| Hotline: 0983.970.780

Nam Định: Chăn nuôi nhỏ lẻ khó tái đàn

Bài 1: Dè dặt nuôi trở lại

Chủ Nhật 12/04/2020 , 10:04 (GMT+7)

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh Nam Định đã hết. Song, giá lợn giống đang ở mức cao, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong tái đàn…

Các trang trại, gia trại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đang tái đàn trở lại. Ảnh: Kế Toại.

Các trang trại, gia trại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đang tái đàn trở lại. Ảnh: Kế Toại.

Hải Hậu là một trong những huyện chăn nuôi lợn với tổng đàn khá cao. Trước đây, khi chưa xảy ra DTLCP, hằng năm huyện này luôn duy trì ở mức 85.000 con lợn. Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, DTLCP bắt đầu hoành hành trên địa bàn huyện.

Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ 34/34 xã, thị trấn đều dính dịch. Theo thống kê, năm 2019, toàn huyện phải tiêu hủy 66.690 con (gồm lợn nái, đực, choai, thịt và lợn con theo mẹ). Tổng trọng lượng tiêu hủy là hơn 3.200 tấn thịt. Thiệt hại trên 120 tỉ đồng.

Ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu cho hay, sau khi DTLCP cơ bản được khống chế và công bố hết dịch vào tháng 2/2020, UBND huyện đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tái đàn trở lại.

Qua khảo sát, đến đầu tháng 4/2020, tổng đàn lợn toàn huyện có 48.700 con. Công tác tái đàn trên địa bàn huyện đang diễn ra ở mức cầm chừng, không ồ ạt. Nhiều trang trại, gia trại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học (ATSH) đang nắm bắt thời cơ để tái đàn trở lại. Song, họ thực hiện một cách thận trọng. Vừa tái đàn vừa ngó nghiêng tình hình bên ngoài.

Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ coi như “hết cửa” tái đàn vì nhiều lý do như nguồn giống khan hiếm, giá giống cao, nguồn vốn eo hẹp, tâm lý e dè… Hơn nữa, áp lực về tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nên huyện Hải Hậu khuyến cáo các hộ dân không chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, không có cơ hội để tái đàn vì nhiều lý do. Ảnh: Kế Toại.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, không có cơ hội để tái đàn vì nhiều lý do. Ảnh: Kế Toại.

Là chủ trang trại với quy mô hết công suất 700 con/lứa, nhưng hiện tại ông Nguyễn Văn Khuynh (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu) cũng chỉ dám nhập nuôi khoảng 400 con. Tái đàn ở mức cầm chừng. Ông bảo, DTLCP cơ bản đã được khống chế nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn cao. Bên cạnh đó, nguồn giống khan hiếm, giá mua lại cao ngất ngưởng.

“Gia đình tôi mới bỏ ra hơn 1 tỷ đồng đầu tư đàn lợn nên không thể chủ quan, lơ là như trước đây nữa. Việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học được thực hiện đúng quy trình và nghiêm ngặt hơn. Công nhân ra vào chuồng trại buộc phải khử trùng toàn thân; trang trại, đường ống được vệ sinh thường xuyên… Bởi bài học về thiệt hại do DTLCP gây ra vẫn còn đó”, ông Khuynh thổ lộ.

Ông Khuynh nhấn mạnh, với tình hình hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không áp dụng các biện pháp ATSH thì không có cơ hội để tái đàn. Vì DTLCP, lở mồm long móng, tai xanh không “tha” cho trang trại, gia trại hay các hộ chăn nuôi nào hết. Đã có một số hộ, vội vàng tài đàn nhưng không kiểm soát được dịch bệnh nên đàn lợn chết dần, lại ôm thêm khoản nợ to đùng.

Giống như trang trại của ông Khuynh, trang trại của anh Nguyễn Văn Luật (xã Hải Đông) nếu nuôi hết công suất cũng hơn 700 con/lứa. Tuy nhiên, sau khi mất trắng đàn lợn với trị giá 600 triệu đồng do DTLCP đã khiến anh Luật sợ hãi và dè chừng hơn.

Đến nay, dịch đã hết, anh Luật cũng rất nóng lòng tái đàn để bù đắp lại nguồn thu nhưng lại gặp khó khăn về nguồn giống, vốn đầu tư, cũng như tâm lý lo lắng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, nên hiện tại trang trại của gia đình anh cũng chỉ dám tái đàn ở mức gần 400 con để kiểm soát tốt và an toàn hơn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định, khi bệnh DTLCP cơ bản được khống chế, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn quản lý việc tái đàn tại các địa phương. Và, cho phép những trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học tái đàn trở lại.

Chi cục cũng khuyến cáo, trong điều kiện hiện nay, việc tái đàn phải chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh, trước khi tái đàn cần thực hiện đăng kí với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để được tư vấn, kiểm tra chuồng trại, nhất là kiểm soát nguồn giống khi nhập vào…

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.