| Hotline: 0983.970.780

Bắc Ninh: Thủy nông mở cống, dân gây khó?

Thứ Năm 09/02/2012 , 10:27 (GMT+7)

Dù là ngày cuối cùng (8/2) xả nước đợt 2 phục vụ gieo cấy vụ ĐX nhưng một số địa phương ở Bắc Ninh vẫn chưa lấy được nước đổ ải.

Mương máng thiếu nước, phải múc từng xô nước đổ vào ruộng

Hôm qua (8/2)- ngày cuối cùng thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang xả nước đợt 2 phục vụ gieo cấy vụ ĐX, nhưng một số địa phương ở Bắc Ninh vẫn chưa lấy được nước đổ ải.

Bơm nước giếng khoan để làm đất?

Những này này, bất chấp thời tiết rét buốt, mưa phùn hàng trăm người dân xã Việt Hùng (huyện Quế Võ) đều thức khuya, dậy sớm; vai mang cuốc, tay xách xô chậu túc trực ở đầu kênh mương để be bờ, tát nước vào ruộng để kịp làm đất.

Ông Nguyễn Đăng Thảo (60 tuổi) ở làng Yên Xá, xã Việt Hùng cho biết, đã gần tuần qua ngày nào ông cũng ra ngoài ruộng, nhưng cũng chẳng có nước để tát. Nhà ông có 6 sào ruộng, đất khô không thể cày được. Mạ đã gieo sắp sửa đến ngày cấy mà nước chưa về kênh. Để đảm bảo cho kịp vụ, cả 5 người trong gia đình ông ngày nào cũng phải thay phiên nhau ra túc trực ngoài đồng đợi nước về. “Nếu không có mặt ở ngoài đồng thường xuyên thì nước chẳng đến lượt nhà mình lấy đâu. Cái mương nổi gần ruộng nhà tôi hàng ngày có cả chục người ngồi ở đó, nước được bơm lên tí nào là người ta lấy cạn khô tí đó, nhà nào không nhanh tay lấy có mà ăn cám”, ông Thảo cho biết.

Không chỉ riêng gia đình ông Thảo, hàng trăm gia đình của xã Việt Hùng cũng đang phải chịu chung cảnh thiếu nước đổ ải. Đây không phải là lần đầu tiên xã Việt Hùng thiếu nước sản xuất, mà nó đã trở thành một “căn bệnh” kinh niên. Với người dân Việt Hùng, công việc vất vả nhất với họ trong mùa gieo cấy đó là việc lấy nước. Chị Nguyễn Thị Tuyến, tay đang xách hai cái xô ra đồng tát nước ví von: “Ở mỗi địa phương, sau tết là tổ chức hội hè đình đám, còn chúng tôi năm nào cũng vùi đầu lấy nước gieo cấy. Ai không nhanh tay lấy nước cấy coi như một năm xui xẻo”.

Ngoài Việt Hùng, xã Bằng An đến thời điểm này cũng chỉ lấy nước đổ ải cho khoảng 30% diện tích gieo cấy. Chị Nguyễn Thị Nga, xã Bằng An lo lắng: “Sắp hết thời gian xả nước rồi mà ruộng nhà tôi chưa lấy được giọt nào. Các thửa phía dưới đang thu hoạch khoai tây, họ không cho nước vào vì sợ úng củ. Vì thế mà ruộng của tôi đến nay đất vẫn còn khô đét”.

Ông Nguyễn Đăng Hồi, Chủ nhiệm HTXNN Nghiêm Xá (xã Việt Hùng) ngán ngẩm nói: “Toàn bộ diện tích đất canh tác của HTX là 310 mẫu, nhưng chỉ mới được khoảng 40% là có nước. Hiện nay nước vào các mương máng nông khoảng một gang tay, chỉ vài máy bơm của người dân đặt xuống thì nguồn nước cũng cạn kiệt".

"Chúng tôi đang tính đến phương án bàn với các hội viên, nếu mực nước cứ nông choẹt thế này mà mạ đã già thì bắt buộc phải sử dụng biện pháp cuối cùng là dùng máy bơm nước từ giếng khoan lên ruộng. Vụ đông vừa rồi sản xuất khoai tây, HTX cũng phải dùng đến biện pháp bơm nước sạch từ giếng khoan lên để tưới, mỗi gia đình phải nộp 50.000 đồng/sào chi trả dịch vụ nước”, ông Hồi cho biết.

Bất đồng việc lấy nước

Quế Võ là huyện có diện tích đất trồng lúa cao nhất tỉnh, với 7.000 ha. Nhưng đến nay, diện tích đổ ải của huyện lại thấp nhất, chỉ đạt 46%, trong đó hai xã Bằng An và Việt Hùng tỷ lệ nước đổ ải thấp nhất chỉ mới đạt 30- 35%. Nhiều trạm bơm của huyện phải giảm 50% công suất máy vì thiếu nước.

Không chỉ riêng Quế Võ, huyện Yên Phong cũng đang rơi vào tình cảnh thiếu nước trầm trọng. Tính đến ngày 6/2, tiến độ đổ ải của huyện chỉ mới đạt 52%; nhiều nơi người dân vẫn chưa lấy được nước. Tại trạm bơm tưới Yên Hậu có tổng số máy bơm là 30 máy. Tuy nhiên, mực nước ở bể hút không đảm bảo nên từ đầu tháng 2 đến nay trạm chỉ hoạt động tối đa được hơn nửa công suất máy. Trạm bơm Đương Xá có 5 máy bơm, mãi đến ngày 4/2 mới vận hành được 4 máy.

“Nhiều địa phương chưa lấy được nước là do tâm lý bà con không muốn lấy sớm vào ruộng vì sợ đất bị dính lại, trong khi còn hơn nửa tháng nữa mới đến ngày cấy. Chúng tôi đã bơm nước, tháo cống liên tục nhưng bà con lại đóng lại, không cho nước vào ruộng nên trạm bơm đành phải giảm công suất vì sợ vỡ bờ, tràn nước”, ông Chu nói.

Ông Nguyễn Thành Chu, Phó GĐ Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Quế Võ thừa nhận, đến nay toàn huyện mới chỉ đạt 46% diện tích nước đổ ải là quá chậm. Theo ông Chu, nguyên nhân là do việc dồn điền đổ thửa, tổ chức chia ruộng của một số địa phương chưa xong; giá khoai tây đang thấp nên một số hộ chưa thu hoạch, không muốn cho nước vào ruộng vì sợ thối khoai. Khi công nhân về mở cống thì người dân lại đóng lại, gây khó khăn trong công tác điều hành.

Ông Nguyễn Sĩ Xuyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh cho biết, diện tích đổ ải tính đến chiều qua (6/2) đạt 75%. Huyện Gia Bình đạt tiến độ đổ ải cao nhất 95%, tiếp theo là Lương Tài, Thuận Thành đạt 85%, Tiên Du 80%... 2 huyện đạt thấp nhất tỉnh là Quế Võ 46%, Yên Phong 52%. Theo ông Xuyến, nguyên nhân là do địa hình Bắc Ninh cao, phức tạp. Khi các hồ thủy điện xả nước thì các huyện ven sông Hồng, sông Đuống ở Hà Nội “đón” trước. Nước sông Hồng từ Hà Nội về đến cống Long Tửu (Bắc Ninh) với quãng đường sông dài gần 12 km, lại ở cuối nguồn nên trạm bơm Trịnh Xá không đủ mực nước bể hút. Đợt xả nước lần thứ 2, từ ngày 1/2 trạm chỉ bơm được với công suất từ 3- 5 máy. Cho đến ngày 4/2, trạm mới đủ nước vận hành hết công suất của 8 máy.

“Để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho bà con, trong năm qua tỉnh đã xây dựng được thêm 4 trạm bơm dã chiến và cho hoạt động hết công suất. Tuy việc lấy nước ban đầu trục trặc, nhưng đến hết ngày 20/2 các địa phương thiếu nước cũng sẽ hoàn thành việc lấy nước để kịp thời gieo cấy”, ông Xuyến khẳng định.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Xây dựng dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa

Ngày 22/4, Cục Trồng trọt phối hợp cùng IRRI tổ chức hội thảo tham vấn, đánh giá và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.