| Hotline: 0983.970.780

Những người không có tết:

Bài 2: Điệp khúc đón tết nơi ở trọ

Thứ Sáu 29/01/2021 , 11:16 (GMT+7)

20 năm làm thuê tại Khu Công nghiệp, vẫn ở phòng trọ, không tích lũy. Lương công nhân chỉ đủ cơm áo qua ngày, nên không mấy người dám... Về quê chơi tết!

20 năm sống đời ở trọ

Hơn 7 giờ tối, con đường trước cổng Khu công nghiệp Sóng Thần I, Dĩ An, Bình Dương, nơi có khu chợ lề đường khá nhộn nhịp, vẫn vắng bóng những đồng phục công nhân. Thấy tôi dạo qua dạo lại nhiều lần, người phụ nữ trung niên có sạp bán cá bên cạnh nhìn tôi vẻ mặt tò mò. Khi tôi lại gần, chị bóng gió hỏi: “Chú làm gì mà nãy giờ thấy rảo qua rảo lại chỗ này mấy vòng thế? Có phải đợi “người quen” làm trong khu công nghiệp không?”. Tôi liền đáp: “Vâng”. Chị bán cá tiếp: “Thế thì còn đợi lâu đấy. 8 giờ, có khi hơn, công nhân mới ra. Dạo này thấy ngày nào cũng tăng ca. Tranh thủ lúc chờ đợi, lựa con cá ngon ngon về bồi dưỡng cho “người ta” đi. Công nhân vất vả lắm chú ạ. Chẳng ai dám mua đồ tươi ngon”.

Tôi tiến lại gần chị bán cá, “khai thật” lý do. Chị gật gù rồi bảo: “Tôi cũng nghĩ chú nói đùa. Chứ ai lại hẹn hò ở chỗ bán cá hôi hám thế này. Phòng trọ công nhân thì quanh đây thiếu gì”.

Vợ chồng chị Phạm Thị Ngọc Giàu - Mai Văn Linh. Ảnh: Phúc Lập.

Vợ chồng chị Phạm Thị Ngọc Giàu - Mai Văn Linh. Ảnh: Phúc Lập.

Theo chỉ dẫn của chị hàng cá, tôi tìm đến khu nhà trọ công nhân trên đường số 5, P.An Bình, Dĩ An, Bình Dương, cách Khu công nghiệp Sóng Thần chừng cây số. Trong số 30 phòng trọ, chỉ có 4 phòng sáng đèn, mặc dù đã hơn 7 giờ tối. Thấy một phòng mở cửa, tôi bước vào bắt chuyện.

Bên trong, người đàn ông đang lui cui ở bếp, còn người phụ nữ mang bầu đang cầm ổ bánh mì nhai ngon lành. Tôi chào bằng câu: “Mang bầu mà ăn đạm bạc vậy?”. Chị quay qua cười, đáp: “Quen rồi anh ơi”. Người phụ nữ giới thiệu tên Phạm Thị Ngọc Giàu, quê Tây Ninh. Còn chồng chị là Mai Văn Linh, 35 tuổi, quê Cà Mau. Chị Giàu là công nhân công ty giày da trong Khu công nghiệp, anh Linh thất nghiệp, mới có việc làm chưa lâu. Vợ chồng chị Giàu có một con trai 7 tuổi, đang gửi ông bà ngoại chăm sóc, chị chuẩn bị sinh cháu trai thứ 2.

Mặc dù sắp sinh, chị Giàu vẫn thường gặm bánh mì thay bữa. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc dù sắp sinh, chị Giàu vẫn thường gặm bánh mì thay bữa. Ảnh: Phúc Lập.

Năm nay mới 36 tuổi nhưng chị Giàu đã có 20 năm làm công nhân. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chị cười, giải thích: “Em đi làm công nhân từ năm 16 tuổi. Hồi đó mượn giấy tờ của chị gái, làm giả hồ sơ để đi làm. Mà giờ đổi lại đúng luôn rồi”.

Mặc dù làm đã 20 năm, ngày làm 10 tiếng, tháng 26 ngày công, nhưng mỗi tháng chị Giàu cũng chỉ thu nhập 7-8 triệu. Còn anh Linh thì tâm sự: “Em thất nghiệp gần cả năm nay, mới xin được việc làm ở công ty ô tô, công việc cũng nhẹ, nhưng không có tăng ca, lương không cao. Mà có việc làm là mừng lắm rồi. Vợ em sắp sinh cháu thứ 2, chắc sẽ khó khăn hơn nhiều. Vợ em ở căn phòng trọ này 21 năm rồi đấy. May bà chủ trọ thương, mỗi tháng lấy có 900 ngàn, cộng tiền điện nước hết chừng hơn triệu. Mà giờ nếu ngồi cộng tiền trọ 20 năm lại, chắc mua được đất, làm nhà ở vùng ven này rồi”.

Bà Trần Mỹ Lệ, chủ khu nhà trọ cho biết, khu trọ có 30 phòng cho công nhân thuê, nay chỉ còn 6 phòng có người ở. Công nhân thất nghiệp trả phòng về quê, hoặc tìm nơi khác có việc làm. Ảnh: Phúc Lập.

Bà Trần Mỹ Lệ, chủ khu nhà trọ cho biết, khu trọ có 30 phòng cho công nhân thuê, nay chỉ còn 6 phòng có người ở. Công nhân thất nghiệp trả phòng về quê, hoặc tìm nơi khác có việc làm. Ảnh: Phúc Lập.

“Vợ chồng có để dành được ít tiền nào chuẩn bị nghỉ sinh không?”, tôi hỏi. “Chị Giàu đáp: “Dạ không, ăn hàng ngày còn không đủ, phải chạy vạy, lấy đâu có mà để dành. Mấy tháng nay, công ty gặp khó khăn, ít tăng ca, thu nhập cũng giảm”. Tôi nói: “Bầu bì thế này, sức khoẻ đâu mà ham tăng ca?”. Chị Giàu đáp: “Đâu có sao, miễn có tăng ca là mừng rồi. Chứ nếu không tăng ca, lương thấp lắm”.

Chị Giàu cho biết, như vợ chồng chị là vẫn còn may mắn, vì chị có việc làm đều, có thu nhập. Chứ rất nhiều công nhân mất việc vì công ty đóng cửa, thu hẹp sản xuất. “Khu trọ này có 30 phòng, trước lúc nào cũng chật kín, mỗi chiều về đông vui lắm. Giờ còn có 6 phòng. Công nhân họ không có việc làm nên họ trả phòng về quê, hoặc đi chỗ khác tìm việc”, chị nói.

Quần quật cả năm, không mua nổi tấm vé về quê

Tại một khu nhà trọ công nhân khác cách đó không xa, tôi gặp chị Lê Thị Diễm Phương khi chị vừa đi làm về, đang chuẩn bị bữa tối cho 2 vợ chồng. Thấy chị đang chế biến món sườn heo, tôi đùa: “Công nhân mà ăn vậy là sang rồi”. Chị cười đáp: “Một tuần chỉ có một bữa cuối tuần ăn tươi thôi anh ạ. Còn lại, trứng, rau muống, cá bạc má kho mặn là những món thường ngày”.

Chị Lê Thị Diễm Phương: 'Một tuần hoặc hơn mới dám mua thịt heo về ăn một lần'. Ảnh: Phúc Lập. 

Chị Lê Thị Diễm Phương: "Một tuần hoặc hơn mới dám mua thịt heo về ăn một lần". Ảnh: Phúc Lập. 

Sinh năm 1986, chị Phương quê ở Huế, lấy chồng Hà Tĩnh, có 2 con, đứa lớn 9 tuổi, nhỏ 7 tuổi, cả 2 con đều phải gửi về quê nội. Chị Phương làm công nhân công ty may trong khu công nghiệp Sóng Thần I. So với nhiều đồng nghiệp khác thì chị còn may mắn khi công ty có việc đều. Mặc dù lương chỉ hơn 5 triệu/tháng. “Nói may mắn là vì còn có việc làm, chứ cuộc sống khó khăn lắm. Thu nhập của em mỗi tháng chỉ 5-6 triệu. Chồng em làm tự do bên ngoài, lại bị thoát vị đĩa đệm, sức khoẻ không tốt, công việc không ổn định. Nên cũng chẳng hơn gì mọi người”, chị Phương nói.

“Thế hàng tháng có gửi tiền về phụ ông bà không?”, tôi hỏi. Chị Phương đáp: “Có chứ. Thu nhập của cả 2 vợ chồng có tháng được chục triệu, có tháng không đến. Trừ tiền thuê phòng, điện nước, tháng khoảng triệu rưỡi, và chi phí lặt vặt khác, mỗi tháng gửi về phụ ông bà 3-4 triệu, còn lại bao nhiêu vợ chồng ăn bấy nhiêu”.

Đây là bữa tối của gia đình chị Trần Kim Duyên. Ảnh: Phúc Lập.

Đây là bữa tối của gia đình chị Trần Kim Duyên. Ảnh: Phúc Lập.

Cách phòng trọ chị Diễm Phương mấy căn là gia đình 4 thành viên của anh Nguyễn Đình Trung, 45 tuổi, và chị Lê Thị Thắm, 39 tuổi, cả 2 cùng quê Diễn Châu, Nghệ An. Không giống những gia đình tôi đã gặp, anh Trung chỉ đồng ý nói chuyện với điều kiện không được chụp ảnh. Lý do anh đưa ra là không muốn ông bà 2 bên nội, ngoại ngoài quê biết cuộc sống của con cháu thế này. “Ông bà biết lại buồn, lo thêm”, anh nói.

Khi ngồi yên vị, anh nói: “Gần 2 chục năm “cày cuốc” vất vả, đến giờ, gia tài duy nhất tôi có được là 2 đứa con. Hoàn cảnh khó khăn, nhưng tụi nó chăm ngoan, học giỏi. Đó là điều an ủi, hạnh phúc nhất của vợ chồng tôi. Nên hàng ngày làm cực khổ thế nào, về nhà ăn uống rau dưa qua loa, nhưng thấy con là mệt mỏi tan biến”.

“Tết này anh chị có đưa các cháu về quê ăn tết với ông bà không?”, tôi hỏi. Anh Trung cười buồn: “Công ty ngưng sản xuất hơn nửa năm, vợ chồng tôi thất nghiệp, tôi làm “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy, vợ tôi mang ít rau dưa ra lề đường ngồi bán, thu nhập có ngày không đủ mua 4 hộp cơm cho cả nhà. Công ty mới gọi đi làm lại từ hồi tháng 10. Lấy đâu tiền mà về”.

Ra chợ, thấy công nhân chủ yếu ghé vào sạp rau củ qủa. Ảnh: Phúc Lập.

Ra chợ, thấy công nhân chủ yếu ghé vào sạp rau củ qủa. Ảnh: Phúc Lập.

Ngưng giây lát, anh tiếp: “Vợ chồng tôi làm công nhân cũng hơn chục năm, thu nhập hàng tháng khoảng  17-18 triệu, không khá nổi, nhưng tằn tiện cũng đủ sống. Tết năm ngoái định về, nhưng đến cuối năm thì có việc đột xuất nên hoãn lại, để năm nay về. Ai ngờ ngay đầu năm đã thất nghiệp. Năm nay chúng tôi không có Tết. Nhiều người ở khu trọ này cũng không có Tết.

Trong lúc tôi đang trò chuyện với vợ chồng anh Trung, nhiều công nhân ở các phòng trọ bên cạnh bắt đầu lục tục trở về sau một ngày dài làm việc vất vả. Mặc dù vậy, thấy có người lạ đến khu trọ, họ tò mò hóng chuyện. Khi biết phóng viên, họ liền sà xuống trút nỗi lòng.

Chị Trần Kim Duyên, 40 tuổi, quê tận Nam Định, công nhân may, than thở: “Công nhân chúng tôi là những người vất vả nhất xã hội. Ngày nào cũng làm quần quật từ sáng sớm đến giờ này mới về, bữa ăn hàng ngày toàn dưa cà mắm muối, thu nhập thì quanh năm thiếu trước hụt sau. Cuối năm muốn về thăm, ăn Tết với bố mẹ mà không mua nổi tấm vé. Khổ nhất là con không lo nổi, phải gửi về cho ông bà nuôi”.

"Ở quanh cái khu công nghiệp này có hàng ngàn gia đình công nhân, hỏi có bao nhiêu gia đình chăm sóc, lo được cho con cái ăn học đến nơi đến chốn? Bản thân tôi đây, gần 20 năm làm công nhân, mà đến giờ không lo nổi cho 2 con, phải gửi bớt về nhờ ông bà ngoại. Bố mẹ không nói, nhưng tôi biết họ buồn. Buồn vì con gái cực khổ thế mà chẳng có gì trong tay, đi biền biệt không về. Tôi muốn về lắm chứ, nhưng tiền đâu mà về?", chị Trần Kim Duyên, công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần I, Dĩ An, Bình Dương.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất