| Hotline: 0983.970.780

Bạch Thông gặp nhiều khó khăn khi xây dựng NTM

Thứ Tư 30/03/2011 , 15:12 (GMT+7)

Ông Nông Quốc Dũng đang trao đổi với PV NNVN

Xây dựng NTM tại những địa phương ở đồng bằng đã là không dễ, với miền núi thì việc này khó thêm gấp bội bởi đời sống của người dân lẫn cơ sở hạ tầng nơi đây còn gặp vô vàn khó khăn. Ông Nông Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) sẽ lý giải rõ hơn về vấn đề này.

Chương trình xây dựng NTM tại Bạch Thông đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ngay từ khi có chủ trương xây dựng NTM, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, tuy nhiên việc triển khai có chậm vì phải chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể của các Bộ, Ngành từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, chúng tôi đã tổ chức tập huấn lập qui hoạch cho 16 xã trong năm 2011, trong đó thống nhất lựa chọn 3 xã làm xã điểm là: Quân Bình, Tân Tiến, Cẩm Giàng.

Huyện chọn 3 xã này có phải vì nơi đây kinh thế khấm khá hơn cả?

Đúng vậy. Ba xã này gần trục lộ, dân cư khá ổn định, cơ sở hạ tầng tốt, dân trí đồng đều, hiện đã có sẵn một số tiêu chí đạt và gần đạt như: Trường học, điện lưới, internet…, nếu tính đồng bộ thì đã đạt khoảng 30% trong 19 tiêu chí NTM. Vì vậy, chúng tôi cố gắng xây dựng mô hình điểm tại 3 xã này cho các xã khác học tập, làm theo, dự kiến phấn đấu đến năm 2015, Bạch Thông sẽ có 3 xã đạt cả 19 tiêu chí NTM.

Tiến hành xây dựng xong 3 xã điểm, bước tiếp theo sẽ là gì thưa ông?

Sau khi có 3 xã đạt mô hình điểm, huyện sẽ lựa chọn thêm 5 xã, hiện tại cũng đã dự kiến lựa chọn, vừa dựa trên tiêu chí vùng miền và các mặt xã hội, xã nào đã có các điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi thì chọn làm trước, tập trung làm dứt điểm. Nói là thế nhưng triển khai cũng sẽ rất khó vì suốt mấy năm triển khai các chương trình kinh tế lớn của Nhà nước như: Chương trình 134, 135 và các nguồn vốn khác đến tận thôn bản, người dân, song vẫn chẳng thấm vào đâu, hạ tầng hiện nay vẫn trăm bề khó khăn, vì dân cư thưa thớt, rất khó đầu tư ổn định hạ tầng xã hội.

Vậy khó khăn nhất khi xây dựng NTM tại Bạch Thông là gì, thưa ông?

Khi triển khai chương trình NTM, ban lãnh đạo huyện Bạch Thông đã xác định đây là việc làm khó khăn, vì điều kiện kinh tế dân sinh cũng như khu dân cư phát triển theo lối tự phát; mỗi chòm xóm, làng bản là các mối quan hệ họ tộc; mỗi thôn thường có từ 2 đến 3 nhóm họ tộc trở lên, cuộc sống mỗi nhóm dựa vào nhau từ vật chất đến tinh thần nhiều đời nay, nếu phải “gom” lại cho dễ bề đầu tư hạ tầng xem ra sẽ khó khăn, vì còn liên quan đến đất sản xuất, đất thừa kế, người có nhiều, người có ít…

Ý ông muốn nói đến khó khăn trong quy hoạch lại ở một số thôn bản?

Đúng là việc qui hoạch lại cho đạt chuẩn và thực hiện qui hoạch đó ra sao mới thực sự khó. Nếu cứ để như hiện nay sẽ vấp phải đầu tư dàn trải, tốn kém vì thôn xóm miền núi vùng cao rất rộng; đường giao thông, đường điện, nước và các hạ tầng phúc lợi khó đầu tư, sức đóng góp của dân có hạn, vì dân thưa thớt, có thôn chỉ vài hộ gia đình nhưng ở xa tít trên sườn núi thì đầu tư thế nào? Cũng do truyền thống của nông dân, khi vừa lo cho đời mình, đã lo sang cả đời con cháu sau này rồi, nên làm nhà ở đâu cũng muốn đất phải rộng, có đồi cây, ao cá, nương ruộng, rẫy, gắn liền cuộc sống với sản xuất…, khi con lớn lên mới dễ bề phân chia đất ở, đất sản xuất, nên không dễ mà khuyên họ chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt, di dời đến chỗ tập trung, cho dù ở đó đã có hạ tầng xã hội tốt hơn.

Tôi đã công tác tại huyện này được khá lâu rồi, cũng có hiểu biết nhất định các lĩnh vực đời sống tinh thần, vật chất của bà con nông dân nơi đây. Về cơ bản nông dân chân thực, nhiệt tình và tốt bụng nữa, nhưng cái khó là nói đến làm gì cho việc chung thì họ thường xem xét rất kỹ. Họ không như nông dân miền xuôi, mạnh dạn bàn bạc luôn, nếu thấy có lợi cho mình, cho cộng đồng là làm ngay, còn ở đây có đem chủ trương đến và bà con đón nhận bàn bạc cả là một vấn đề, vì họ cứ dửng dưng vậy thôi. Nếp nghĩ của họ như thế nên làm thế nào cho bà con nhận thức nhanh thì mới triển khai được, nếu chỉ có sự vào cuộc của Nhà nước, còn bà con chưa thông thì NTM cũng sẽ khó triển khai.

Tức là phải tuyên truyền nhiều hơn nữa cho bà con hiểu rõ lợi ích dài lâu từ chương trình NTM?

Đúng thế. Muốn NTM đi vào thực tiễn nhanh, Nhà nước không chỉ bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng, mà phải có sự đồng thuận, muốn vậy không cách nào khác phải tuyên truyền thật sâu đậm hơn nữa các mặt đời sống tích cực của mô hình NTM, khi bà con hiểu rõ làm NTM sẽ được gì cho hôm nay và con cháu mai sau thì việc triển khai NTM sẽ nhanh và hiệu quả được như mong muốn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất