| Hotline: 0983.970.780

Bắc Ninh đổi đời từ nuôi thủy sản

Thứ Năm 12/01/2017 , 08:35 (GMT+7)

Nuôi trồng thủy sản đang là hướng đi mới, bước đột phá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Bắc Ninh. Nhiều nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Hướng đi mới

Theo Chi cục Thủy sản Bắc Ninh, năm 2016 diện tích thuỷ sản toàn tỉnh ước đạt 5.352ha. Số lượng lồng nuôi cá trên sông 1.525 lồng, tăng 2 lần so với năm 2015 (năm 2015 là 739 lồng). Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 37.900 tấn, tăng 2,52% so với năm 2015. Giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt 1.289 tỷ đồng.

10-43-49_nh-1-21
Mô hình nuôi cá mang lại thu nhập tiền tỷ cho anh Khoa
 

Toàn tỉnh sản xuất được 226,3 triệu con giống các loại, đạt 96,3% kế hoạch, bằng 100% cùng kỳ; trong đó cá bột đạt 111 triệu con, cá hương đạt 68 triệu con, cá giống đạt 43 triệu con. Riêng đối với hỗ trợ nuôi cá lồng trên sông, các huyện phát triển mạnh như Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ, Tiên Du. Các huyện đang triển khai thực hiện hỗ trợ theo kế hoạch và nghiệm thu để thanh toán hỗ trợ cho các hộ theo chính sách.

Theo ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh: “Nuôi trồng thủy sản ở tỉnh chủ yếu nuôi nội đồng là chính. Những năm gần đây chưa chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, dịch bệnh. Nuôi thủy sản trở thành nghề cơ bản, nguồn thu nhập chính của người dân. Chưa tính các trang trại tập trung, đối với các ao nhỏ, lẻ đạt năng suất rất cao, 1ha/năm cho bà con nông dân khoảng 50 - 60 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng.”

Trong thời gian tới, Chi cục phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện nắm bắt kịp thời diễn biến thời tiết, tình sản xuất thủy sản tại các vùng nuôi cá lồng, nuôi cá thâm canh tập trung để có biện pháp chỉ đạo hướng dẫn kịp thời. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thức ăn thuỷ sản, chế phẩm sinh học và xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản. Tham mưu, quản lý, chỉ đạo phát triển nuôi cá lồng tại sông Đuống, sông Thái Bình theo quy hoạch, kế hoạch…
 

Giàu lên

Để mắt thấy tai nghe trước những đột phá, bước tiến trong nuôi trồng thủy sản ở Bắc Ninh, chúng tôi đi tham quan thực tế một số mô hình nuôi cá, nuôi baba ở một số địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình đã thoát được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu, thu nhập tiền tỷ/năm.

Tìm đến gia đình được mệnh danh “vua cá” Nguyễn Văn Khoa ở thôn Phương Thanh (xã Phú Hòa, huyện Lương Tài), chúng tôi bất ngờ về quy mô và hiệu quả nuôi cá mang lại cho gia đình anh. Hiện tại, trang trại nhà anh với quy mô lên đến 4,2ha, trong đó hơn 3ha nuôi cá, chủ yếu là cá chép, cá trắm, cá rô phi… Tính trung bình, một năm anh xuất hơn 60 tấn cá ra thị trường.

10-43-49_nh-2-23
Anh Khoa đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi cá
 

Anh Khoa khoe: “Tôi nuôi cá 20 năm nay rồi. Ngày trước nghèo lắm, nhưng nhờ nuôi cá, gia đình tôi mới thoát được nghèo, còn làm giàu. Cũng từ nuôi cá mà giờ tôi có tiền mua hơn chục miếng đất, con cái học hành đầy đủ, có tiền xây nhà mới, sắm sửa mọi tiện nghi trong nhà…”.

Năm nay, trang trại của anh Khoa có hơn 40 tấn cá phục vụ tết Nguyên đán, đang được các thương lái đến đặt trước. Theo anh, một năm 2 lứa cá, cho gia đình thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Kết hợp vườn ao chuồng, hơn 1 nghìn con lợn, tính ra anh thu về hơn 7 tỷ đồng/năm.

Hơn thế, anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân trong những ngày nông nhàn, trang trại thường xuyên có 7 lao động. “Nếu quyết tâm cùng với kiên trì, nuôi cá không khó mà còn đơn giản. Nếu làm tốt, mỗi ngày tiền lãi không dưới 2 triệu đồng, 2 năm thu hoạch ít nhất 3 lứa, thu lãi 30 triệu đồng/sào vừa làm, vừa chơi”, anh chia sẻ thêm.

Tạm biệt mô hình nuôi cá thu nhập tiền tỷ của anh Khoa, chúng tôi lại tìm đến mô hình nuôi baba của ông Chu Quang Ngà ở thôn Thọ Linh (xã Phú Lương, huyện Lương Tài). Hiện gia đình ông đang xây dựng thêm bể nuôi có diện tích 5.000m2 nuôi baba gai.

10-43-49_nh-3-10
Mô hình nuôi baba gai của ông Ngà
 

Đang tất bật cùng các con xây dựng ao thả baba mới, gặp chúng tôi, ông Ngà niềm nở: “Tôi thấy nuôi baba là hiệu quả nhất, dễ hơn nuôi cá. Nhu cầu thị trường ngày càng lớn, không nuôi được mà bán. Nuôi baba không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu. Chỉ có diện tích 84m2, nuôi 50 con mà nhiều gia đình thu về gần 90 triệu đồng. Không chỉ cho thu nhập cao, nuôi baba còn rất nhàn hạ, không cần nhiều người, không phân biệt già, trẻ… thức ăn cũng rất ít”.

Hiện nay, gia đình ông Ngà đang nuôi hơn 1 nghìn con baba gai. Theo ông, với giá baba 500 nghìn đồng/kg, tính ra giá trị cao gấp 4 – 5 lần nuôi cá. Ngoài ra, nuôi cá chi phí giá thành, cơ sở vật chất nhiều, hiện đại. Trong khi nuôi baba chỉ cần nguồn nước sạch, cùng an ninh tốt là thành công.

Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Ninh cho biết, mô hình nuôi các thâm canh trong ao đất có sử dụng quạt nước và chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi phát triển ở nhiều nơi, giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt, dịch bệnh được khống chế, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Đến nay, diện tích nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 900ha, chiếm 16,4% diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

 

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.