| Hotline: 0983.970.780

"Bác sĩ chó, mèo" ở đại sứ quán

Thứ Hai 10/03/2014 , 09:08 (GMT+7)

Không chỉ người Việt, nhiều người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội cũng coi ông Báu như bác sĩ thú y gia đình.

Ông rút điện thoại gọi cho vị đại sứ để nhờ người đón vào Đại sứ quán Mỹ. Lát sau, một chiếc xe bọc thép đặc chủng lừ lừ tiến đến mời ông lên xe để vào thăm khám cho chú chó của vị đại sứ.

Căn nhà của bác sĩ thú y Hoàng Ngọc Báu nằm trên con phố Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) luôn tấp nập người ra vào. Tiếng chó, mèo ư ử, lúc thì kêu ăng ẳng, lúc cắn ông ổng khi có người lạ đến.

Ông Báu là cựu sinh viên Đại học Nông nghiệp 1 (nay là ĐHNN Hà Nội) khóa 14, tốt nghiệp năm 1974, ngành bác sĩ thú y. “Ngay từ khi còn là sinh viên, tôi đã được theo các thầy trong khoa đi thực hành”, ông Báu kể. Từ các ca chữa cho lợn, trâu, bò, chó mèo… ông đều được các thầy cho đi cùng để học nghề.

10-32-39_anh-2
Ông Báu tiêm vacxin cho một chú chó

Sau khi ra trường, ông về làm việc tại Cục Thú y (Bộ NN-PTNT). Đầu năm 1990, ông Báu được Cục Thú y cử sang Đức tham gia khóa học chuyên sâu về dịch tễ, thú y học. Đến cuối năm, khóa học kết thúc, ông trở về nước, tiếp tục công tác ở Cục Thú y. Năm 1995, ông xin về nghỉ hưu theo chế độ “một cục”.

“Sau đó, tôi làm tại văn phòng đại diện một Cty của Indonesia về thú y. Năm 1997, văn phòng này cũng rút về nước, tôi chuyển về làm nghề ngay tại nhà”, ông Báu chia sẻ.

Ra vào đại sứ quán như đi chợ

Ngôi nhà của gia đình bác sĩ Báu là điểm đến thường xuyên của dân chơi mèo, chó cảnh ở Hà Nội. Không chỉ người Việt, nhiều người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội cũng coi ông Báu như bác sĩ thú y gia đình. Không thế mà, chó mèo của Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ tại Việt Nam đều do một tay ông Báu khám và chữa bệnh.

“Người nước ngoài, đặc biệt là ở các ĐSQ, động vật được chăm sóc giống như con người. Chúng được khám bệnh đình kì, mỗi con có một cuốn sổ khám bệnh, trong đó ghi tình trạng sức khỏe, lần khám tiếp theo”, ông Báu cho biết.

Tại đây, người giúp việc kiêm luôn “bảo mẫu” cho chó, mèo. “Đồ ăn của chó mèo có hai loại là tươi và thức ăn sẵn. Người giúp việc phải cho chúng ăn theo thực đơn, nhưng cái quan trọng hơn là đảm bảo VSATTP”, ông Báu cho biết thêm.

10-32-39_anh-4
Chú mèo 6 tai ông Báu mang về từ Hòa Bình

Năm 2003, nước Mỹ tấn công Iraq, ĐSQ Mỹ tại Việt Nam cũng được thắt chặt an ninh. Đúng lúc ấy, ông Báu nhận được một cuộc điện thoại của vị đại sứ mời đến chữa cho chú chó vừa đổ bệnh. Đi tới nơi nhưng ông Báu không dám vào như mọi khi.

“Lúc căng thẳng như thế, tôi thì xách cái túi to đùng đi vào, lính canh tưởng vào đánh bom thì chết như chơi”, ông Báu cười khà khà. Ông rút điện thoại gọi lại cho vị đại sứ nhờ người ra đón vào. Lát sau, một chiếc xe bọc thép đặc chủng lừ lừ tiến đến mời ông lên xe để vào thăm khám cho chú chó. Đến tận bây giờ, nghĩ lại, ông Báu vẫn nhớ cái cảm giác lâng lâng khi lần đầu tiên được ngồi trong một chiếc xe bọc thép chống đạn.

Ông Báu kể, thường thì mỗi đời đại sứ ở Việt Nam, mỗi vị thường nuôi duy nhất một con chó hoặc mèo. Và khi đại sứ hết nhiệm kì, những chú chó, mèo này lại theo chân chủ đến một chân trời mới.

10-32-39_anh-6
Chú chó giống Great Dane và chủ nhân tại ĐSQ Hà Lan

Không chỉ có ĐSQ Mỹ, nhiều ĐSQ các nước đặt tại Hà Nội cũng in hằn dấu chân của ông Báu. Thậm chí, một vị Bí thư của ĐSQ Hà Lan và ông Báu trở thành đôi bạn thân thiết. Vị này còn thỉnh thoảng tham gia các cuộc giao lưu giữa những người nuôi chó cảnh tại Hà Nội.

Chuyên trị những ca khó

Bác sĩ Báu tiếp chúng tôi khi vừa trở về sau ca đỡ đẻ cho một chú chó giống Bull. “Thông thường một ca đỡ đẻ cho chó, mèo không mất nhiều thời gian lắm. Tối qua tôi đi đỡ đẻ cho một con Bull, nhưng con này hơi dữ. Nhà đó chỉ có cậu con trai là giữ được nó nhưng lại đi chơi khuya mới về. Thế là phải đợi cậu ta về cùng tôi thực hiện ca đỡ đẻ, gần sáng mới xong”, ông Báu kể.

Ông Báu hóm hỉnh, chó, mèo nó có kiêng cữ giờ giấc gì đâu, làm nghề thì phải chấp nhận thôi. Cách đây chừng 2 năm, đúng Mùng 1 Tết Nguyên Đán, khi vừa bước chân ra khỏi cửa để đi chúc Tết, ông nhận được cuộc điện thoại nhờ đỡ đẻ cho một chú chó. Người gọi điện vừa khẩn khoản nhờ ông, vừa liên miệng xin lỗi vì đã làm phiền vào Mùng 1 Tết.

10-32-39_anh-3
Một “sản phụ” chó

“Tôi vội chạy vào nhà xách túi đồ nghề, với cái mũ bảo hiểm rồi tức tốc đi ngay. Chuyện này tôi cũng quen rồi”, ông Báu tâm sự. Có năm, đêm giao thừa ông vẫn phải “trực chiến” chờ chó đẻ. Khi chú chó "mẹ tròn con vuông" cũng là lúc đồng hồ điểm 12h. Thế là năm đó, ông không kịp về nhà trong giờ phút giao thừa.

Ông Báu bảo đúng là sinh nghề tử nghiệp. Nói rồi ông vạch tay áo cho chúng tôi xem vết sẹo dài, trắng ởn. “Hôm đó, tôi sang kiểm tra sức khỏe cho một con Bull gần nhà. Vừa mở cửa chuồng, nó gừ lên rồi lao thẳng cổ tôi mà đớp. Tôi vắt chéo hai tay lên cổ chặn lại. Vết cắn sâu, nứt toác, máu chảy đầm đìa. Chủ nhà liền lấy xe ô tô chở tôi đến bệnh viện xử lí vết thương”, ông Báu kể lại.

Một lần, ông Báu đi thăm chị gái lấy chồng ở Kỳ Sơn - Hòa Bình. Nghe người chị kể nhà hàng xóm có mèo mẹ đẻ một đàn con rất nhiều tai. Lo sợ điều chẳng lành, gia đình này đã đem những chú mèo con bỏ đi. Ông Báu vội vàng ra bờ sông tìm nhưng chỉ nhặt được một con. Đó là một chú mèo mướp, chỉ có điều nó có đến 6 tai. 4 chiếc tai “phụ” mọc chồi ra từ hai bên trông vô cùng kì lạ.

“Tôi đem chú mèo ấy từ Hòa Bình về Hà Nội. Ra bắt xe khách, thấy tôi mang mèo, không nhà xe nào cho đi, thế là đành bắt xe ôm từ đó về nhà”, ông Báu nhớ lại. Chú mèo 6 tai phát triển bình thường, chóng lớn. Thấy kì lạ, một người bạn của ông xin về nuôi. Đêm hôm đó, mẹ của người bạn sợ quá liền đem chú mèo vứt đi. Sáng hôm sau, ông và người bạn ngược xuôi đi tìm nhưng không thấy.

Trong cuộc đời làm bà đỡ cho chó mèo, có lẽ ca đỡ đẻ mèo mẹ bị vỡ bụng là kịch tích nhất. Một chú mèo chuẩn bị đến ngày sinh thì bị chó cắn, lòi cả lục phủ ngũ tạng ra ngoài. Sau nhiều giờ chiến đấu, giành giật sự sống cho mèo mẹ và đàn con, ca đỡ đẻ đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Mèo mẹ sinh được 3 mèo con, hoàn toàn khỏe mạnh. Ông Báu cho biết, con mèo mẹ đó hiện nay vẫn còn sống nhưng đã được triệt sản… vì quá mắn.

10-32-39_anh-5
Mèo mẹ vỡ bụng và đàn con

Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi mà điện thoại di động và cả máy bàn nhà ông đổ chuông inh ỏi như xe cấp cứu. Và, những cuộc gọi không có gì khác ngoài chuyện xoay quanh chó, mèo. Chốc lát lại có người tìm đến tiêm định kì cho chó, triệt sản cho mèo… Không chỉ khám, chữa bệnh, ông Báu sẵn sàng chia sẻ với người nuôi qua điện thoại cách chăm sóc cho vật nuôi.

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tặng Bằng khen cho những người lan tỏa Bản tin Thời tiết nông vụ

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được trao cho các đơn vị, cán bộ có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến bản tin thời tiết nông vụ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Ninh: Công ty Hanaka có hành vi vi phạm Luật Thủy lợi

Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành văn bản 407/SNN-CCTL về việc giải quyết hoàn trả lại tuyến kênh tưới đã bị san lấp, gây ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi.