Khó nhưng buộc phải làm
Về hướng nghiên cứu- sản xuất vacxin ASF trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị liên quan cố gắng đẩy nhanh nhất tiến độ.
Trong đó, lưu ý việc từ nghiên cứu thử nghiệm đến thương mại vacxin một chặng đường dài, thực tế thế giới chưa sản xuất được vacxin ASF bởi đây là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, không được chủ quan, quá lạc quan với những kết quả bước đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra hố tiêu huỷ một ổ dịch ASF tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Tùng. |
Bên cạnh đó, cần tiếp cận trong sản xuất vacxin ASF với tinh thần sáng tạo nhất, mở thêm nhiều phương pháp nghiên cứu. “Những cá thể lợn còn tồn tại sau khi tiêm vacxin và công cường độc sẽ là những cá thể rất quý để tiếp tục điều tra, nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho rằng: Nghiên cứu sản xuất vacxin ASF là việc khó, nhưng bắt buộc phải làm. Ông Chu Ngọc Anh cho hay, Bộ này đang tiến hành rà soát tất cả các chương trình, dự án và sẵn sàng cắt giảm các đề tài nghiên cứu chưa thực sự cấp bách, để dồn kinh phí tạo nguồn lực cho các viện nghiên cứu, các đơn vị có năng lực thực hiện nghiên cứu, sản xuất vacxin ASF.
Trước khi dịch xuất hiện ở Việt Nam, ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6, cho biết: Từ năm 2011, đơn vị đã bắt đầu tập trung lực lượng để nghiên cứu vacxin ASF và hiện đơn vị đã ký hợp tác với phòng Thí nghiệm Thú y Quốc gia của Úc và phối hợp với FAO xây dựng quy trình chẩn đoán xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Đến nay, Chi cục đã chuyển giao kỹ thuật cho toàn bộ 7 phòng thí nghiệm của Cục Thú y.
Khi dịch xảy ra tại Việt Nam, chúng tôi đã phối hợp với Cục Thú y để chẩn đoán xét nghiệm tổng cộng 16 mẫu, trong đó 2 mẫu ở Hưng Yên và 14 mẫu ở Thái Bình. Sau đó, tiến hành giải trình gen virus và khẳng định virus đang lưu hành ở Việt Nam thuộc serotype 2.
Ngày 26/2, các chuyên gia Úc đã sang phòng thí nghiệm của Chi cục, họ mang tất cả các vật liệu, đặc biệt là đại thực bào tủy xương (BMA) để chúng tôi phân lập virus. Đến ngày 8/3/2019, chúng tôi chính thức cô lập và bắt được con virus này.
Vacxin “made in Vietnam”
Ngày 2/7/2019, GS.TS Nguyễn Thị Lan, GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Sau thời gian nghiên cứu, đơn vị đã cho ra đời sản phẩm vacxin ASF vô hoạt thế hệ mới. Theo đó nhóm nghiên cứu của Học viện đã phân lập được tế bào PAM để sản xuất vacxin ASF và đang nghiên cứu nhân chủng virus lên số lượng lớn.
Kết quả thử nghiệm đối chứng tại 3 trại lợn ở 3 hộ khác nhau tại vùng dịch của Hưng Yên bước đầu cho thấy: Toàn bộ 17/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình được tiêm vacxin đều khỏe mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái sinh sản bình thường. Trong khi đó, những con lợn không được tiêm vacxin của 3 hộ gia đình tiêm thử nghiệm đều chết do virus ASF.
Lô vacxin ASF “made in Vietnam” thử nghiệm trên lợn tại các hộ gia đình bước đầu đã thành công. Ảnh: Đinh Tùng. |
Các thử nghiệm tiêm cho lợn khỏe nhốt chung với lợn bệnh, kết quả cho thấy con được tiêm phòng không bị lây nhiễm. Đây là tín hiệu khả quan, mở ra hy vọng cho việc nghiên cứu vacxin ASF thực sự có hiệu quả bảo hộ trên diện rộng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và cho biết, sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để Học viện tiếp tục khảo, kiểm nghiệm sâu và rộng hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng khẳng định: 100 năm qua thế giới chưa có vacxin AFS thương mại, không có nghĩa là các nhà khoa học không làm được. Điều này chính là động lực lớn để các nhà khoa học và doanh nghiệp trong nước bắt tay vào nghiên cứu vacxin AFS thương mại.
Với tiềm lực của các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất vacxin trong nước và việc mở rộng hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Nông nghiệp đặt niềm tin rất lớn vào sự thành công đối với hoạt động nghiên cứu sản xuất vacxin AFS thương mại “Made in Vietnam”.
Theo GS, TS Nguyễn Thị Lan, với các chủng virus phân lập được tại các ổ dịch trong nước (thuộc genotype II), thì trong môi trường PAM đạt hiệu giá HAD từ 10-6-10-7, đây là hiệu giá rất cao. Do đó chúng ta có thể chọn được những chủng virus có tiềm năng để sản xuất vacxin. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nhân lên tế bào dòng để nghiên cứu đặc tính sinh học của virus. Đồng thời, các nghiên cứu về tính kháng nguyên của virus cũng đang được tiến hành trên lợn thí nghiệm, hy vọng sẽ sớm có được kết quả. |