tế khá giả, hoặc những nhà nông đã có ruộng, vườn và đất bãi trồng cây lương thực, đủ để nuôi sống gia đình. Do đó, công việc trồng rừng cốt để giữ đất, với hy vọng sau vài năm được thu hoạch, sẽ có tích luỹ để sửa sang nhà cửa, hoặc mua sắm những vật dụng đắt tiền, bởi trong họ chưa có khái niệm sẽ sống và làm giàu bằng nghề rừng.

Cây gỗ keo, mỡ, xoan phải trồng khoảng trên 10 năm mới được đường kính gốc 35cm. Nhưng giá mỗi m3 gỗ tròn rất bèo bọt. Thời điểm cao giá nhất trong 5 năm trở lại đây, thì gỗ keo cũngchỉ được 1,5 triệu đồng/m3;mỡ bán được khoảng 2 triệu; xoan ta mức 3 triệu. Chỉ có gỗ lát bán được từ 9 đến 10 triệu đồng/m3, vì là gỗ quý nên thủ tục rất phức tạp. Cũng theo những người trồng rừng, giá gỗ cao hay thấp còn tuỳ thuộc vào cung đường vận chuyển và điều kiện pháp lý. Nếu lực lượng kiểm lâm của huyện nào “thích làm khó” với thương lái, thì cây rừng sẽ bị ế ẩm, vì không ai đến thu mua.

Cũng do địa hình hiểm trở, nên trồng rừng đã khó, đến khi được thu hoạch còn thêm các loại thủ tục, giấy tờ “làm khó” đối với chủ rừng và những người kinh doanh hàng lâm sản, nên nhiều nông dâncủa huyện; Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Bạch Thông...đã có vườn rừng đến kỳ khai thác, nhưng cũng chẳng buồn thuê người chặt hạ. Vì địa hình phức tạp, độ dốc cao, đường vận chuyển từ trong rừng đến đường xe ô tô quá tốn kém, do đó tiền thuê người chặt, khuôn vác ra đến nơi tập kết coi như hoà, nên nhiều người trồng rừng vẫn với mục đích để giữ đất đồi rừng, nhằm tránh người khác xâm lấn đất “ông cha”, vì họ chưa có tính đến hiệu quả từ những đồng vốn bỏ ra để trồng rừng.

Nghèo vì trồng cây gỗ tạp

Cho đến hết năm 2014, Bắc Kạncó 99.585 ha rừng trồng các loại đang trong giai đoạn phát triển, tuổi cây rừng từ 1 đến 16 năm, chỉ có số ít đã trồng hơn 20 năm về trước. Trong đó, vẫn chủ yếu là các loại cây giá trị kinh tế thấp như: Trúc sào, luồng, mỡ, sấu, tre… Những cây trồng gọi là chủ lực vẫn thuộc nhóm cây ngoại lai quen thuộc như;cây keo có 20.462 ha, nhóm các loại hỗ giao giữa cây bản địa và ngoại lai như: lát, quế trồng xen canh khoảng hơn 11.000 ha, còn nhóm cây tạp bản địa phổ biến nhất như: Chè sham tuyết, hồi, trám, xoan ta, bồ đề, thông là hơn 60.000 ha. Ngoài ra, còn số ít những cây quý hiếm như lát hoa, đinh, nghiến đã được số ít người dân tự trồng phân tán trong vườn rừng ở nơi gần nhà.

Trong 5 năm qua, diện tích có rừng của Bắc Kạn khá lớn, độ che phủ của thảm thực vật luôn duy trì mức 65 đến 72%, nhưng các cây trồng vẫn chủ yếu là những loại gỗ tạp phổ thông, giá trị kinh tế thấp, cùng với điều kiện địa hình phức tạp thì việc trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch sẽ không còn lợi nhuận cao.

Trong khi, điều kiện tự nhiên của Bắc Kạn mát mẻ quanh năm, nhiều rừng có núi đá vôi, rất phù hợp với các loại gỗ quý như: Đinh, nghiến, lát hoa, thông đá. Tuy nhiên, chính sách phát triển các loại cây quý hiếm bản địa đã không được chính quyền hướng dẫn người dân trồng, nên các vườn ươm chưa quan tâm tạo cây giống. Từ đó, diện tích rừng trồng lớn, cây rừng phát triển nhanh, đạt sinh khối bình quân từ 10 đến 15m3/ha/năm, những nơi rừng đạt  trên 10 năm tuổi sẽ có sinh khối trên 80 /ha/năm. Tổng sản lượng gỗ nguyên liệu được khai thác hàng năm đạt bình quân từ 230 đến 250.000m3 gỗ nguyên liệu.


Gỗ tạp được sơ chế tại huyện Chợ Mới

Tuy sản lượng gỗ hàng năm của Bắc Kạn rất lớn, nhưng giá trị tiền thu về cho người trồng rừng còn thấp, bởi chủ yếu là gỗ tạp rẻ tiền, trong đó nhân công trồng, chăm sóc, cắt hạ chủ yếu bằng phương pháp thủ công, sức người là chính.Chi phí tiền nhân công lao động cao đã làm cho nông dân không còn lời lãi.

Do đó, trong chiến lược phát triển nghề rừng những năm gần đây, Bắc Kạn đã mời gọi những nhà đầu tư có vốn dài hơi đầu tư vào nghề rừng từ trồng rừng đến chế biến, trong đó ưu tiên phát triển cây có giá trị cao như quế, hồi.

Ngoài ra, các vườn ươm đã chủ động lựa chọn các cây giống tốt, đủ tiêu chuẩn để thực hiện thu hái hạt và tạo mầm giống giúp nông dân đa dạng sản phẩm cây lâm nghiệp, giúp cho những người có điều kiện kinh tế tham gia trồng rừng đặc sản, nhằm từng bước đa dạng hoá các sản phẩm lâm sản của địa phương.

Không chỉ liên quan đến vốn của người dân còn hạn chế, cùng với đó là những nút buộc của cơ chế và pháp lý chưa rõ ràng giữa gỗ quý hiếm được thu hoạch từ rừng trồng với gỗ quý hiếm rừng tự nhiên, dẫn đến người dân Bắc Kạn vẫn chưa dámđầu tư trồng cây gỗ đặc sản, hoặc chưa thật sự mặn mà với nhóm cây trồng bản địa quý hiếm như: Nghiến, đinh, lát, thông đá.

Bởi cây trồng quý hiếm vẫn chưa có lối ra trong tiêu thụ sản phẩm, nếu nông dân có trồng được cây gỗ quý, sau hơn 10 năm, lỡ nông dân muốn chặt bán, sẽ gặp các thủ tục rắc rối, vì nơi cửa rừng các loại gỗ quý hiếm sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra rất chặt chẽ, nếu không có cơ chế rõ ràng, rất có thể nông dân sẽ gặp rắc rối về mặt pháp lý, khiến họ không mặn mà, nên cơ cấu trồng rừng suốt 20 năm qua vẫn là cơ cấu những loại gỗ tạp mau lớn, dễ trồng, dễ bán. Do đó, vòng luẩn quẩn trong lựa chọn cây giống cứ mãi bám vào người nông dân, và chưa có cuộc thay đổi cơ cấu cây giống, thì chưa thể giúp nông dân gắn bó với nghề rừng để thoát nghèo.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất