| Hotline: 0983.970.780

Bắc Trung bộ mưa như trút: Lũ lên cực nhanh, cả nghìn ngôi nhà chìm trong biển lũ

Thứ Hai 17/10/2011 , 09:05 (GMT+7)

Rạng ngày 17/10, mưa lớn trên diện rộng làm tỉnh Quảng Bình lại ngập sâu trong lũ. Tại huyện Lệ Thủy, lũ đã chia cắt hoàn toàn các cụm dân cư với nhau.

* 2 người chết và mất tích ở Quảng Bình

Rạng ngày 17/10, mưa lớn trên diện rộng làm tỉnh Quảng Bình lại ngập sâu trong lũ. Tại huyện Lệ Thủy, lũ đã chia cắt hoàn toàn các cụm dân cư với nhau.

Tình hình các xã vùng giữa đang có nguy cơ lập lại đỉnh lũ như năm ngoái. Anh Nguyễn Văn Thanh ở thị trấn Kiến Giang kéo chiếc thuyền gỗ để vận chuyển đồ đạc, than thở: “Trời ghê quá, lũ chưa xuống đã thốc ngược lên rồi. Đồ đạc chưa khô đã ướt lại”.

Từng đợt mưa như đổ nước xuống. Đâu đâu cũng mù mịt nước. Quán tạp hóa của chị Phương bên đường giống y như cảnh chạy lụt lần trước. Huy động hết nhân lực ra mà vẫn không chạy kịp. Chồng chị buộc hai thanh đà gỗ sát trần nhà rồi gác mấy tấm cửa sổ lên. Chị Phương và đứa con hối hả bê mấy thùng hàng ném vội lên trên đó. "Thấy nước rút, trời nắng ráo nên tui lấy hàng về bán kiếm đồng bù vô chỗ hàng bị ướt lần trước. Ai dè. Mưa lớn, lũ lại thốc ngược. Thiệt mệt với ông trời”- chị Phương nói.

Con đường liên xã đi qua Dương Thủy, Tân Thủy... chỉ một hồi mưa dội là thành dòng sông chảy ồ ồ. Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan tranh thủ đi chợ về thì gặp đợt sóng dềnh lên làm chiếc xe máy chết đứ đự. Nước tràn lên ngập đến đầu gối rồi lấn dần lên ngang thắt lưng.

Xuôi dòng Kiến Giang ngầu đục, chúng tôi ghé trụ sở UBND xã An Thủy. Nước ngập sân, ông Trần Đức Tài- Chủ tịch UBND xã lo lắng: “Còn khoảng nửa mét là bằng đỉnh lũ hôm trước. Mấy thôn Tân Lệ, Thạch Bàn, Phú Thọ... ngập te tua rồi. Nhưng may bà con cảnh giác từ lần trước nên cũng khá ổn, thiệt hại về tài sản không lớn, chỉ mệt ngẩn người ra thôi”. Được biết, An Thủy có gần 1.000 hộ bị lũ ngập trở lại.

Ông Phạm Hữu Thảo- Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Huyện đã tăng cường 97 thuyền gắn máy về cho các địa phương, ưu tiên vùng ngập sâu để giúp dân chống lũ. Dù nước lũ lên nhanh nhưng người dân vẫn bình tĩnh để đối phó”.

Tại xã Xuân Trạch (Bố Trạch), các thôn 8, 9, 10 Ngọn Rào đã bị cô lập. Ngầm tràn Ngọn Rào đã bị xói lở và hư hỏng nghiêm trọng trong đợt lũ trước giờ tiếp tục ngập sâu. Gần 300 hộ với hơn 1.000 khẩu bị chia cắt và 1/3 số hộ đối diện với nguy cơ sạt lở lớn khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất nhanh, gây xói lở khu vực Ngọn Rào. Đặc biệt tại thôn 9 có đập Khe Lùng đang được khẩn trương gia cố đề phòng nước lũ dâng cao gây tràn đập và dẫn đến vỡ đập nếu bị tràn lâu.

Ông Trần Quang Vũ, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện, Trưởng ban PCLB huyện Bố Trạch cho biết: “Ban PCLB huyện đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại các vùng xung yếu. Tại các xã Bắc Trạch, Liên Trạch, nước đã ngập một số tuyến đường liên thôn, liên xã. Xã Cự Nẫm hiện có hai thôn là Hà Môn và Mỹ Sơn bị chia cắt. Một số hồ đập trên địa bàn như Bàu Trạng, Cây Khế đã bị tràn, đứng trước nguy cơ vỡ đập”.

Tại xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) có khoảng 600 hộ dân khu vực Thanh Sen – Chày Lập đang nằm trong vùng nguy hiểm, đặc biệt là các thôn 3 và 4 Thanh Sen. Tại địa điểm ngầm Bến Troóc đã có một học sinh bị nước cuốn trôi nhưng may mắn được bạn cứu thoát. Ngay sau đó, một chiếc xe ô tô 7 chỗ chở đoàn cán bộ đi công tác cũng đã bị nước cuốn trôi gần 600m nhưng không có thiệt hại về người. Chính quyền xã Phúc Trạch đã tích cực phối hợp để trục vớt tài sản ngay trong đêm.

Đến 19 giờ, mưa trên địa bàn vẫn xối xã. Lũ vẫn tiếp tục lên nhanh.

Tính đến 19 giờ ngày 16/10, Quảng Bình đã có 2 người chết và mất tích trong lũ. Trên 6.000 ngôi nhà bị ngập (trong đó có 2.200 nhà bị ngập sâu trên 1m). Tuyến đường 1A đi qua huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh đã có 7 điểm bị lũ chia cắt. Trong đó, có đoạn đi qua xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) ngập sâu gần 0,5m. Nhiều phương tiện ô tô đã bị tắc.

Tại Quảng Trị, hai ngày qua cũng có mưa rất to gây lũ lụt trên diện rộng. Đến chiều 16/10, lượng mưa đo được tại Hải Sơn huyện Hải Lăng lên đến 626mm, Hải Tân 651 mm, Đông Hà 480 mm, mực nước trên các sông lớn trên báo động 2 và 3. Tại Gia Vòng trên sông Bến Hải mực nước chiều 16/10 là 13,47 m, vượt báo động 3 hơn 3m. Tại sông Ô Lâu mực nước trên báo động 3. Hiện tại trời đang mưa lớn, nước trên các sông đang lên nhanh. Hàng ngàn nhà dân đang bị ngập lũ.

Tại huyện Hải Lăng lũ không chỉ làm ngập vùng đồng bằng mà còn ngập ở các xã gò đồi như Hải Lâm, Hải Sơn, Hải Chánh. Trước tình hình nước lũ lên cao, chính quyền xã Hải Sơn phải phá một đoạn đập cho thông nước để tránh nguy cơ gây vỡ đập. Tại xã này lũ cuốn trôi làm mất tích một thanh niên vào chiều 16/10. Giao thông từ trung tâm huyện Hải Lăng về các xã vùng đồng bằng hoàn toàn bị cô lập do nước lũ, nhiều nơi đường bị ngập hơn 1m.

 Theo Báo cáo của Ban chỉ huy PCBL tỉnh Quảng Trị, chiều 16/10, nước lũ bắt đầu tràn vào nhà dân. Tại huyện Đakrông, giao thông vào vùng Ba Lòng bị ách tắc do nước lũ ngập cầu tràn. Toàn bộ 3 xã thuộc vùng chiến khu xưa Ba Lòng bị cô lập trong lũ. Hàng trăm hộ dân ở vùng này đã được di dời lên nhà uỷ ban, trạm y tế, ở những điểm cao tránh lũ.

Tại huyện Cam Lộ và Gio Linh, nhiều xã mới bắt đầu thu hoạch lúa HT nên số diện tích còn lại rất lớn đã bị ngập sâu, nhiều gia đình nông dân trắng tay. Tại huyện Vĩnh Linh ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện cho biết 10 người dân làm ăn trong rừng thuộc khu vực xã Vĩnh Ô bị lũ bao vây đã được chính quyền giải cứu đưa về nơi an toàn. Cũng trong sáng 16/10, 3 người dân ở xã Vĩnh Chấp trên đường đi làm về bị mưa lũ cuốn trôi nhưng rất may đã được lực lượng cứu hộ cứu nạn kịp thời đưa lên bờ.

Ông Nguyễn Quân Chính- Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị kiêm trưởng Ban Chỉ huy PCBL Quảng Trị đốc thúc các huyện, thị phải khẩn trương di dời dân ở các vùng thấp trũng về nơi an toàn. Trong đó chú ý tăng cường các lực lựợng cứu hộ cứu nạn, trực 24/24h ở các hồ, đập thủy lợi và triển khai nhanh công tác tiêu thoát lũ ở các công trình. Theo báo cáo nhanh của các huyện, dự kiến có hơn 1.000 gia đình phải di dời ngay trong đêm 16/10 để tránh lũ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất