| Hotline: 0983.970.780

Bắc Ninh: Hỗ trợ... trên trời

Thứ Hai 17/05/2010 , 13:30 (GMT+7)

Tỉnh Bắc Ninh ban hành chính sách hỗ trợ quá muộn, khi đàn lợn mắc bệnh đã gần xóa sổ, nhưng lại cố gắng “động viên” nông dân bằng cách hỗ trợ cả những con lợn tiêu hủy trước khi công bố dịch và trước khi ban hành quyết định về chinh sách hỗ trợ 19 ngày.

Đàn lợn của huyện Thuận Thành chết vãn mới công bố dịch và chính sách hỗ trợ

Tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đã ban hành chính sách hỗ trợ khá kỳ lạ, nhưng đó vẫn chưa phải là những chính sách kỳ lạ nhất trong cơn “bão” tai xanh này.

>> Đằng sau ''bão'' tai xanh: Cấp trên cấp dưới đổ phứa trách nhiệm
>> Đằng sau ''bão'' tai xanh

Tỉnh Bắc Ninh còn ban hành chính sách hỗ trợ quá muộn, khi đàn lợn mắc bệnh đã gần xóa sổ, nhưng lại cố gắng “động viên” nông dân bằng cách hỗ trợ cả những con lợn tiêu hủy trước khi công bố dịch và trước khi ban hành quyết định về chinh sách hỗ trợ 19 ngày.

Giấu dịch chờ hết Festival?

Vào những ngày từ 16 đến 18/4, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Festival quan họ. "Lẽ ra, tỉnh tổ chức quan họ cứ tổ chức, còn việc công bố dịch, công bố chính sách hỗ trợ thiệt hại cho dân cứ làm, thì vừa làm được cho tỉnh mà vừa làm được cho dân. Đằng này, các ông ấy  quên mất lo cho dân thì phải?”- anh Nguyễn Ngọc Bên, thôn Dư Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành "trách móc" UBND tỉnh Bắc Ninh.

Anh Nguyễn Hồng Thái, một trong những chủ trang trại lớn nhất huyện Thuận Thành với trên 700 con lợn cả nái lẫn lợn thịt ở xã Gia Đông cho biết, ngày 6/4 khi lợn của anh bắt đầu chết, anh đã báo thú y và điện trực tiếp cho Chủ tịch UBND xã Gia Đông Trương Văn Hoàn. Hôm sau ông Hoàn và một cán bộ Phòng Kinh tế huyện xuống động viên, nhưng từ đó đến tận ngày 24/4 – ngày công bố dịch xã, huyện không có biện pháp gì chống dịch, không công bố dịch. Anh lại lên tận phòng ông Phùng, Trạm trưởng Thú y Thuận Thành phản ánh về tình hình lợn chết, vứt đầy làng sau 3 ngày ông Phùng nhậm chức, nhưng sau đó cũng chẳng có biện pháp gì chống dịch. 

Anh Nguyễn Hồng Thái có trên 430 con lợn chết, chỉ được hỗ trợ 10 con

“Đến ngày 24/4 công bố dịch thì gần 400 con lợn thịt và 20 nái của tôi đã đi tiêu rồi. Nói thực là trong số đó mình bán chạy được một ít với giá bèo, số còn lại không có chỗ chôn mình cũng vứt ra ngoài kênh rạch như dân làng. Chính quyền buộc dân phải làm thế vì họ không có biện pháp nào giúp dân cả. Và đó chính là nguyên nhân dịch lây hết nhà này sang nhà khác, thôn này sang thôn khác với sự tàn phá khốc liệt. Nếu công bố dịch sớm, công bố chính sách hỗ trợ sớm thì tôi không phải thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Bây giờ bảo hỗ trợ từ 10/4, ai cân đong đo đếm đâu mà có hồ sơ để hỗ trợ chứ. Nếu theo chính sách này, nhà tôi chỉ có 10 con là được hỗ trợ thôi vì nhà tôi chết vãn rồi xã mới thống kê”.

Đi dọc từ xã Ninh Xá, đến Gia Đông, Trạm Lộ, Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tới đâu tôi cũng được nghe người nông dân “kể tội” tỉnh và quy rằng vì Festival quan họ mà quên lo cho dân. Trưởng thôn Ngọc Trì, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành Nguyễn Văn Bổn khẳng định: “Tai xanh bắt đầu hoành hành mạnh trên địa bàn thôn từ ngày 15/3 và từ đó đến đầu tháng 4 là lợn của thôn bị chết nhiều nhất, với gần 400 con lợn trên tổng số 864 con ốm. Tỉnh không công bố dịch, không công bố chính sách hỗ trợ, lợn chết nhiều dân vứt đầy kênh rạch, khắp làng, chỗ nào cũng ngập mùi hôi thối nồng nặc. Đến tận ngày 24/4, tỉnh mới công bố dịch và chúng tôi mới bắt đầu cân lợn tiêu hủy. Nhưng vì trước đó lợn đã chết gần hết rồi nên từ khi công bố dịch đến nay toàn thôn chỉ có 21 con lợn chết và chỉ 21 con này được hỗ trợ, gần 400 con không được hỗ trợ. Sao lại có một chính sách lạ kỳ đến thế?”.

Thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, số lợn chết đến thời điểm này đã lên đến 7-800 con nhưng chỉ có khoảng 150 con thống kê từ thời điểm công bố dịch (ngày 24/4) đến nay là được hỗ trợ. Trưởng thôn Ngọc Nội Trần Tân bức xúc: “Công bố dịch muộn, công bố hỗ trợ quá muộn chỉ làm cho người dân bức xúc thêm thôi”. 

Chính sách… lạ kỳ

Gặp Chủ tịch UBND xã Gia Đông Trương Văn Hoàn hỏi về nỗi bức xúc của người dân, đặc biệt là người dân thôn Tam Á đã kéo nhau lên xã “đòi được hỗ trợ” ông Hoàn lấy tay xoa vài vòng cái bụng phệ  của mình trả lời: "Cho đến thời điểm này anh chưa nhận được văn bản nào về chính sách hỗ trợ".

Mãi đến ngày 22/4 khi tình hình căng quá, chúng tôi kiến nghị nhiều, xã mới tổ chức cho chôn và phải mất 2-3 ngày chúng tôi mới vớt hết được trên 70 con lợn mà dân vứt ra mương máng, bãi rác của làng, từ đó cho đến nay vẫn phải đi vớt. Nếu tỉnh công bố dịch sớm thì dân không phải bán chạy, vứt khắp làng làm ô nhiễm nặng và là nguyên nhân làm cho dịch ở đây lây lan nhanh như thế. Chết là chết ở chỗ đó. (Ông Nguyễn Văn Thổ, Trưởng thôn Yên Nho, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành)

Dù dịch bùng phát ở nhiều nơi trên địa bàn của Bắc Ninh và số lợn chết theo thống kê của chính quyền cơ sở là rất nhiều, nhưng đến tận ngày 18/4 tỉnh Bắc Ninh mới công bố dịch chỉ ở thị trấn Thứa, huyện Lương Tài. Mãi đến ngày 24/4 chính quyền cơ sở ở huyện Thuận Thành mới được tiêu hủy lợn. Trước những bức xúc của người dân ở khắp nơi, đến ngày 29/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh  mới ký quyết định ban hành chính sách hỗ trợ dịch tai xanh năm 2010 với giá 18 ngàn đ/kg lợn hơi. Tuy nhiên, thời gian thực hiện lại từ 10/4-31/12/2010.

“Đây là một chính sách quá khó hiểu. Từ khi tỉnh công bố dịch là ngày 24/4 thì chúng tôi ở cơ sở mới bắt đầu cùng thú y, cán bộ xã và các hộ dân tiến hành tiêu hủy lợn có cân đong cẩn thận. Nhưng chính sách lại hỗ trợ dân từ ngày 10/4, vậy bây giờ các hộ dân và chúng tôi xác định trọng lượng thế nào, làm sao người dân có hồ sơ để được nhận hỗ trợ của tỉnh chứ”- Trưởng thôn Ngọc Trì, xã Trạm Lộ Nguyễn Văn Bổn bức xúc.

Chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Bắc Ninh ra đời lẽ ra phải được đa số người dân hồ hởi đón nhận, vậy mà nó lại gây ra nỗi bức xúc  cho người chăn nuôi. Chính sách này chỉ béo mấy ông buôn bán lợn ốm chết. Và cũng thật dễ hiểu rằng, người dân thôn Tam Á, xã Gia Đông đã hai lần kéo nhau lên UBND xã Gia Đông để “đòi” lại sự công bằng, bởi cả  ngàn con lợn của họ chết đã mà không được...báo tử. “Chúng tôi được dân bầu ra, dân bức xúc, chúng tôi kêu, làm sao để thay đổi bây giờ”- ông Trần Tân, trưởng thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ "quy tội" tỉnh Bắc Ninh.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất